Tích hợp để học sinh thêm yêu Lịch sử

GD&TĐ - Hào hứng với dạy học tích hợp và nhận thấy rõ sự hứng thú của học sinh với cách dạy học này, nhiều giáo viên thẳng thắn bày tỏ quan điểm tán thành chủ trương tích hợp môn Lịch sử trong chương trình mới.

Thầy Hà Văn Đường hướng dẫn học sinh trong giờ học Lịch sử
Thầy Hà Văn Đường hướng dẫn học sinh trong giờ học Lịch sử

Thầy Lê Đình Diệp- giáo viên Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi): Tôi rất hào hứng với chủ trương tích hợp của Bộ GD&ĐT

Thầy Lê Đình Diệp giảng bài cho học sinh trong giờ học 

Là một giáo viên THPT, tôi cho rằng, việc tích hợp Lịch sử và Địa lý thành môn Khoa học xã hội (dành cho học sinh đi vào các ngành Khoa học tự nhiên và Công nghệ - Kỹ thuật) là một chủ trương đúng của Bộ GD&ĐT, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất: Trong chương trình hiện nay, môn Lịch sử và môn Địa lý có những nội dung giao nhau, thậm chí với cả môn Giáo dục công dân cũng vậy. Do đó, nếu tích hợp lại sẽ đỡ chồng chéo, trùng lặp, tiết kiệm được về thời gian.

Thứ hai: Trên thực tế, đôi khi cách viết của người viết sách có độ "vênh" về mặt kiến thức trong hai môn, nếu tích hợp lại, nội dung kiến thức chắc chắn sẽ thống nhất. Trên thế giới, tôi thấy một số quốc gia cũng thực hiện hình thức tích hợp như vậy và họ đã rất thành công.

Thứ ba: Việc tích hợp môn Lịch sử, Địa lý chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho giáo viên về thời gian, từ đó có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hoạt động giảng dạy.

Gần đây, nhiều người kiên quyết bảo vệ quan điểm môn Lịch sử phải đứng thành môn học độc lập, tôi cho rằng, có lẽ nguyên nhân do chưa thực sự hiểu hết chủ trương của Bộ GD&ĐT. Bởi, thực tế nội dung giáo dục Lịch sử trong nhà trường vẫn đảm bảo. Ngoài phần chung thì nội dung thuộc về phần kiến thức nào vẫn là giáo viên môn đó dạy, giáo viên Lịch sử dạy phần kiến thức Lịch sử, giáo viên Địa lý dạy phần kiến thức Địa lý.

Có thể nói, là giáo viên trực tiếp giảng dạy nhiều năm, tôi rất hào hứng với chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc dạy học tích hợp, liên môn.

Tích hợp có 2 phần là tích hợp nội môn và tích hợp liên môn. Tích hợp nội môn có nghĩa là trong một môn học có nhiều phần giống nhau sẽ tích hợp thành một chủ đề. Ví dụ, trong chương trình Địa lý của lớp 12 có nhiều phần bài nói về biển, ta tích hợp nội dung các chương đó thành bài - chuyên đề về biển, đó là việc làm rất phù hợp vì đỡ trùng lặp kiến thức.

Thứ hai là tích hợp liên môn. Ví dụ dạy học Địa lý địa phương có 3 tiết (chương trình nâng cao) và 2 tiết (chương trình cơ bản); môn Lịch sử địa phương cũng vậy. Những tiết đó có liên hệ với nhau về mặt lịch sử, văn hóa. Vậy tại sao ta không gộp lại để dạy thành Lịch sử - Địa lý địa phương, sẽ tiện lợi và rút ngắn thời gian hơn.

Về phía giáo viên, tôi cho rằng, nếu tìm hiểu kỹ khái niệm - nội dung - kỹ năng - quy trình bài dạy tích hợp, bất cứ một giáo viên nào cũng có thể thực hiện được dạy học tích hợp. Bản thân tôi hoàn toàn tự tin mình sẽ tự tin và sẽ làm tốt việc dạy học tích hợp trong chương trình mới.

NGƯT Nguyễn Thị Thúy - Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu): Tôi tán thành việc tích hợp môn Lịch sử

Tích hợp để học sinh thêm yêu Lịch sử ảnh 2Cô Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên tiêu biểu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Bản thân tôi tán thành việc tích hợp môn Lịch sử. Bởi, học sinh quan tâm nội dung giáo dục Lịch sử và cách dạy môn Lịch sử trong nhà trường chứ không phải là tên gọi môn học.

Lịch sử gắn liền với Địa lý, thơ ca và có khi cả nhạc họa thì sẽ làm cho học sinh hứng thú, dễ đi vào tâm trí và tồn tại lâu bền trong mỗi học sinh.

Nhiều người lo lắng về đội ngũ thực hiện dạy học tích hợp. Theo tôi, việc dạy học tích hợp nói chung và dạy học tích hợp Lịch sử nói riêng, với giáo viên có thể thực hiện được.

Vì ngày nay, chúng ta không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà quan trọng là dạy các em phát triển các năng lực: Tự học, tự giải quyết vấn đề, cộng tác, ... Và giáo viên với kinh nghiệm của mình chắc chắn sẽ nhanh hơn các em về các năng lực này. Đó là chưa kể, giáo viên còn phải làm gương cho học sinh về khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề...

Bước đầu có thể còn có bỡ ngỡ và khó khăn, nhưng nếu hiểu cơ sở khoa học của việc tích hợp, tự mỗi giáo viên sẽ soạn và triển khai được các chủ đề tích hợp phù hợp cho bộ môn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, nên có lộ trình hợp lý cho việc này.

Bản thân tôi đang chuẩn bị cho bài dạy thể nghiệm tích hợp cho môn Công nghệ, học sinh cũng thích thú vì bấy lâu nay các em đã được làm quen với học theo chủ đề, theo định hướng phát triển năng lực (đây có thể hiểu là việc kết hợp các bài học trong cùng một môn - tích hợp nội môn), giờ chỉ thêm lựa chọn và kết hợp thêm những bài học phù hợp ở môn khác (tích hợp liên môn) vào mà thôi.

Thầy Hà Văn Đường – Trường THPT Mù Cang Chải: Tích hợp môn Lịch sử là hợp lý

Thầy Hà Văn Đường hướng dẫn học sinh trong giờ học Lịch sử 

Theo tôi, nếu Bộ GD&ĐT tích hợp môn Lịch sử thì sẽ hay hơn và hợp lý hơn bây giờ. Thực tế cá nhân tôi đã từng tham gia dạy Lịch sử có tích hợp, lồng ghép với kiến thức của môn Địa lý, Giáo dục công dân. Từ những bài dạy tích hợp đó, tôi nhận thấy: Môn Lịch sử không còn khô cứng, bài học trở nên sinh động, mềm dẻo hơn.

Đặc biệt học sinh rất hào hứng và hăng hái tham gia xây dựng bài học hơn. Chúng ta đang hướng đến người học là trung tâm và môn Lịch sử cũng không nằm ngoài mục đích đó. Vậy thì tại sao lại không thể vì học sinh để tích hợp môn học này.

Hơn nữa tôi nhận thấy, khi tôi dạy tích hợp thì kiến thức Lịch sử không hề bị mất đi, thậm chí còn được củng cố, bổ sung và mở rộng hơn nhiều so với khi dạy đơn môn.

Ngoài ra, dạy tích hợp, giáo viên sẽ phát triển được chuyên môn, nghiệp vụ hơn. Cụ thể: Giáo viên sẽ phải tìm tòi, tra cứu tài liệu và phải tự bồi dưỡng nghiệp vụ. Như vậy, đó cũng chính là động lực để giáo viên hoàn thiện và nâng cao năng lực sư phạm.

Nhiều người băn khoăn, khi Bộ GD&ĐT tích hợp môn Lịch sử thì giáo viên sẽ bị mất việc. Tôi thì không nghĩ như vậy. Có chăng là sự sắp xếp lại cho phù hợp với năng lực của từng người. Hoặc có thể giáo viên sẽ gặp phải một vài khó khăn nhất định khi tiến hành tích hợp.

Tuy nhiên đó không phải là vấn đề lớn và giáo viên hoàn toàn có thể khắc phục được. Bởi dù có tích hợp hay không tích hợp thì nhiệm vụ của giáo viên vẫn là giảng dạy cho học sinh, có chăng chỉ là thay đổi về mặt phương pháp, hoặc là kỹ thuật nghiệp vụ sư phạm. 

Điều quan trọng là giáo viên có sẵn sàng đón nhận cái mới hay không. Khi đã có tâm thế vững vàng thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.