Xem xét lại đề án tinh giản biên chế trong đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét đề án tinh giản biên chế trong đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hiện nay, việc tinh giản biên chế giáo viên chỉ mang tính cơ học, đồng thời triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học, chất lượng giảng dạy nhiều mặt còn hạn chế.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, để đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai có ý kiến với UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp thầy cô yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở những nơi có điều kiện. Ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ