Nếu tích hợp, môn Sử cũng không thể biến mất

GD&TĐ - Xung quanh những ý kiến tranh luận liên quan đến việc tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với TS Vũ Thị Phương Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này.

Nếu tích hợp, môn Sử cũng không thể biến mất
Nếu tích hợp, môn Sử cũng không thể biến mất ảnh 1 TS Vũ Thị Phương Anh

Với chủ trương tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, là một người trực tiếp đứng lớp, có những nghiên cứu, quan sát, so sánh... quan điểm của bà là như thế nào?

Tích hợp là một quan điểm mới trong thiết kế chương trình giáo dục đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Tôi nghĩ, chủ trương tích hợp các môn học lại  với nhau là một chủ trương đúng của Bộ GD&ĐT và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Tất nhiên, để làm được điều này thành công không phải là dễ dàng, cần nhiều thời gian và công sức của nhiều người, và đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm học tập trong những nền giáo dục tiên tiến. Không dễ, nhưng cũng không thể vì thế mà không làm, vì đó là xu hướng chung và là sự tiến bộ của bộ môn khoa học về phát triển chương trình đào tạo.

Khi những tranh luận nổi lên việc tích hợp môn Sử, hay môn Sử đứng riêng... Nhiều người đã so sánh, rằng nếu thế thì không một môn nào tích hợp được, vì môn học nào cũng quan trọng... Bà nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ, những người phản đối tích hợp chẳng qua là chưa nhìn thấy các nước đã làm việc này như thế nào nên mới cho rằng không thể làm. Chứ thực ra thì gần như bất cứ môn nào cũng có thể tích hợp, và theo tôi thì cần tích hợp (dù, xin nhắc lại, điều này không dễ). 

Nếu chúng ta nhìn việc học như là sự chuẩn bị cho học sinh giải quyết những vấn đề của thế giới, thì rõ ràng là để giải quyết bất kỳ vấn đề nào cũng đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Tích hợp chính là nhằm đáp ứng yêu cầu này, và nó cũng làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn, thú vị hơn đối với học sinh.

Mới đây, nơi này nơi khác đã đưa tin rất "giật gân" rằng Phần Lan đã bỏ môn Toán, thực ra môn Toán chỉ được tích hợp với môn khác mà thôi. Nếu điều này xảy ra ở Việt Nam, có lẽ các nhà Toán học và các nhà sư phạm Toán cũng sẽ la ầm lên rằng Bộ GD&ĐT có âm mưu "xóa sổ môn Toán" chăng - một môn quan trọng như thế! Tôi nghĩ, mọi người phản ứng chẳng qua là do chưa quen nên không tin tưởng mà thôi.

Bà có nhận định rằng nếu tích hợp môn Sử thì môn Sử cũng không thể biến mất, không thể bị xóa sổ! Xin hỏi cơ sở nào để bà có thể khẳng định như vậy?

Lịch sử vốn có sự sống của nó bên ngoài môn Sử và độc lập các nhà viết Sử. Vì lịch sử chỉ là những gì đã xảy ra cho những con người cụ thể ở những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với một xã hội, một dân tộc, một nhóm người nào đó, và để lại những bài học cho những người có liên quan và cho toàn nhân loại.

Thử tưởng tượng các xã hội bán khai, không có chữ viết, và tất nhiên là không có các nhà sử học, vậy chẳng lẽ họ không có sử? Không đâu, họ vẫn có chứ; lịch sử của họ được lưu giữ lại trong ký ức những người cùng thời, những người có liên quan hoặc những người đã tình cờ chứng kiến.

Những điều ấy vẫn cứ còn trong ký ức tập thể của cộng đồng, và nó sẽ được truyền lại bằng cách bằng cách truyền khẩu qua lời mẹ kể lại cho con, được ghi lại bằng những bài thơ, những dấu tích hoặc vật thể mang ý nghĩa tượng trưng, hoặc những vị thần thánh vốn đại diện cho các nhân vật trong sự kiện lịch sử nào đó.

Đấy, ngay cả khi không có môn Sử thì lịch sử vẫn tồn tại qua các tượng thần, các hòn đá thờ, các câu chuyện, bài thơ ... tích hợp là ở đấy chứ còn đâu nữa! 

Xin hỏi hiện trên thế giới có bao nhiêu quốc gia đã và đang tích hợp môn Lịch sử? Trong quá trình tiến hành đổi mới giáo dục, họ có gặp phải những khó khăn, hoài nghi như những gì đang diễn ra tại Việt Nam không, thưa bà?

Tôi không nghiên cứu về môn Sử, lại càng không theo dõi các quá trình đổi mới theo hướng tích hợp trên toàn thế giới nên không thể trả lời câu này. Tuy nhiên ở những nền giáo dục mà tôi biết  - tôi chủ yếu biết về những nền giáo dục của các nước nói tiếng Anh - thì tôi đều thấy môn Sử có được tích hợp vào môn khác (như Singapore, Mỹ, Úc, Canada).

Cũng phải nói thêm là ngay cả ở các nước tôi vừa nêu thì vẫn tồn tại cả hai quan điểm: Môn Sử cần là một môn học độc lập, và môn sử cần tích hợp lại với các môn học khác.

Tôi cho rằng không có phương pháp nào thay thế được tài năng và lòng yêu nghề của người thầy, nên dù có tích hợp hay không thì người thầy vẫn là quan trọng nhất. 

Thưa bà, phải chăng dù bàn tích hợp hay không, để riêng hay sáp nhập, thì điều quan trọng nhất vẫn chính là những người gắn chặt với nội dung giáo dục lịch sử: Học sinh học như thế nào, giáo viên dạy ra sao? Vậy đối tượng học sinh sẽ đóng vai trò như thế nào trong những tranh cãi này? Làm thế nào để dung hòa được những điều mong muốn của các bên liên quan trong môn Lịch sử?

Câu này đã được trả lời một phần ở trên. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là người thầy. Học trò yêu môn Sử, thích môn Sử hay không là do thầy truyền cho cảm hứng. Vì vậy tôi phản đối quan điểm vì môn Sử quan trọng nên phải bắt buộc, phải độc lập, phải thi....

Ngoài ra tôi cũng cho rằng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của môn Sử trong nhà trường, mà còn là việc của cả xã hội. Sự tôn trọng lịch sử nước nhà có lẽ thể hiện rõ nhất qua văn học nghệ thuật, và qua các ứng xử hàng ngày của báo chí truyền thông.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi

Với môn Lịch sử, tôi nghĩ là cần tích hợp, nhưng quan trọng hơn là cần làm một cách cẩn thận, với sự đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết về việc xây dựng chương trình tích hợp.
Tập hợp chuyên gia có kinh nghiệm và tôn trọng các ý kiến khác biệt, thuyết phục được các quan điểm trái ngược nhau để đi đến đồng thuận, đó là điều tôi mong đợi, và có thể cũng sẽ là điều khó khăn nhất.  

TS Vũ Thị Phương Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chưa rõ điểm đến của hệ thống Patriot được chất lên xe

Tranh cãi việc bắt sống hệ thống Patriot?

GD&TĐ - Một chiếc xe tải vận chuyển một thứ được cho là hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, tuy nhiên, đích đến của nó vẫn đang là một dấu chấm hỏi.
Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ nay đến hết ngày 19/5.

Đồng Tháp " Rạng ngời sắc Sen"

GD&TĐ - Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 19/5 với nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, văn nghệ đặc sắc.