Tại đây, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi con đường vào giảng đường Đại học của 2 em khá thênh thang nhưng nay có khả năng phải khép lại bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn.
Em Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn là cặp song sinh, trong một gia đình có 4 anh em, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên người anh đầu phải nghỉ học giữa chừng, ở nhà kiếm việc làm với mong muốn là giúp đỡ gia đình nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, người chị kế bị bệnh tâm thần, cả ngày đi lang thang trong xóm, không giúp gì được cho gia đình.
Trong khi đó ba của 2 em là anh Hồ Văn Tứ, sinh năm 1950, trước đây công tác tại Xí nghiệp chế biến da Tam Kỳ nhưng anh phải nghỉ việc sớm vì căn bệnh thần kinh tọa, hàng ngày chỉ biết quanh quẩn với những luống cải, vồng khoai.
Mẹ của 2 em là chị Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1952, đã từng là cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ phường Hòa Hương nhưng cũng đành phải rời khỏi vị trí công việc đầy hứa hẹn vì hai mắt bị đục thủy tinh thể và sức khỏe giảm sút.
Nghỉ việc về nhà không biết làm gì hơn ngoài việc nội trợ và chạy chợ, bán từng củ khoai, củ sắn, mớ rau do chồng làm ra để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Cả gia đình chen chúc trong căn nhà cấp IV do ông bà để lại, chật hẹp, lụp xụp và xuống cấp nên mùa nắng thì nóng như đổ lửa, mùa mưa thì dột khắp nơi không có chỗ để nằm, tài sản thì không có gì đáng giá ngoài căn nhà lụp xụp và mảnh vườn không quá 200m2, muốn bán nhưng bán cũng không được vì đang nằm trong diện quy hoạch.
Khó khăn là vậy nhưng Hồ Tú Ân và Hồ Tú Ẩn không hề tự ti, mặc cảm mà ngược lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ, tết 2 anh em đi làm thêm ở những quán cà phê, nhà hàng, tiệm ăn để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, đồng thời ra sức thi đua học tập, 12 năm liền cả 2 anh em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Trong những năm cuối cấp của lớp chuyên văn, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm 2 anh em đã vượt trội với danh hiệu dẫn đầu lớp. Anh trai Hồ Tú Ân còn đạt 2 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, xếp thứ nhất lớp và thứ nhì khối.
Cả 2 anh em Ân và Ẩn còn tích cực tham gia phong trào và đã từng giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi do tỉnh và thành phố tổ chức.
Khâm phục hơn tại kỳ thi Đại học năm học 2013-2014, Hồ Tú Ân cùng một lúc đỗ vào 2 trường Đại học với kết quả khá cao, trong đó trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ngành Sư phạm Ngữ văn đạt 21 điểm và trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng ngành Quản lý Nhà nước đạt 27,3 điểm.
Và em Hồ Tú Ẩn cùng một lúc đỗ vào 3 trường Đại học cũng với số điểm không thua kém gì người anh, trong đó trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đạt 22 điểm, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, ngành Quản lý Nhà nước đạt 27,1 điểm và trường Đại học Quảng Nam, ngành Công nghệ thông tin đạt 20,5 điểm.
Cánh cửa vào giảng đường Đại học đã rộng mở, ước mơ của 2 em đã trở thành hiện thực nhưng nay có khả năng không thực hiện được bởi kinh tế gia đình quá khó khăn. Gia đình đã tính đến việc để một con đi học đại học, người con còn lại thì tham gia lao động phụ giúp kiếm tiền "đầu tư" cho anh (em) mình có tấm bằng cử nhân.
Nghe cha mẹ tính vậy, Ân và Ẩn đều nói ở nhà làm việc, không ai chịu đi học. Thật cảm kích trước sự yêu thương, đùm bọc cùng sự vượt khó của cặp song sinh và cũng thật xúc động trước những lời tâm sự đầy nước mắt của 2 em:
“Nhìn mẹ hái từng quả khế để chạy chợ mà chúng em ước mình là cánh chim để bay lên vòm cây hái khế giúp mẹ. Nhìn ba phơi tấm lưng trần dưới cái nắng chói chang để tưới táp cho những luống cải, vồng khoai, chúng em ước mình là những giọt mưa giúp ba giảm bớt sức lực đổ ra.
Cả cuộc đời ba và mẹ cúi xuống là để cuộc đời chúng em được ngước lên, được nuôi hy vọng sống và thay đổi cuộc đời nhưng con đường vào đại học của chúng em ớ phía trước còn quá chông chênh..."