Truyền mỹ cảm trong giờ dạy Ngữ văn

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Duy (Trường ĐHSP Hà Nội), phương pháp dạy học đổi mới với môn Ngữ văn bao gồm nhiều biện pháp thực hiện, trong các khâu một cách liền mạch và tương quan mật thiết.

Truyền mỹ cảm trong giờ dạy Ngữ văn

Thiết kế kế hoạch dạy học, giáo án đổi mới

Khâu đầu tiên là thiết kế kế hoạch dạy học, giáo án đổi mới. Theo đó, trên tổng thể kế hoạch dạy học giảng viên, giáo viên thiết kế các giáo án. Một giáo án chất lượng theo tinh thần đổi mới phải thể hiện trình độ và năng lực toàn diện của người dạy.

Giáo án phải cập nhật thành tựu nghiên cứu văn học từ các công trình khoa học mới nhất, các hội thảo khoa học gần nhất. Tất nhiên, trong giáo án phải có những luận điểm mang tính tổng kết.

Giáo án phải là một văn bản sáng tạo, dựa vào sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, giáo án không thể đơn thuần là một bản sao (á bản, thế bản,...). 

Nói cách khác, nó là một văn bản được làm dựa trên cách tiếp cận của chủ thể người dạy. Tất nhiên, dù được làm bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng phải bảo đảm trung thành với chương trình - là văn bản có tính pháp quy.

Giáo án - tức nội dung, phải thể hiện phương pháp, tức cách thức thực hiện. Phải gồm toàn bộ hoạt động do chủ thể truyền đạt, hướng dẫn, trong đó phải ấn định thời gian vả các phương tiện hỗ trợ.

Trong các phương pháp, ta phải đề ra cái chính yếu và thứ yếu hỗ trợ. Tất nhiên, phải xác định rõ sự tương quan về nội dung và phương pháp (thuyết trình - phát vấn đàm thoại... ).

Người thầy truyền mỹ cảm

PGS.TS Đoàn Ngọc Duy cho rằng, dù lập luận cách nào, cũng không thể phủ nhận lối dạy truyền thống là thuyết trình, thuyết giảng. 

Đây là hoạt động chủ yếu của người dạy, không thể khác. Vì sách không thể thay cho thầy. Lớp học các hình thức là môi trường sư phạm pháp quy.

Vấn đề đổi mới phương pháp nằm ngay ở việc thiết kế bài giảng. Trong giáo án đã thể hiện rõ các bước thực hiện thuyết trình, phát vấn..., cũng tức là cách thức khai mở kiến thức, truyền thụ, hướng dẫn cảm thụ, nhận thức để tìm ra vấn đề cần thu nhận, hấp thu - tức tìm ra chân lý, ở đây là chân lý bằng nghệ thuật, qua nghệ thuật.

Thuyết trình, vì vậy cần thực hiện bởi nhiều công đoạn.

Lên lớp, người thầy đóng nhiều vai trò: Nhà khoa học - truyền thụ tri thức văn học, nhà sư phạm - nêu gương sinh động về sư phạm và người diễn giảng - truyền cảm và khơi gợi cảm xúc, tình cảm cùng nhận thức.

Tức là cùng một lúc, người thầy phải thể hiện được cả ba khả năng lập luận logic, phong cách nghiệp vụ và năng lực truyền cảm. Tất cả phải thể hiện nhiệt huyết nhưng trong mức độ nhất định.

Không gì buồn bằng người thầy chỉ biết đọc (đọc giáo án), hoặc chỉ biết diễn (biểu diễn ngôn từ, điệu bộ). Giờ giảng phải hấp dẫn, đó là tiêu chí cao nhất.

Hình thức lên lớp như đã thiết kế ở giáo án là hiện thực hoá một phương pháp nào đó như dạy đọc hiểu văn bản, dạy dựa trên vấn đề,... một cách tập trung nhất, chủ yếu nhất.

Học trên lớp, nếu chủ động tích cực sẽ hấp thu tối đa những truyền giảng của thầy. Ghi chép có ý thức có nhiều lợi ích, cụ thể:

Biết thâu tóm cái hồn cốt của lời giảng, cái thần khí và ngôn từ của người dạy.

Thu nhận như chắt lọc được những tinh tuý tri thức từ người dạy qua quá trình nghiên cứu dưới góc độ sư phạm.

Thu góp thêm tư liệu trực tiếp những trích dẫn quan trọng (được viện ra hoặc cấp thêm).

Người học không hẳn là cái máy ghi âm, mà là chủ thể tiếp nhận qua bộ lọc cá nhân, tức có động não và bước đầu hấp thụ.

Hấp thụ ở đây hiểu theo nghĩa là thu nhận và chịu ảnh hưởng khi nói về tiếp nhận văn hoá, văn học, tư tưởng,... tức giá trị tinh thần. Tóm lại là ghi cái gì và ghi thế nào, có chủ kiến rõ ràng.

Giờ học mang tác dụng lan truyền. Người dạy văn là cầu nối, trạm trung chuyển để trao truyền cảm xúc, nhận thức, tư tưởng, tình cảm từ các thế hệ nhà văn đến người tiếp nhận, người hấp thụ là người học văn.

Trong quá trình dạy, chủ yếu là ở trên lớp, người thầy thực hiện gần như rõ rệt nhất vai trò người trao truyền truyền đạo, truyền mỹ cảm.

Có thể có một hướng rẽ chủ yếu trong biện pháp dạy và khâu dạy.

Nếu giờ học như một tổng kết hội thảo về một đề tài được giao cho học sinh chuẩn bị trước, thì lên lớp, người thầy đóng vai trò chủ tọa, nghĩa là vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hoặc giờ học diễn ra như buổi hội thoại, người dạy đóng vai trò người điều khiển, cũng là trọng tài.

Thực chất là thầy hỏi trò đáp hoặc ngược lại, người dạy vẫn là nhân vật chủ động dẫn dắt, điều hành cuộc nói chuyện “tay đôi” thầy - trò rồi sau đó tổng kết, giải đáp.

Đây là hình thức hợp tác dạy - học sinh động thú vị, nhưng người dạy phải cao tay điều khiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ