Thổi hồn vào giờ Kể chuyện

GD&TĐ - Kể chuyện là một phân môn hấp dẫn trong chương trình Tiếng Việt ở tiểu học. Thông qua các giờ học kể chuyện, các em có cơ hội mở rộng vốn văn học, phát huy trí tưởng tượng cũng như những ước mơ, hoài bão về cuộc sống.

Thổi hồn vào giờ Kể chuyện

Giờ Kể chuyện ít gây hứng thú

Thực tế, giờ dạy học Kể chuyện ở trường tiểu học hiện nay chưa đem lại nhiều kết quả như mong muốn. Theo đánh giá chung, giời dạy học Kể chuyện thiếu hấp dẫn, không gây được hứng thú và phát triển kĩ năng tiếng Việt cho học sinh.

Nguyên nhân thực trạng này, TS Phạm Thị Ngọc Hoa (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: Kể chuyện không thuộc số những môn học có đánh giá, tính điểm. Vì thế, giáo viên ít đầu tư, dành thời gian để chuẩn bị cho các môn học khác như Toán, Chính tả, Luyện từ và câu.

Thêm nữa, bản thân các bậc phụ huynh cũng thường chỉ quan tâm đến các môn học khác, xem nhẹ việc “học ăn, học nói” của con em mình.

Diễn biến giờ dạy học Kể chuyện hiện nay thường là: Giáo viên đọc, kể qua câu chuyện 1, 2 lần, sau đó cho các em đọc/kể lại. Thậm chí, không ít trường hợp giáo viên bỏ qua giai đoạn làm mẫu, “nhường” luôn việc đọc/kể cho học sinh. Việc tổ chức giờ học lỏng lẻo, “tự phát”, ngẫu hứng như vậy đã làm cho giờ học thiếu sôi nổi, hào hứng.

Nguyên nhân thiếu sức hút

TS Phạm Thị Ngọc Hoa cho rằng: Sức hấp dẫn của giờ dạy học Kể chuyện có liên quan chặt chẽ đến vấn đề văn bản truyện kể.

Hệ thống truyện kể trong chương trình tiểu học 2000 đã được các nhà làm sách chọn lọc kỹ càng, có giá trị văn học, phù hợp với tầm đón nhận của lứa tuổi.

Sự thiếu thốn về phương tiện dạy học hoặc sử dụng chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giờ dạy Kể chuyện ở trường tiểu học.

TS Phạm Thị Ngọc Hoa

Có điều, các truyện kể trong sách Tiếng Việt và Truyện đọc đều đã được các em đọc qua ngay từ những ngày đầu năm học. Vì thế, đến giờ học, những truyện kể ấy đã trở thành văn bản “biết rồi”.

Mặt khác, những văn bản truyện kể ở lớp 2, lớp 3 vốn sử dụng lại văn bản bài Tập đọc. Việc sử dụng một văn bản cho cả hai phân môn Tập đọc và Kể chuyện như vậy, về một mặt nào đó, có tác dụng tốt trong việc rèn luyện kỹ năng đọc, nghe và nói của học sinh.

Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với công chúng, ở đây là học sinh - những người vốn ham thích, hào hứng chờ đón những điều mới mẻ, bất ngờ mà câu chuyện mang lại.

Ngoài ra, cũng theo TS Phạm Thị Ngọc Hoa, sự thiếu hấp dẫn của giờ kể chuyện hiện nay một phần do năng lực tổ chức giờ học, năng lực kể chuyện của nhiều giáo viên vẫn còn hạn chế.

Ở đây, năng lực sư phạm của người thầy gắn với việc nắm vững lý luận môn học và thực hành tốt các thao tác kỹ năng cụ thể.

Trong giờ dạy Kể chuyện, người giáo viên cùng lúc đảm nhận hai nhiệm vụ: Một, truyền cảm thụ nội dung văn bản đến người nghe; hai, hướng dẫn người nghe phải truyền cảm thụ của mình (đối với văn bản vừa được nghe) đến người khác trong một thời gian ngắn.

Cả hai nhiệm vụ trên đòi hỏi người giáo viên phải thực sự giỏi nghề, vừa có phương pháp sư phạm khoa học, vừa thể hiện tính nghệ thuật trong giảng dạy văn chương (hiểu thấu đáo văn bản, năng lực cảm thụ, nắm vững thể loại truyện, vận dụng thích hợp lời kể, sử dụng đúng ngôn ngữ kể.).

Đặc biệt, với tính chất của giờ dạy học Kể chuyện, người kể phải tinh tế, biết đồng cảm, suy tư về số phận của từng nhân vật trong câu chuyện.

Cũng cần thấy rằng, sự tiếp nhận thông tin ở học sinh tiểu học bằng con đường thị giác lớn và bền hơn thính giác.

Nghe kể chuyện kết hợp với quan sát hình ảnh chắc chắn sẽ lý thú và ấn tượng hơn đối với các em. Phương tiện trực quan sẽ hỗ trợ tốt cho sự tiếp nhận của học sinh.

Ở nhiều nước trên thế giới, giờ Kể chuyện được thực hiện trong phòng thiết bị hiện đại. Học sinh vừa được nghe, vừa như đang có mặt trong không gian, khung cảnh diễn ra câu chuyện và từ khung cảnh ấy chính các em sẽ tái hiện lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình.

Ở nước ta, môn học Kể chuyện có một hệ thống tranh phụ họa. Cụ thể, mỗi văn bản truyện kể đều có từ 3 đến 6 tranh, mỗi tranh gắn với một lớp nội dung (đoạn).

Tranh ảnh minh họa có tác dụng khơi gợi trí tưởng tượng, gián tiếp mở rộng vốn sống cho học sinh, giúp các em có những biểu tượng cụ thể về nhân vật, hành động.

Điều quan trọng là tranh ảnh gợi nhớ, làm điểm tựa cho học sinh ghi nhớ diễn biến câu chuyện, phục vụ tốt cho việc tái hiện nội dung để kể lại câu chuyện một cách lưu loát.

Tuy nhiên, hệ thống tranh ảnh không phải lúc nào cũng phong phú, sẵn sàng, không phải giáo viên nào cũng được trang bị đầy đủ, tự giác sử dụng đúng mục đích, theo yêu cầu.

Sáng tạo là yếu tố hàng đầu

TS Phạm Thị Ngọc Hoa cho rằng, lối thoát cho tình hình dạy Kể chuyện hiện nay, suy cho cùng là đưa giờ Kể chuyện về đúng vị trí, nhiệm vụ và ý nghĩa của nó.

Đích cuối cùng của dạy Kể chuyện là phát triển năng lực cho học sinh. Bởi hơn bất kỳ một phân môn nào khác, Kể chuyện có khả năng giúp học sinh phát triển năng khiếu sáng tạo nghệ thuật tốt nhất.

Để phát triển các kỹ năng cần thiết cho học sinh qua giờ Kể chuyện không chỉ đòi hỏi người thầy khả năng kể chuyện hay, nhiều sáng tạo mà còn phải biết tổ chức, hướng dẫn cho học sinh nghe, nói, khả năng diễn đạt lưu loát trước đám đông và cao hơn là năng lực tư duy lôgic để phát triển lời nói nghệ thuật (kể chuyện).

TS Phạm Thị Ngọc Hoa

Muốn vậy, mấu chốt của vấn đề là phải xác định lại tư tưởng, quan niệm, thái độ và định hướng các biện pháp giáo dục thiết yếu của những người tham gia thực hiện nhiệm vụ môn học. Theo đó, những vấn đề nêu lên dưới đây cần được suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Về phía giáo viên, trước tiên cần thay đổi nhận thức, hiểu đúng chức năng, vai trò của phân môn Kể chuyện, có thái độ đúng đắn về môn học này.

Với đặc thù của tiết học, người thầy hãy đến bằng tình yêu nghề nghiệp, bằng sự nhập thân khoa học và đầy sáng tạo nghệ thuật.

Dạy Kể chuyện rất cần sự linh hoạt, phương pháp dạy Kể chuyện không đòi hỏi người giáo viên phải kể lại câu chuyện đúng như nguyên văn trong SGK. Như vậy, yêu cầu khả năng sáng tạo ở người thầy là vô cùng cần thiết.

Khi người giáo viên đạt được những sáng tạo tích cực thì hiệu quả sẽ rõ rệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn các em, mở rộng liên tưởng, tưởng tượng, mang đến cho các em những cảm xúc phong phú, trong sáng, lành mạnh.

Trong dạy Kể chuyện, sáng tạo là yếu tố hàng đầu. Đây là một thách thức lớn về chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên.

Cố nhiên, để làm được điều này, người thầy phải hiểu rõ đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm tự sự, phải có khả năng nhận diện các thủ pháp kể chuyện để từ đó giúp học sinh phát hiện và xác định cách kể nào là phù hợp nhất.

Từ đặc trưng của giờ Kể chuyện, muốn phát triển các kỹ năng nghe, nói, tư duy cho học sinh, trước hết, người giáo viên phải tạo được sự hứng thú thật sự cho các đối tượng tham gia trong giờ Kể chuyện. Mức độ hứng thú phụ thuộc vào bản lĩnh, khả năng tổ chức, xử lý linh hoạt và khả năng sáng tạo ở người thầy rất nhiều.

Cần nhận thức, khi tiến hành giờ Kể chuyện, nhất thiết phải tạo nên sự mới lạ. Đó là khả năng làm mới những gì đã quen thuộc và xem đây là một yêu cầu cơ bản mà người giáo viên phải thực hiện.

Đó là sự mới lạ về không gian (sắp xếp lại chỗ ngồi, tạo không khí thân mật, gần gũi, động viên khích lệ, “mềm hóa” các lệnh đưa ra, xóa bỏ sự căng thẳng.);

Mới lạ về văn bản (xây dựng hình thức kể, sắp xếp lại các lớp nội dung, trực quan sinh động, chuyển sang dạng các hình thức hội thoại.);

Mới lạ về ngôn từ (sáng tạo hơn trong việc sử dụng ngôn từ, thêm hoặc bớt từ ngữ so với lớp từ vốn có trong văn bản, tăng cường khả năng tưởng tượng, hư cấu.);

Mới lạ trong hình thức thực hiện (vui chơi, hòa nhập, bình đẳng, tự tin và mạnh dạn cho mọi đối tượng.);

Mới lạ về phong cách (tùy theo nội dung câu chuyện, thầy giáo cần tạo ra phong cách mới, sôi nổi hay trầm tư, sâu lắng. thích hợp, tránh sự đơn điệu, sáo rỗng và tẻ nhạt.

“Mỗi tuần một câu chuyện, mỗi câu chuyện được thầy giáo thực hiện với những tình huống đầy mới lạ, đầy bất ngờ, đầy sáng tạo, chắc chắn sẽ đem đến cho học sinh niềm hứng thú, say mê với những cảm xúc hồi hộp, mong đợi...” - TS Phạm Thị Ngọc Hoa khẳng định.

Thêm nữa, hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu người giáo viên phải nắm vững các phương pháp, tìm tòi sáng tạo và kỹ thuật lên lớp của phân môn có nhiều đặc trưng này. Điều này phải được thực hiện thường xuyên và trở thành nhận thức bền lâu, tránh đối phó, chiếu lệ như đã từng xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ