Tinh giản về chất...

GD&TĐ -Việc tinh giản biên chế đã nhiều lần được đề cập, nhiều giải pháp đã được đề ra và triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 thì toàn hệ thống tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021, phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.

Việc tinh giản biên chế đã nhiều lần được đề cập, nhiều giải pháp đã được đề ra và triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cũng rất quyết liệt tinh giản biên chế nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

Như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên phải kể đến là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại.

Là việc chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực như “chạy” để không phải vào diện tinh giản biên chế. Đặc biệt, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là “mắt xích” yếu nhất hiện nay trong thực hiện tinh giản biên chế.

Ý kiến khác thì cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy Nhà nước ngày càng cồng kềnh và nặng nề là do đầu vào, tức việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng trong khi đầu ra lại bị nhiều lực cản, trong khi đó, để định lượng chất lượng công chức rất khó khăn.

Đã từng có con số “30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng để chỉ rõ là ai là việc không hề đơn giản, trong các bản báo cáo vẫn chỉ nêu chung chung kiểu một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì phân tích: Tinh giản biên chế phải kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý nhưng hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị giản một cách cơ học là 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Do đó, phải tính toán lại cơ cấu để thay đổi bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức. Đây là vấn đề quan trọng vì nếu không cơ cấu lại tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì không thực hiện tinh giản biên chế.

Tinh giản biên chế là điều không đơn giản. Và một trong những yếu tố cốt lõi là trách nhiệm của người đứng đầu. Liệu người đứng đầu có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức, nể nang, tình cảm cá nhân hay không? Người đứng đầu có “dám” lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm mục tiêu để thực hiện khách quan, công bằng, công tâm, không trái các quy định liên quan đến tinh giản biên chế hay không? Quan trọng hơn nữa, việc tinh giản phải bảo đảm về chất chứ không thể chỉ thuần túy là giảm số lượng bao nhiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ