Báo cáo về những quốc gia tốt cho trẻ em công bố ngày 31/5, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đánh giá Việt Nam ở vị trí 96/175. Đánh giá này dựa trên yếu tố tuổi thơ của trẻ kết thúc sớm hay muộn... Một kết quả đã phản ánh đúng thực tế của trẻ em Việt Nam chúng ta ngày nay.
Đa phần việc “sớm mất đi tuổi thơ” xảy ra với trẻ của những gia đình nghèo khó, những trẻ thuộc khu vực còn nhiều khó khăn như miền núi, vùng xa. Nếu ai có dịp lên vùng Tây bắc Tổ quốc chúng ta dễ dàng nhìn thấy tận mắt các trẻ em đã sớm mất đi tuổi thơ của mình như thế nào. Ngay tại Sapa, thành phố du lịch nổi tiếng rất nhiều trẻ còn rất nhỏ đã phải đi bươn trải kiếm sống.
Từ khi thành phố còn mờ trong sương sớm đến khi thành phố đã lên đèn, bất kể trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh..., có rất nhiều trẻ em lang thang khắp mọi nẻo đường chèo kéo khách mua những món hàng một cách rất thương tâm chưa kể đến các em nhỏ đó đôi khi còn địu trên lưng những đứa bé còn rất nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi. Còn ở vùng núi Hà Giang, kể cả những ngày mưa gió lạnh, nhiều trẻ chân trần phong phanh áo mỏng trên lưng địu những bó hoa tam giác mạch hay hoa cải đến nài nỉ khách du lịch chụp ảnh để kiếm 5, 10 ngàn...
Có nhiều trẻ con nhỏ phải đi làm xe thồ, bốc vác kiếm sống. Với những hình ảnh đáng buồn như thế là đủ hiểu các em không chỉ mất đi tuổi thơ mà thậm chí nhiều trẻ còn không biết đến tuổi thơ là gì. Các em được sinh ra và lớn lên trong nghèo đói thiếu thốn. Các em không được đến trường, không được chăm sóc, được sống vui chơi như những đứa trẻ bình thường.
Nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ, không chốn nương tựa, tự mình bươn trải kiếm ăn trong điều kiện cực kỳ kho khăn, tăm tối, nhiều trẻ rơi vào những cạm bẫy từ còn rất nhỏ, nhiều trẻ vướng vào vòng lao lý... Với những trẻ này tuổi thơ chỉ là niềm mơ ước, mơ về một mái nhà ấm áp, có cha có mẹ, có một tuổi thơ hồn nhiên với tình thương nhưng chúng đã sớm bị ném ra đường.
Một số trẻ có cha mẹ nhưng cha thì nghiện ngập, cờ bạc, mẹ thì tối ngày chỉ biết đi kiếm tiền không còn thời gian chăm sóc, dạy dỗ chúng. Mà đa số những đứa sớm mất tuổi thơ, bị đánh cắp tuổi thơ, có những người cha người mẹ không có trình độ tối thiểu để có thể làm tròn vai trò làm cha mẹ.
Ở những vùng dân trí thấp trẻ sớm mất tuổi thơ đã đành, ngay cả trẻ sống trong thành phố, nơi dân trí cao, trong các gia đình khá giả vẫn có không ít trẻ cũng sớm mất tuổi thơ. Rất nhiều trẻ do cha mẹ mải mê làm ăn kiếm tiền bỏ mặc con cháu cho người giúp việc, phó thác cho nhà trường, các em cũng sớm mất đi tuổi thơ, nhiều em trở thành tự kỷ, trầm cảm. Nhiều trẻ không được sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ các kỹ năng sống đã sớm làm cha, làm mẹ ở tuổi vị thành niên, chưa kịp sống quãng đời trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng nà đã bị cuộc đời, cái xấu làm vẩn đục cả thể xác và tâm hồn, tuổi thơ như thế là đã kết thúc.
Còn kể đến những trường hợp trẻ sớm mất tuổi thơ là những trẻ sống trong gia đình có điều kiện nhưng cha mẹ gây áp lực, ép con cháu đi học thêm tràn lan, học hết cái này đến cái khác đến nỗi trẻ không còn thời gian nghỉ ngơi vui chơi ở lứa tuổi của mình, tuổi thơ các em sớm mất đi trong những ảo mộng của người lớn. Những trẻ này sớm mất đi sự thơ ngây của con trẻ, tâm hồn sớm bị chai lỳ, tâm hồn sớm đóng lại trước những điều tốt đẹp của cuộc đời.
Để trẻ không sớm mất đi tuổi thơ của mình rất cần chung tay của mọi người, của toàn xã hội. Cần xây dựng cơ sở vật chất, các trường học nơi vùng cao, vùng sâu vùng xa để mọi trẻ đều được đến trường.
Các bậc phụ huynh không chỉ quan tâm đến việc giáo dục thể chất mà cả về tâm hồn cho trẻ để trẻ được sống đúng với tuổi thơ của mình và tuổi thơ của trẻ được sống yêu thương và hạnh phúc. Các tổ chức xã hội quan tâm đến việc hồi phục, phát triển các trò chơi dân gian, xây dựng các khu vui chơi chơi giải trí cho con trẻ, giúp trẻ được sống trong thế giới tuổi thơ của mình, để trẻ có một tuổi thơ đích thực!