Tiền lệ xấu

GD&TĐ - Chỉ còn vài ngày nữa hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ kết thúc việc đăng ký xét tuyển đại học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bên cạnh những thí sinh vẫn còn trăn trở về sự lựa chọn của mình, có không ít bạn trẻ tặc lưỡi: Thôi thì chọn đại, học tạm, nếu thấy không phù hợp thì xin chuyển ngành, cùng lắm sang năm tìm trường, ngành khác, miễn sao năm nay đậu đại học!

Không chỉ có thí sinh trước ngưỡng cửa đại học, trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, đặc biệt ở các thành phố lớn, nhiều phụ huynh, học sinh cũng “chủ trương” cho con em học tạm, miễn vào được trường công lập.

Tại TPHCM có tình trạng học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 đăng ký nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn thấp, ở xa để dễ trúng tuyển, sau đó học một học kỳ thì làm đơn xin chuyển đến những trường có điểm chuẩn cao hơn, gần nhà. Thực tế này khiến ngành GD-ĐT TPHCM phải thực hiện nhiều biện pháp để siết chuyển trường bậc THPT.

Hiện nay, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã có quy định cụ thể trong việc chuyển trường, ngành học. Tuy vậy, quy định này không khuyến khích học sinh, sinh viên lạm dụng chuyển trường, chuyển ngành, nếu không thuộc các đối tượng được phép, đặc biệt không cổ xúy cho việc “chạy trường” bằng chuyển trường.

Nếu chuyển trường, chuyển ngành tùy tiện sẽ đặt ra nhiều bài toán khó trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chiến lược giáo dục, đào tạo. Nơi đến có khả năng không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng nếu nhận thêm học sinh, sinh viên; còn nơi đi thì bỗng dưng hụt chỉ tiêu.

Không chỉ gây khó khăn cho cơ sở giáo dục, đào tạo trong tổ chức dạy học, tư duy học tạm còn ảnh hưởng không tốt đến việc học tập và tương lai của người học. Nhiều học sinh tính học tạm, sau đó không đủ điều kiện chuyển trường gần có điểm cao hơn, buộc phải đi học xa nhà trong suốt ba năm THPT, hành trình rất gian nan.

Một số em giữa đường phải bỏ trường công ở xa, xin chuyển qua trường tư thục, TTGDTX gần nhà vì không đủ sức khỏe. Cũng bởi tư duy học tạm, miễn là đậu đại học, nhiều sinh viên không hứng thú với ngành/trường mình trúng tuyển, quá trình học tập không hiệu quả. Trong số sinh viên bị cảnh cáo học vụ hằng năm ở các trường đại học, chiếm một số lượng không ít là những em có tư duy học đại, học tạm.

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh, học sinh chủ trương học tạm, trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu thông tin tư vấn trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp.

Không ít phụ huynh, học sinh nghĩ rằng chỉ cần có lý do chính đáng là có thể xin chuyển trường, chuyển ngành mà không biết rằng để siết nạn chạy trường, đa số cơ sở giáo dục đào tạo đều yêu cầu điểm đầu vào của thí sinh phải tương xứng với điểm tuyển sinh của trường/ngành dự kiến chuyển đến.

Vì thế, nếu không phải trường hợp bất khả kháng, người học một là phải học ở nơi tạm suốt hành trình học tập, hai là phải ra khỏi hệ thống nếu không đủ sức gắn bó. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe học sinh, sinh viên mà còn lãng phí không ít thời gian và tiền bạc.

Học tạm để chạy trường hay chuyển trường, chuyển ngành đều là con đường không tốt trong quản lý đào tạo nói chung và tương lai học sinh, sinh viên nói riêng. Để hạn chế tối đa những trường hợp này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn trong tuyển sinh vào THPT và đại học.

Mùa tuyển sinh 2023, TPHCM yêu cầu với học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT cách xa nơi cư trú, cần tổ chức tư vấn riêng với phụ huynh, có lập biên bản buổi tư vấn.

Các trường đại học cũng đặc biệt lưu ý về điều kiện chuyển ngành, chuyển trường, các chương trình song ngành, việc công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường. Đây là cách làm cần nhân rộng để học sinh, sinh viên có đủ thông tin, nhận thức đúng đắn và nói không với học tạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ