PGS.TS Vũ Quang Hiển – nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.
Giá trị thời đại
- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Theo PGS, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào?
- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có thể coi là sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử của dân tộc, không chỉ kết thúc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành một sự nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiến lên thực hiện lời căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Sự kiện lịch sử này có giá trị nhiều mặt và đã được đánh giá cao tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (12/1976).
Năm tháng trôi qua, thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Chiến thắng này cũng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện mang tính thời đại và mang tầm vóc quốc tế.
Giá trị của quá khứ còn ở chỗ để lại một kho tàng kinh nghiệm cho hiện tại và mai sau, đòi hỏi sự tổng kết và vận dụng. Xin đơn cử một ví dụ như sau: Trong chiến tranh, về chiến lược Việt Nam phải “lấy ít đánh nhiều”, nhưng trong chiến dịch và chiến đấu có thể “lấy nhiều đánh ít”, có thể tập trung lực lượng tới mức áp đảo để giành thắng lợi quyết định. Trong thời bình, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, mới thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu nhưng khi biết sử dụng các nguồn lực của đất nước, tập trung giải quyết những khâu then chốt, đột phá thì có thể tạo ra những bước ngoặt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một trong những bài học có giá trị thực tiễn hết sức to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
- Sự kiện này được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào, thưa PGS?
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được thể hiện ở 2 cấp học. Thứ nhất sự kiện sẽ được nhấn mạnh ở cấp THCS theo tiến trình lịch sử Việt Nam. Ở cấp này sẽ có bài riêng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh.
Lên cấp THPT, sự kiện lịch sử này nằm trong chủ đề về chiến tranh cách mạng Việt Nam, kể cả chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện sẽ được nhấn mạnh và khai thác sâu hơn, đặc biệt về mặt nghệ thuật quân sự của chiến tranh cách mạng.
Sách giáo khoa theo Chương trình GDPT mới mang tính chất định hướng cho chương trình, là tài liệu chủ yếu để thực hiện chương trình, và (tuy không phải là pháp lệnh như chương trình) giữ vai trò định hướng về liều lượng tri thức cơ bản.
Học Sử không phải để thuộc Sử
Hình ảnh sống động trong ngày chiến thắng cần có trong tư liệu GD học sinh. Ảnh:TL |
- Vậy khi dạy đến sự kiện lịch sử này thì mục tiêu hướng đến phát triển năng lực học sinh như thế nào và giáo viên sẽ phải thay đổi như thế nào để đáp ứng với yêu cầu của bài học?
- Dạy học phải hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Mục tiêu đó có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào giáo viên. Theo đó, để thực hiện được chương trình GDPT mới cần bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ thầy, cô giáo.
Khi dạy học hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, thì giáo viên cũng phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện, từ tri thức khoa học đến phương pháp dạy học. Người thầy trước tiên phải có đạo đức nghề nghiệp, lại phải có kiến thức chuyên môn vững chắc và nghiệp vụ sư phạm tốt thì mới có thể tổ chức dạy học theo mục tiêu phát triển năng lực.
Giáo viên không chỉ dựa vào sách giáo khoa để lên lớp, mà phải có biện pháp tổ chức học tập, giúp học sinh khai thác tư liệu, làm sáng tỏ nội dung sự kiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự kiện, chú trọng phát triển tư duy của học sinh ngay trong quá trình học, đặc biệt, cần giúp các em liên hệ với thực tiễn và vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn... Học Sử không phải là để thuộc Sử mà phải có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhận xét, vận dụng phù hợp...
Vì thế mục tiêu đầu tiên cần hướng tới là phát triển ý thức, tình cảm, lòng yêu nước cho học sinh. Nói đến năng lực, thì phải biết hợp tác, phân tích, đánh giá, so sánh… chứ không chỉ thuộc bài.
Chẳng hạn như, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh: Thứ nhất, cần bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của dân tộc, lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, chống lại những thế lực chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước… Thứ hai, phát triển năng lực tư duy về chiến lược và nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ nghệ thuật chọn hướng tiến công, tạo và chớp thời cơ, sử dụng lực lượng, chiến dịch, cách đánh…; mối quan hệ giữa chiến lược “lấy ít đánh nhiều” đến chiến dịch và chiến thuật “lấy nhiều đánh ít”.
Trong chiến tranh có thời cơ và nguy cơ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lại có thời cơ và nguy cơ của nó, tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể. Muốn giành thắng lợi trong chiến tranh phải tranh thủ thời cơ, khắc phục nguy cơ. Muốn thành công trong xây dựng đất nước cũng phải biết tranh thủ những điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách. Giúp học sinh biết liên hệ với thực tiễn, giải quyết được vấn đề đó là phát triển năng lực cho học sinh.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những sự kiện góp phần xây dựng nền tảng về tri thức về lịch sử và văn hóa dân tộc để xây dựng nên bản chất và bản lĩnh của con người Việt Nam. Giá trị là ở chỗ đó. Vì thế muốn dạy tốt Lịch sử, giáo viên phải am hiểu về sự kiện, về quá trình lịch sử, phải không ngừng học tập, nghiên cứu, tích lũy tư liệu lịch sử từ những kênh thông tin khác nhau, từ phim ảnh, sách báo... Giáo viên không thể và không nên lệ thuộc, ỉ lại vào sách giáo khoa, coi mình như người trung gian giữa sách giáo khoa với học sinh, mà có tâm, có tầm để hoàn thành trọng trách của người thầy.
Ngoài ra, phải đổi mới phương pháp dạy học. Căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa, thầy cô đồng thời bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh cần thiết để làm cho bài giảng của mình sống động hơn. Liên quan đến sự kiện này có rất nhiều phương pháp để dạy học. Phương pháp xuất phát từ nội dung, khi có nội dung rồi thì thầy cô căn cứ vào điều kiện dạy học cụ thể để lựa chọn phương pháp dạy học một cách tốt nhất. Tất cả đều hướng đến hoàn thành mục tiêu dạy học. Vì thế việc xác định mục tiêu trong từng bài học là rất quan trọng.
Nếu chúng ta chỉ biết dạy máy móc theo kiểu tóm tắt sách giáo khoa rồi chỉ yêu cầu học sinh thuộc bài (chẳng hạn như bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975) thì có thể hôm nay học sinh thuộc nhưng mai các em có thể quên đi. Điều cần quan tâm là cái gì sẽ còn lại với các em về sau? Đó chính là phẩm chất, năng lực. Nếu lấy tiêu chuẩn thuộc bài máy móc để đánh giá học sinh, không chú trọng những mục tiêu về phẩm chất và năng lực, chúng ta sẽ làm học sinh chán học lịch sử.
Thuộc những diễn biến với những ngày, tháng, năm chi tiết, những số liệu cụ thể không phải là cái quan trọng trong dạy lịch sử, bởi cái chúng ta muốn lắng đọng lại trong các em học sinh là niềm tự hào về một chiến công oanh liệt của cha ông trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trí tuệ đánh giặc của dân tộc, tài thao lược quân sự của Đảng, quân đội và nhân dân ta, một quân đội anh hùng, một dân tộc anh hùng đã làm nên chiến công vẻ vang. Và trên hết vẫn là niềm tin cùng ý thức trách nhiệm của những thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đang lớn lên, phải biết làm gì để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân – những người đã làm nên lịch sử, cùng trách nhiệm với hậu thế. Mỗi thế hệ đi trước phải tiếp nối và giữ được ngọn lửa để truyền tải cho thế hệ đàn em mai sau. Do đó khâu quyết định cuối cùng vẫn là đội ngũ thầy cô giáo.
- Để giáo viên yên tâm và tự tin khi dạy học theo Chương trình GDPT mới, PGS có lưu ý gì đến đội ngũ thầy, cô giáo, nhất là tới đây sách giáo khoa được xem là phương tiện và tài liệu để giảng dạy?
- Phải khẳng định rằng, SGK là tài liệu chủ yếu để thực hiện chương trình GDPT mới. Sách giáo khoa không phải là pháp lệnh mà chương trình mới là pháp lệnh. Vì thế trong quá trình giảng dạy, giáo viên căn cứ sách giáo khoa và những tài liệu tham khảo khác, chủ động chuẩn bị, bổ sung, điều chỉnh giáo án, bài giảng, thậm chí khắc phục hạn chế của sách giáo khoa (nếu có) để thực hiện tiến trình dạy học một cách hiệu quả nhất.
Lấy gì để đánh giá giáo viên hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, kiểm tra đánh giá đúng kết quả học tập? Cái đó sẽ được quy định bởi hệ thống mục tiêu.
Căn cứ vào phần “yêu cầu cần đạt” quy định trong chương trình môn học và những điều kiện dạy học cụ thể, giáo viên cần xác định hệ thống mục tiêu dạy học cho từng chương, bài, chủ đề và công khai những mục tiêu đó với học sinh để thầy và trò đều chủ động trong dạy, học và thi cử. Khi bám sát mục tiêu dạy học, thầy cô sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Mặt khác, trong quá trình triển khai chương trình mới, giáo viên sẽ được tập huấn, bổ túc thêm, thậm chí đào tạo lại về nội dung phương pháp dạy học. Vì thế các thầy, cô hoàn toàn yên tâm là mình có thể bắt nhịp được với Chương trình GDPT mới, miễn là các thầy cô luôn sẵn sàng, có quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và có niềm đam mê nghề nghiệp.
- Xin cảm ơn PGS!