Thủ tướng nêu rõ vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 25

GD&TĐ - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 đã khai mạc sáng ngày 12/11/2014, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở thủ đô Nay Pyi Taw, mở đầu cho loạt các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13/11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Thủ tướng dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25
Thủ tướng dự phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN, Tổng thống Myanmar Thein Sein tái khẳng định đoàn kết và thống nhất là điều kiện tiên quyết và cơ sở để ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và phát triển vững mạnh, nâng cao vị thế và tiếng nói trong khu vực và trên thế giới. 

Nhấn mạnh hướng tới giai đoạn phát triển mới sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào cuối năm 2015, Tổng thống Thein Sein cho rằng ASEAN cần đề cao hơn nữa văn hóa thực thi, tuân thủ các nguyên tắc và quy định của ASEAN, tăng cường liên kết và kết nối, duy trì đà tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững và đồng đều, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác hiện có và cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.

Sau Lễ khai mạc, Lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng ASEAN sau 2015, thúc đẩy quan hệ với các đối tác cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp 

Các nhà Lãnh đạo nhất trí vào thời điểm quan trọng chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo, hơn lúc nào hết, ASEAN cần duy trì đoàn kết, thống nhất, chủ động và tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói chung trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Về Lộ trình xây dựng Cộng đồng, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao kết quả đạt được với tỷ lệ triển khai trên 80% và nhất trí sẽ tiếp tục quyết tâm và nỗ lực thực hiện đúng hạn và hiệu quả các biện pháp còn lại trong Lộ trình, trong đó sẽ ưu tiên các lĩnh vực kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển kinh tế đồng đều, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai. 

Về định hướng phát triển sau 2015, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác và nâng cao khả năng của ASEAN trong ứng phó và xử lý các thách thức đang nổi lên. 

Theo đó, ASEAN cần chủ động xây dựng một cấu trúc khu vực trên cơ sở luật lệ và các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN. Bên cạnh đó, các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hiệu quả hoạt động và phối hợp của bộ máy tổ chức nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của ASEAN trong giai đoạn sau 2015.

Các nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình bán đảo Triều Tiên, gia tăng bạo lực và khủng bố tàn ác tại Iraq và Syria, dịch bệnh Ebola... 

Trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định trong Tuyên bố DOC, đặc biệt là điều 5 của Tuyên bố, thực hiện kiềm chế, và không làm phức tạp thêm, mở rộng hay làm gia tăng căng thẳng, đẩy mạnh thương lượng thực chất ASEAN - Trung Quốc để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử COC.

Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về vấn đề Biển Đông. Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao tháng 5/2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. 

Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC. 

Do đó, tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. 

Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trong khu vực Đông Á. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực tiếp tục gia tăng cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ảnh hưởng không nhỏ, gây quan ngại đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. 

Về vấn đề khủng bố và bạo lực gia tăng ở Iraq và Syria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức. Việt Nam ủng hộ Nghị quyết số 2170 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Việt Nam hoan nghênh Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 26/9/2014 và ủng hộ việc Hội nghị Cấp cao Đông Á lần này ra Tuyên bố chung lên án các tổ chức khủng bố gia tăng bạo lực hết sức tàn ác ở Iraq và Syria. 

Về dịch bệnh Ebola, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN cần ưu tiên các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường phối hợp với nhau, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và những nước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, trang bị y tế và thuốc phòng chống. Việt Nam ủng hộ các Nghị quyết vừa qua của Liên Hợp Quốc và tán thành việc Hội nghị Cấp cao Đông Á lần này ra Tuyên bố chung ứng phó khu vực với dịch bệnh Ebola.

Phát biểu về Cộng đồng ASEAN và định hướng sau 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 cùng các nước ASEAN hoàn thành tốt Lộ trình tiến tới Cộng đồng, như mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy mạnh mẽ trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. 

ASEAN cần phải duy trì và thúc đẩy đoàn kết, thống nhất lập trường và chủ động có tiếng nói chung đối với những vấn đề ở khu vực; tăng cường nội lực, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm để xây dựng một cấu trúc khu vực với các chuẩn mực ứng xử chung trên cơ sở luật pháp quốc tế và các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực của ASEAN. 

Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh các nỗ lực và hợp tác với các đối tác nhằm ngăn ngừa, ứng phó và xử lý hiệu quả các thách thức an ninh, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh hàng hải, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cao trong hợp tác ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. 

Lãnh đạo các nước dự phiên họp toàn thể
Lãnh đạo các nước dự phiên họp toàn thể 

Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, cùng với các nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các các thành tố chính của Tầm nhìn làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016-2025; Tuyên bố ASEAN về Tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN và Tuyên bố ASEAN về Biến đổi khí hậu.

Trong dịp Hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng chứng kiến việc công bố thành lập Viện Kinh tế xanh ASEAN, nhằm tăng cường chia sẻ kinh  nghiệm, hợp tác về phát triển và môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thư ký LHQ

Thủ tướng nêu rõ vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon 
Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN, sáng 12/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp và Hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Tại cuộc Hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp rất quan trọng của Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tham gia làm thành viên có trách nhiệm của nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc, đồng  thời tích cực đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược, chương trình hành động của Liên Hợp Quốc.

Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền quốc vững của Liên Hợp Quốc sau 2015 và lồng ghép các mục tiêu này vào các chương  trình, mục tiêu kinh tế - xã  hội quốc gia; đồng thời tham gia tích cực vào quá trình thương lượng trong khuôn khổ công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc để đạt được thỏa thuận pháp lý toàn cầu mới vào năm 2015.

Việt Nam mong muốn tiếp  tục nhận được tư vấn chính sách và tài trợ thiết thực  của Liên Hợp Quốc trong các lĩnh vực, nhất là giảm nghèo bền vững, phòng chống HIV/AIDS và biến đổi khí hậu; ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên ECOSOC 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021.

Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. 

Ông Ban Ki-moon cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ sáng kiến Một Liên Hợp Quốc; đánh giá cao việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký chúc mừng Việt Nam được bầu làm ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và đã có những đóng góp tích vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sau năm 2015. Tổng thư ký bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam.

Về tình hình biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của Liên Hợp Quốc các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng; hy vọng các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai và Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.