Nên tư duy tích hợp Lịch sử là phương pháp dạy - học tiên tiến

GD&TĐ - Đây là nhận định của một số chuyên gia giáo dục Mỹ khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về kinh nghiệm triển khai tích hợp nội dung giáo dục Lịch sử - việc đã được các bang tại Mỹ tiến hành với nhiều sáng tạo.

Nên tư duy tích hợp Lịch sử là phương pháp dạy - học tiên tiến

Về hệ thống giáo dục chung nước Mỹ, các bang có một khung giáo dục chung nhưng có sự khác biệt trong từng bang, từng thành phố về chi tiết nội dung, cách thức triển khai… 

Vậy nên việc tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác cho từng cấp học tại Mỹ rất đa dạng, phong phú, gợi nhiều kinh nghiệm cho các quốc gia khác học tập.

Thạc sỹ Chris McDonald - Tổng Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Olympia: Tích hợp liên môn - phương pháp học tập tự nhiên và tự chủ

Thạc sỹ Chris McDonald  

Hiện nay, tại các trường học ở Mỹ đang triển khai 3 loại hình tích hợp liên môn, gồm có: 1) Thiết kế một nội dung bài học mà các học sinh liên khối từ các độ tuổi khác nhau cùng tham gia học tập; 2) Thiết kế các chuyên đề, dự án dạy học là hoạt động trải nghiệm với sự tham gia hợp tác của các giáo viên dạy những môn khác nhau; 3) Thiết kế môn học có nội dung tích hợp của nhiều lĩnh vực do một hay nhiều giáo viên đứng lớp.

Trong 10 năm qua, tôi đã tham gia vào việc thiết kế và giảng dạy nhiều môn học tích hợp trong cả khối ngành Khoa học và Nhân văn tại nhiều trường ở Hoa Kỳ và bây giờ là Việt Nam. Ví dụ: môn “Humanities” (Nhân văn) tích hợp Âm nhạc, Nghệ thuật, Lịch sử và Tiếng Anh, môn “Global Dynamics” (Các vấn đề toàn cầu) tích hợp kiến thức Nghệ thuật, Âm nhạc, Lịch sử, Tiếng Anh, Triết học…

Theo tôi, phương pháp dạy học tích hợp liên môn là công cụ tuyệt vời để đánh giá các kĩ năng và phẩm chất của người học một cách toàn diện, giúp học sinh tự khám phá, phân tích, tổng hợp thông tin, thể hiện quan điểm, dùng lập luận chứng minh cho luận điểm và đưa ra dự đoán. 

Vấn đề dạy tích hợp môn Lịch sử nên tư duy đó là một phương pháp dạy và học tiên tiến, được áp dụng để tối ưu hóa kiến thức các môn học, chứ không phải môn này đào thải môn khác.

Nội dung các khóa học tích hợp liên môn cần xây dựng trên chủ đề mà học sinh thực sự quan tâm và mong muốn. Sẽ không có một cuốn sách giáo khoa nào trình bày đầy đủ kiến thức thực tế và thời sự cho học sinh. 

Bởi thế, muốn có kiến thức học sinh cần tìm hiểu từ nhiều lĩnh vực khác nhau và giáo viên là người hướng dẫn, điều phối, cùng học sinh làm việc đó.

Điều khó khăn nhất đối với giáo viên của chúng ta là thay đổi tâm thế. Giáo viên không chỉ là người dạy mà còn phải là người học, liên tục cập nhật những cái mới, đặt kiến thức của mình vào một môi trường rộng lớn hơn. Lịch sử sẽ có nghĩa với học sinh khi chúng ta kết nối nó với những sự kiện thời sự, với bối cảnh ngày hôm nay và trong sự vận động của xã hội.

Tại trường Olympia chúng tôi luôn luôn đặt ra ba câu hỏi đối với cả giáo viên và học sinh: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta tới đây bằng cách nào? Chúng ta rồi sẽ đi tiếp tới đâu?

Trong khi đi tìm câu trả lời, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một môn học đơn lẻ khó có thể giúp học sinh giải quyết được vấn đề.

Hãy giúp học sinh bằng cách liên tục đặt ra những câu hỏi “Vì sao”. Càng có nhiều câu hỏi “Vì sao?” được hỏi và trả lời, học sinh càng đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu mọi khía cạnh của vấn đề. Tích hợp liên môn lúc đó trở thành một phương pháp học tập tự nhiên và tự chủ, giống như cách thế giới đang thực sự vận hành.

Cô Melissa Judy - Giáo viên Tiếng Anh OEA Vietnam, Tốt nghiệp Đại học Bắc Colorado (UNC):Chủ đề về khoa học xã hội rất đa dạng để có thể tích hợp

Cô Melissa Judy 

Ở Mỹ, mỗi bang, quận, trường và thậm chí giáo viên có hướng tiếp cận khác nhau trong việc dạy môn Lịch sử. Không có một chương trình giảng dạy quốc gia mang tính cố định cho môn học nhưng cuối cấp 3 môn học Khoa học xã hội được lựa chọn hơn dựa trên các môn học như Kinh tế học, Xã hội học và Khoa học chính trị. 

Ở trường tôi, học sinh tập trung học Giáo dục công dân năm lớp 9, Lịch sử thế giới năm lớp 10, Lịch sử nước Mỹ năm lớp 12. Tuy nhiên, chưa kể đến nhiều trường cấp 3 cũng có sự lựa chọn cho học sinh tham gia học Chương trình Nâng cao (AP) hay Tú tài Quốc tế (IB).

Trong mỗi lớp học lịch sử ở bất kỳ độ tuổi nào, rất nhiều quận đều tích cực áp dụng hình thức đánh giá dựa trên kết quả thực hiện của học sinh như thuyết trình, hồ sơ quá trình học tập hay các kinh nghiệm thực hành thay vì định dạng bài kiểm tra chuẩn. 

Thông thường qua mỗi kỳ học, học sinh sẽ hoàn thành các bài tập được giao để thể hiện sự hiểu biết của các em về tài liệu môn học thay vì một bài kiểm tra trắc nghiệm vào cuối chương trình. Điều này tạo cho các em có tư duy toàn diện liên quan tới môn học vì các em được áp dụng thay vì nhớ thông tin đã học.

Chúng tôi có môn Khoa học xã hội và được dạy như một môn độc lập nhưng với mỗi chủ đề đều tích hợp liên môn. Cho dù đó là môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Kinh tế học hay Xã hội học, mọi môn học chủ đạo như Toán hay tiếng Anh đều có sự liên hệ trực tiếp tới Khoa học xã hội vì môn học yêu cầu kiến thức của các con số liên quan tới dân số, biểu đồ... 

Do vậy, chủ đề về Khoa học xã hội rất đa dạng để có thể tích hợp với bất kỳ môn học nào nhưng phụ thuộc vào các môn học cần được hiểu ở cấp độ chuyên sâu như thế nào.

Thầy Jack Cobb - Giám đốc Tuyển sinh Hệ thống Giáo dục ESLI Hoa Kỳ, Đại học Western Kentucky:Một bài học tương tác với môn học khác luôn tạo ra hiệu quả tốt

Nên tư duy tích hợp Lịch sử là phương pháp dạy - học tiên tiến ảnh 3 Thầy Jack Cobb
Ở lớp học môn Lịch sử trường cấp 3, bài giảng của giáo viên cho phép các em được “mắt thấy - tai nghe”. Ví dụ thầy cô sẽ cho các em đi thực địa bên ngoài lớp học và chia các em thành các nhóm nhỏ để hoàn thành bài tập được giao. 
Nếu giáo viên chỉ đứng trên bục và giảng bài suốt một giờ đồng hồ tôi tin rằng các em học sinh sẽ cảm thấy không có hứng thú học tập.

Có nhiều phương pháp giảng dạy Lịch sử ở Mỹ. Thật khó để liệt kê tất cả các phương pháp mà giáo viên dạy môn học Lịch sử tích hợp các chủ đề trong bài giảng.

Tuy nhiên, ở mức độ một bài học tương tác với môn học khác luôn tạo ra hiệu quả tốt. Ví dụ khi dạy về Cách mạng Công nghiệp, rõ ràng chúng ta có thể thấy một giáo viên dạy Lịch sử không thể chia sẻ với các em học sinh kiến thức chi tiết về một chiếc động cơ hơi nước trong khi kiến thức của giáo viên lại là tiểu sử của nhân vật lịch sử. 

Vì vậy, sẽ rất hữu ích  nếu có thể thầy cô giáo Kỹ thuật công nghiệp hoặc Vật lý được mời vào giờ học Lịch sử để nói chuyện với các em học sinh. 

Tôi nghĩ, với một học sinh có ít năng khiếu về Lịch sử có thể sẽ nhận thấy sự đam mê cho môn Vật lý hay Kỹ thuật công nghiệp, qua đó có thể định hướng được nghề nghiệp cho các em.

Đây chỉ là một ví dụ về phương pháp để thấy rằng môn học Lịch sử được giảng dạy tại các trường học ở Mỹ. Tuy nhiên, sự khác biệt sẽ tùy thuộc vào mỗi trường, mỗi thầy cô giáo, tài nguyên mà mỗi trường có.

Thầy Joan Orr – Giáo viên dạy Toán lớp 6 ở Trường Trung học Hamburg (Mỹ), bang New York: Học sinh sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tích hợp các giáo trình

Việc tích hợp kiến thức giữa các giáo trình để sinh viên có sự liên tưởng với đời sống thực tế là rất tốt. Ở một số trường tiểu học hiện tại đã có việc tích hợp giáo trình và trào lưu này trở nên phổ biến cách đây 10 - 12 năm. Các học sinh sẽ thu được nhiều lợi ích hợp từ việc tích hợp giáo trình với nhau.

Ở các lớp phổ thông trung học, họ vẫn kết hợp giữa Tiếng Anh và giáo trình Xã hội vì các bộ môn này "vay mượn" lẫn nhau khá nhiều về văn phong. Việc tích hợp Nghệ thuật, Âm nhạc, Kỹ thuật... là rất tuyệt và những giáo viên có nghề vẫn luôn cố gắng làm được điều này

Thầy Greg Johnson - Hiệu trưởng trường Buffalo Public School, thành phố Buffalo: Kết hợp các bộ môn không có nghĩa là loại bỏ Lịch sử

Trường chúng tôi có từ lớp 1 đến lớp 8. Ít nhất là ở bậc tiểu học, chúng tôi đã bắt đầu tích hợp Lịch sử với môn ngôn ngữ tiếng Anh. Bằng cách này, học sinh có thể học 2 kỹ năng trong một lần học.

Con trai tôi - Jason - thì học tích hợp môn Ngôn ngữ tiếng Anh và Xã hội học, hay Toán tích hợp với Khoa học. Chúng tôi muốn dạy tích hợp nhiều kỹ năng hợp và ít chia riêng rẽ các môn này ra. Hiện bậc trung học chúng tôi vẫn chưa làm điều này.

Tích hợp ở quốc gia chúng tôi có nghĩa là kết hợp các bộ môn với nhau, không có nghĩa là loại bỏ Lịch sử khỏi giáo trình. Vẫn có tiết học Lịch sử, và Lịch sử cũng được kết hợp với các bộ môn khác nữa để tạo tính thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ