Hai di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Yên Bái vừa được công nhận là Lễ cúng rừng của người Mông (Nà Hẩu, Văn Yên) và Nghệ thuật Khắp cọi của người Tày huyện Lục Yên, huyện Yên Bình.
Hàng năm cứ vào dịp cuối tháng Giêng và 3 ngày đầu của tháng 2 âm lịch, lễ hội Tết rừng Nà Hẩu của đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu lại được tổ chức. Lễ cúng nhằm mục đích bảo vệ rừng, phát huy phong tục tập quán truyền thống lâu đời của người Mông xã Nà Hẩu.
Đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.
Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích tự nhiên hơn 43.230 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 30.528 ha.
Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên là 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng là 4.700 ha. Đất đai sản xuất của xã Nà Hẩu rất ít, cuộc sống của các hộ đồng bào Mông chủ yếu dựa vào ruộng nước và vài chục ha ngô đồi nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ tập tục cúng rừng luôn được duy trì tổ chức hàng năm nên người dân Nà Hẩu không xâm hại đến rừng. Bởi vậy, trong khi rừng ở nhiều nơi bị tàn phá thì ở đây, hàng nghìn ha rừng nguyên sinh vẫn nguyên vẻ hoang sơ, tán rừng già vẫn tầng tầng, lớp lớp, ngút ngàn xanh.
Khắp cọi là tài sản vô cùng quý giá của đồng bào Tày tại huyện Lục Yên và Yên Bình. Khắp cọi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đồng bào Tày, là yếu tố tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày nơi đây. Đây cũng là loại hình văn hóa dân tộc cuốn hút du khách.
Khắp cọi là một trong những làn điệu của lượn - một loại hình dân ca của dân tộc Tày. Về mặt nội dung, theo nghĩa rộng, lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quanh làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong slư (lượn phong slư).
Với việc thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 11 di sản nằm trong danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.