Cuộc thi do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Tổ Công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp là một trong những đơn vị đồng tổ chức. Ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ Công tác 569 là thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi.
Cuộc thi hướng tới đối tượng đoàn viên, thanh niên có ý tưởng, đề án sản xuất, kinh doanh về các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản và chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp.
Được phát động vào tháng 4/2019, sau 3 tháng triển khai, Cuộc thi đã nhận được 225 dự án tham gia từ 48 tỉnh, thành trên cả nước. Qua chấm điểm, 105 dự án đã lọt vào vòng bán kết, trong đó có nhiều dự án của thanh niên dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ dự án vào bán kết cao như Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Trà Vinh, Long An, An Giang, Bắc Kạn...
Vòng bán kết được tổ chức ở 3 khu vực. Tại Hà Nội, có 44 dự án từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra Bắc tham gia dự thi. Thời gian tới, tại Kon Tum, sẽ có 25 dự án dự thi cụm Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Tại Trà Vinh, sẽ có 36 dự án dự thi cụm Đồng bằng Sông Cửu Long.
Kết thúc vòng bán kết, Ban Tổ chức lựa chọn 30 dự án tiêu biểu nhất để dự thi vòng chung kết. Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Các giải thưởng sẽ được trao tặng tiền mặt (từ 10-50 triệu đồng) và học bổng “Tăng tốc khởi nghiệp, đạt chuẩn quỹ đầu tư” cho các dự án, mỗi suất trị giá 500-1.000 USD và nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm...
Trong khuôn khổ của Cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Diễn đàn “Chia sẻ thông tin-kết nối nguồn lực”. Diễn đàn nhằm tạo môi trường để các thí sinh chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh với các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó, có giải pháp khắc phục, hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp.