Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhận được sự quan tâm của các chuyên gia Lịch sử, cán bộ, giảng viên, giáo viên Lịch sử các trường ĐH, học viện, trường THPT.
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, cơ quan Bộ GD&ĐT, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cùng tham dự.
Không phải gọi “đích danh” mới thể hiện được tầm quan trọng của môn học
Để đảm bảo tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không cần gọi tên môn học đó một cách “đích danh”, “trực tiếp” (như tên các môn học trong các chương trình truyền thống)".
- Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.
Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Theo tinh thần coi trọng giáo dục Lịch sử, có ý kiến cho rằng, nếu tích hợp trong môn Khoa học Xã hội và môn Công dân với Tổ quốc thì không thể hiện được tầm quan trọng của giáo dục Lịch sử; khó tích hợp các mạch kiến thức Giáo dục công dân, giáo dục Lịch sử và Giáo dục Quốc phòng an ninh; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT; đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này.
Về nội dung này, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng: Liên quan đến dạy học tích hợp và phân hóa, trước hết phải khẳng định đây là vấn đề có nhiều yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông nên không thể tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc.
Mỗi lĩnh vực giáo dục được thực hiện qua nhiều môn học, trong đó có một hoặc một số môn học cốt lõi. Nhà tổ chức giỏi phải biết tổ chức nội dung trong từng môn học, cũng như giữa các môn học sao cho các kiến thức được dạy không bị chồng chéo mà lại có tác dụng soi sáng, hỗ trợ lẫn nhau để tăng hiệu quả giáo dục.
Cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học Xã hội (hoặc môn) Lịch sử trong dự thảo Chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông một số nước. Việc tiếp theo đây là phải xây dựng chương trình môn học, viết SGK và thực hiện quá trình giáo dục sao cho tốt nhất.
Về tên gọi môn học, chúng ta biết rằng, để đảm bảo tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không phải là cần gọi tên môn học đó có một cách “đích danh”, “trực tiếp” (như tên các môn học trong các chương trình truyền thống) mà là:
Người học nắm được kiến thức của môn học/lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào (có hiệu quả không) và kiến thức đó có chuyển hóa thành phẩm chất (hứng thú, niềm tin, đạo đức, thái độ…) và năng lực (vận dụng kiến thức cùng với các phẩm chất cá nhân để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống).
Việc lựa chọn tên môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học. Ở cấp THPT, có 4 môn học bắt buộc đối với tất cả các học sinh thì 3 môn được đặt tên “trực tiếp” theo truyền thống là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp…), là do tính chất công cụ cho hoạt động của con người và một môn Công dân với Tổ quốc (là môn học có tên mới) do vai trò đặc biệt, có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học/lĩnh vực giáo dục khác trong chương trình.
Việc thiết kế môn học tích hợp mới theo các mạch kiến thức dựa theo các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh (như một số nước phát triển đã làm) là một giải pháp đã cân nhắc đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay.
Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.
Mặt khác, việc thiết kế như vậy tạo thuận lợi cho việc thiết kế trong mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu, Hiệu trưởng trường phổ thông sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy tưng chuyên đề cụ thể.
Kết quả thực nghiệm dạy môn Khoa học xã hội ở lớp 6, lớp 7 của mô hình Trường học mới trong 2 năm qua đã chứng minh điều đó.
Xin nói thêm rằng: Kết quả cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh hiện nay những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy được một số chuyên đề dạng này. Giáo viên sẽ được tiếp tục bồi dưỡng để sẵn sàng dạy học theo chương trình mới.
Đồng thời, các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và đổi mới cách thức tổ chức đào tạo để đào tạo được những giáo viên dạy được toàn bộ các nôi dung trong từng môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Làm giáo dục Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn
Muốn vậy, phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh, trái lại, môn Lịch sử phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học.
Nhất trí với nội dung này, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nói rõ thêm: Liên quan đến đổi mới giáo dục lịch sử trong giáo dục phổ thông, trong những năm gầin đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hai hội thảo (tại Đà Nẵng, ngày 18 – 19/8/2012 và Hà Nội, ngày 3/11/2015), mời đông đảo các nhà khoa học lịch sử và các giảng viên, giáo viên Lịch sử tham dự.
Bộ GD&ĐT cũng đã chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức cuộc thi “Em yêu Lịch sử Việt Nam” (năm học 2014 – 2015) thu được kết quả rất tốt đẹp.
Đồng thời, tham dự với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức phát thưởng cho các học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi hàng năm về môn Lịch sử; đã tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán môn Lịch sử và môn Địa lý về tích hợp giáo dục biên giới, chủ quyền biển đảo (theo hai miền, năm 2013), sau đó, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tập huấn tiếp về chủ đề này (theo 3 miền, năm 2014); đã đưa nội dung trên vào đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn năm 2014 và năm 2015.
Muốn giáo dục Lịch sử trở nên hấp dẫn học sinh, chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là một yêu cầu phải được thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố, từ xác định mục tiêu giáo dục, lựa chọn nội dung và tổ chức nội dung giáo dục, đa dạng hóa và đổi mới hình thức giáo dục, phương pháp giáo dục, đổi mới cách thức đánh giá học sinh.
Các yếu tố trên có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau nên khi bàn về cách thức tổ chức nội dung giáo dục (môn học Lịch sử đứng độc lập hay không độc lập) thì phải xét trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông, không thể xét riêng về tổ chức nội dung giáo dục hay riêng môn học Lịch sử và giáo dục lịch sử.
Quang cảnh Hội thảo |
Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục Lịch sử chắc chắn sẽ nhiều hơn
Không phải là học sinh thích thì (chọn) học, không thích thì thôi, xóa sổ môn học Lịch sử. Trái lại, theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất hai môn: Công dân với Tổ quốc và một trong hai môn Lịch sử hoặc môn Khoa học Xã hội.
Ngoài ra, học sinh còn được học Lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về Lịch sử.
Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục Lịch sử trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành, điều này là rõ ràng vì chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học Lịch sử 1,5 tiết/tuần, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bắt buộc học sinh phải học Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn Khoa học Xã hội 3 tiết/tuần, hoặc Lịch sử 3 tiết/tuần.
Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ ràng trong văn bản dự thảo. Tiếp thu các góp ý, văn bản Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho rõ vấn đề này.
Kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới
Trước ý kiến, nếu để kiến thức Lịch sử ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội, Lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:
Trong chương trình mới, học sinh sẽ học kiến thức lịch sử trong ít nhất hai môn học, nghĩa là kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải là xé lẻ kiến thức.
Việc xây dựng chương trình, viết SGK phải đảm bảo yêu cầu này và phải tránh chồng chéo/lặp lại kiến thức lịch sử giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Khoa học xã hôi, giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Lịch sử; giữa hai môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử thì có thể có cùng một số nội dung kiến thức Lịch sử vì hai môn này nhằm đáp ứng hai nhóm học sinh khác nhau (mỗi em không bắt buộc phải học cả hai môn này).
Thực tế là kiến thức lịch sử hay những vấn đề có liên quan đến lịch sử đang tồn tại trong nhiều hoạt động, quá trình, hiện tượng khác nhau, việc lựa chọn, tách ra và sắp xếp như thế nào trong các môn học là nghệ thuật của nhà giáo dục trong việc chuyển tải nội dung khoa học thành nội dung dạy học, tránh cho môn học không chỉ là bản sao chép, rút gọn một khoa học chuyên ngành, rất đảm bảo logic hình thức, nhưng chính vì vậy mà không tránh được hiện tượng phải có nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời cuộc sống, gây quá tải cho học sinh như nhiều môn học hiện nay.
Ban xây dựng dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã cân nhắc đến việc này, nhưng theo tinh thần đó, chương trình môn học phải là sản phẩm của tác giả chương trình môn học và cần có sự góp ý xây dựng của nhiều người, nhất là các nhà Sử học và các nhà giáo dục.
Việc bố trí các môn học phải quán triệt yêu cầu đổi mới
Với đề nghị duy trì Lịch sử là môn học riêng, bắt buộc với tất cả các học sinh, theo Ban xây dựng dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, việc bố trí các môn học ở cấp THPT cũng như trong toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông mới phải quán triệt yêu cầu đổi mới, phải đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các môn học;
Đồng thời, phải tạo thuận lợi cho việc đổi mới cả nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt nhất mục tiêu giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người công dân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.
Ban xây dựng chương trình cho rằng, nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.