Tiền nào có của nấy…?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 2 năm giữ ổn định vì dịch Covid-19, hàng loạt cơ sở giáo dục đại học dự kiến tăng học phí trong năm học 2023 - 2024.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Vấn đề đặt ra là, tăng học phí có đi liền với tăng chất lượng?

Theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022 - 2023 mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập được điều chỉnh dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học này, hầu hết cơ sở đào tạo đều giữ ổn định bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ người học và phụ huynh giảm bớt gánh nặng tài chính, ổn định đời sống.

Tuy nhiên, theo đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, việc giữ ổn định học phí khiến các trường gặp không ít khó khăn, nhất là với trường công lập có nguồn thu học phí chiếm tỷ trọng trên 80% tổng nguồn thu. Đây là một trong những lý do khiến các trường đồng loạt “bung lụa” tăng học phí trong năm học tới để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ nữa, trong bối cảnh tự chủ là xu hướng tất yếu để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, một số cơ sở đào tạo đã “lạm dụng” điều này để tăng học phí khiến dư luận không khỏi quan ngại. Đứng ở góc độ phụ huynh, tăng học phí đồng nghĩa với gia tăng áp lực tài chính, chồng chéo thêm nhiều nỗi lo và gánh nặng, nhất là với gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Vẫn biết, học phí là nguồn thu quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học nhưng không phải là toàn bộ và càng không phải là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Vì thế, để thuyết phục được người học, phụ huynh và dư luận xã hội về việc tăng học phí, các trường đại học cần có kế hoạch và cam kết đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, đầu ra.

Tức là, lộ trình tăng học phí cần đi đôi với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây được coi như “bảo chứng” để phụ huynh thấy tăng học phí là cần thiết, phù hợp và là sự đầu tư thỏa đáng cho tương lai của con em họ.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần có chiến lược tài chính rõ ràng, minh bạch, bởi ngoài việc tăng học phí phải tính đến phát triển bền vững để thu hút sinh viên. Nếu “ăn xổi” bằng cách tăng cao, đột ngột, không có lộ trình sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho chính cơ sở đào tạo. Nói cách khác, tăng học phí phải đi đôi với chất lượng đào tạo, đầu ra...

Ở góc độ khác, khi tăng học phí cần dựa trên nguyên tắc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đào tạo. Do đó, phải có giới hạn về mức học phí, không phải thích tăng bao nhiêu cũng được. Mặt khác, tăng học phí dựa trên căn cứ mức thu nhập trung bình của người dân. Một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố như: Tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả và tính nhất quán trong chính sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.