Học sinh lớp 10 chuyển trường vướng về kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ - Sau một học kỳ, phần lớn học sinh lớp 10 Nghệ An đã ổn định học tập theo Chương trình GDPT 2018. 

Giờ học của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An.
Giờ học của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An.

Tuy nhiên, vẫn có một số em xin chuyển lớp, trường, kéo theo đó phải thay đổi môn lựa chọn, chuyển cụm chuyên đề học tập tương ứng. Việc giải quyết các nguyện vọng này cho học sinh đang gặp một số vướng mắc.

Mong được chuyển lớp, chuyển trường

Trải qua hơn 1 học kỳ, Phan Khánh Trung (học sinh lớp 10T1, Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh) bày tỏ hài lòng với lựa chọn lớp của mình. Nam sinh cho biết: “Em theo khối A (Toán – Lý – Hóa) từ THCS vì thế lên lớp 10 em đăng ký lớp tự nhiên và thấy thích chương trình mới. Bên cạnh 5 môn bắt buộc, em được đăng ký học các môn theo năng lực của mình là Vật lý, Hóa học, Tin học… và tránh được các môn xã hội không phải thế mạnh của mình”, Khánh Trung nói.

Nhiều bạn cùng lớp Trung chia sẻ, việc học các môn bắt buộc như Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh… cũng thoải mái hơn. “Lúc đầu em lo nhất môn Tiếng Anh nhưng qua 1 học kỳ nhận kết quả tốt hơn mong đợi. Thầy cô dạy kiến thức cơ bản và không có phần nâng cao, mở rộng nhiều như các lớp chuyên xã hội. Điều đó phù hợp với năng lực của em, việc tiếp thu bài cũng tốt hơn”, Nguyễn Hoàng Tuấn, học sinh lớp 10 T1 cho hay.

Tuy nhiên, sau thời gian học tập, một số học sinh lớp 10T1 có nguyện vọng xin chuyển lớp vì muốn theo khối A1 (Toán – Lý – Anh) thay vì khối A0. Theo thầy Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật, qua thống kê, kết thúc học kỳ I, 12 học sinh có nguyện vọng chuyển lớp.

Bên cạnh đó, có 4 học sinh từ trường khác xin chuyển về, trong đó 1 trường hợp chuyển về từ phía Nam. Nếu như các năm học trước, việc chuyển lớp, chuyển trường không gặp nhiều xáo trộn vì chương trình hiện hành tất cả môn học đều bắt buộc. Nhưng với khối 10 học Chương trình GDPT 2018, chuyển lớp kéo theo chuyển tổ hợp môn lựa chọn hoặc các chuyên đề học tập.

Lê Thị Khánh An chuyển từ trường THPT tại huyện Nghi Lộc về Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) do hoàn cảnh gia đình. Ở trường cũ, ngoài các môn bắt buộc, Khánh An học lớp với các môn lựa chọn gồm: Hóa học, Địa lý, Giáo dục công dân và Công nghệ. Nhưng khi sang trường mới lại không lớp nào có tổ hợp như vậy. Sau khi tham khảo và nhận tư vấn từ nhà trường, em viết đơn đăng ký vào lớp có tổ hợp Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học. Như vậy ở trường mới, thay vì tiếp tục học môn Hóa thì nữ sinh này sẽ học môn Tin.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Nhà trường chờ hướng dẫn thực hiện

Thầy Hoàng Minh Lương cho hay, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường chỉ tiếp nhận học sinh chuyển lớp, chuyển trường sau khi kết thúc năm học. Tuy nhiên thực tế có trường hợp vì hoàn cảnh, điều kiện gia đình mà bắt buộc phải chuyển trường giữa năm học. Khi tiếp nhận, không chỉ học sinh gặp xáo trộn mà nhà trường cũng lúng túng trong tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Tại Trường THPT Diễn Châu 3, qua khảo sát có 22 học sinh lớp 10 xin chuyển lớp, chủ yếu từ khối tự nhiên sang xã hội. Tuy nhiên, nhà trường hiện chưa giải quyết trường hợp nào do chờ hướng dẫn từ cấp trên. Bên cạnh đó có 5 em chuyển từ trường khác đến, hiện được bố trí vào các lớp có số môn tự chọn tương ứng cao nhất. Còn với các môn, chuyên đề học tập bị “lệch”, trường cũng loay hoay như các trường THPT khác.

Cô Phó Hiệu trưởng Cao Thị Hải An cho hay, triển khai Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức các lớp học tương ứng với nhóm môn lựa chọn dựa trên 2 cơ sở cốt yếu: Nguyện vọng của học sinh và số lượng, cơ cấu giáo viên. Đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, tư vấn, giới thiệu chương trình mới và cho phép học sinh đổi nguyện vọng trong tháng 9. Kết quả có 7 lớp Khoa học tự nhiên và 6 lớp Khoa học xã hội.

Trao đổi bài thi
Trao đổi bài thi

Lý giải về việc đã được tư vấn rất kỹ nhưng sau 1 học kỳ vẫn có trường hợp xin chuyển lớp, cô Hải An cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi khi học sinh lớp 10 chưa đánh giá được đầy đủ năng lực bản thân cũng như thiếu chắc chắn định hướng nghề nghiệp.

Trường THPT Diễn Châu 3 hiện chiếm tỷ lệ lớn học sinh có nguyện vọng thi xét tuyển vào đại học sau khi tốt nghiệp, từ 60 - 70%. Theo cô Hải An, quan điểm giáo dục và thi cử, đánh giá học sinh lâu nay là “học gì thi nấy”. Tuy nhiên thực chất nhiều năm qua, học sinh và phụ huynh lại đang theo hướng “thi gì thì học nấy”. Cụ thể nếu như các trường đại học xét tuyển theo điểm thi các môn khối A, A1, B…, các em sẽ tập trung học và ôn tập các môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Sinh học…

Tuy nhiên, với lứa học sinh lớp 10 đang học Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT hiện chưa đưa ra hình thức thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học khi các em hoàn thành THPT trong 2 năm tới. “Chọn học môn Khoa học xã hội vì trường các em thích đang tuyển sinh theo khối này. Nhưng 2 năm tới, việc thay đổi có thể xảy ra và các em sẽ rơi vào bị động. Tôi mong Bộ sớm đưa ra phương án thi để học sinh và cả nhà trường chủ động trong tổ chức dạy học và tư vấn hướng nghiệp”, cô Hải An trao đổi.

Học sinh lớp 10 có nguyện vọng đổi môn lựa chọn, chuyển lớp, chuyển trường là thực tế đã được dự đoán. Việc giải quyết được thực hiện theo Văn bản số 68 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, văn bản này chưa có hướng dẫn cụ thể, nên các nhà trường đang lúng túng trong quá trình triển khai.

Một số trường THPT đề xuất quy đổi điểm kiểm tra học kỳ I của môn cũ sang môn thay thế khi chuyển trường. Hoặc cho học sinh học môn mới từ học kỳ II và tự bổ sung kiến thức của kỳ I kết hợp phụ đạo của giáo viên. Khi bổ sung đủ thì báo với nhà trường để tổ chức kiểm tra, lấy điểm đánh giá. Nhưng các phương án này lại không đúng với tinh thần Văn bản số 68.

“Sở đã có tờ trình xin ý kiến Bộ giải quyết trường hợp học sinh xin chuyển trường, lớp vào giữa kỳ, giữa năm học. Phương án khả thi nhất là học sinh tiếp tục học các môn lựa chọn từ đầu năm học lớp 10. Môn nào bị lệch hoặc không có trong tổ hợp của lớp mới chuyển đến, các em sẽ học ghép vào lớp có dạy học môn đó cho đến hết năm. Hình thức này như học tín chỉ của trường đại học, làm sao đảm bảo số tiết, kiến thức, kỹ năng để kiểm tra, đánh giá. Với cách thức này, nhà trường sẽ vất vả hơn trong sắp xếp thời khóa biểu, nhưng đảm bảo thống nhất trong kết quả học tập của học sinh”, ông Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Trường THPT Đô Lương 4 (huyện Đô Lương) cũng tiếp nhận một số đơn xin chuyển đến của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc). Qua kiểm tra hồ sơ, cách xây dựng tổ hợp môn lựa chọn của 2 trường cơ bản tương đồng, nhưng vẫn lệch một số môn. Thầy Nguyễn Quốc Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của sở GD&ĐT để tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá đối với các trường hợp xin chuyển trường, lớp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.