Giáo viên hào hứng với đề thi Văn đẹp, thời sự, nhân văn

GD&TĐ - Đề thi Ngữ văn đầu tiên theo tinh thần đổi mới được được các giáo viên trên khắp mọi miền đất nước hào hứng đón nhận.

Thí sinh Hà Nội sau giờ thi môn Ngữ văn
Thí sinh Hà Nội sau giờ thi môn Ngữ văn

TS Nguyễn Quang Trung  Tổ trưởng Tổ các bộ môn KHXH, Trường THPT Chuyên ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội): Đề thi là cú huých mạnh vào cảm hứng chủ quyền và niềm ái quốc

Hai ấn tượng lớn nhất của đề thi là tính thời sự nóng bỏng và sự "khai quật" một thể loại bị bỏ quên khá lâu trong các kì thi tốt nghiệp và đại học - thể loại kịch. 

Câu Đọc hiểu đã được lường trước là sẽ đụng chạm đến vấn đề thời sự nổi bật nhất hiện nay ở biển Đông, nhưng HS vẫn không ngờ đề thi đề cập đến chuyện này một cách trực diện, mạnh mẽ đến quyết liệt như thế, tạo ra một cú huých mạnh vào cảm hứng chủ quyền, vào niềm ái quốc - phần nóng bỏng nhất trong trái tim mỗi sĩ tử cũng như mỗi người dân Việt trong những tháng ngày  này. 

Nếu coi một trong những sứ mệnh của đề Văn là góp phần định hướng việc dạy và học của cả xã hội thì đề Văn năm nay đã thể hiện phần nào sứ mệnh ấy: HS xưa nay chỉ học và ôn kĩ các thể loại thơ, truyện ngắn, kí...mà xao lãng thể loại kịch (vì hầu như không thi). 

Những người ra đề đã giúp HS "Cân bằng thể loại" trong định hướng học tập và ôn tập của mình.

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn không chỉ gây ấn tượng về nội dung mà còn có nỗ lực đổi mới về cách ra đề. 

Cấu trúc 3 câu quen thuộc bị phá vỡ để tìm đến một hình hài mới là cấu trúc 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Cách phân bố điểm cho 2 phần theo tỉ lệ 3 - 7 là hợp lí. 

Câu hỏi của phần Làm văn tích hợp cả NLVH và NLXH, khiến HS phải nhìn nhận tác phẩm văn chương như một sản phẩm đa giá trị, từ đó có những thay đổi trong cách học văn và làm văn. (Duy Hiền ghi)

Thạc sỹ Hoàng Văn Quyết, GV văn THPT chuyên Vĩnh Phúc: Đề thi Ngữ văn thống nhất hoàn toàn với định hướng đổi mới 

Nội dung kiến thức mà đề bài đưa ra có tính chất hệ thống, đảm bảo được tính tích hợp giữa các phân môn tTếng việt, giảng văn và làm văn. Đề thi đã kiểm tra được kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng làm văn của HS. Học sinh muốn làm bài thi tốt thì phải học cẩn thận cả 3 phân môn trên, có kiến thức về văn học, kiến thức về xã hội và những trải nghiệm trong cuộc sống. 

Với câu hỏi 7 điểm, HS cần có khả năng cảm thụ văn chương. Đồng thời biết trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề “con người cần được sống là chính mình”. 

Như vậy đề bài yêu cầu thí sinh phải tự suy nghĩ, nhận thức của bản thân, biết biến kiến thức trong sách, trong cuộc sống thành kiến thức của mình. Với cách ra đề mở không theo lối mòn cũ như thế này đòi hỏi GV phải thực sự thay đổi cách dạy theo hướng tích hợp đúng như yêu cầu đổi mới.

Với kiểu đề mở như thế này, nếu chấm theo đáp án cứng thì điểm sẽ không cao. Người chấm nên chú ý đến vấn đề phát huy tính sáng tạo của HS, cách mà các em vận dụng kiến thức vào bài làm của mình. 

So với đề những năm trước thi đề này vẫn thống nhất với nội dung chương trình SGK và phong cách dạy hiện đại tích hợp theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT. (Hồng Vân ghi)

Thầy Nguyễn Tấn Huy - Giáo viên Trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi): Đề Văn đã khắc phục việc học tủ, học lệch

Tôi cho rằng đề Văn năm nay mới nhưng không khó, mới nhưng không bất ngờ và có những câu hỏi mở khắc phục được việc học tủ. Đồng thời trong đề Văn còn đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gợi mỗi thí sinh ý thức hơn trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (Tấn Tài ghi).

Thạc sĩ Văn học Trần Đăng Lộc - Giáo viên trường THPT Yên Thành 2 (Nghệ An): Đề thi cổ vũ tinh thần yêu nước của học sinh

Đề thi môn Ngữ Văn năm nay rất hay, rất hấp dẫn. Đặc biệt câu 1 đặt vấn đề rất nhức nhối, rất nóng tác động vào tình cảm, tháí độ của học sinh, vào ý thức trách nhiệm công dân của những người Việt Nam trong và ngoài nước về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Sự việc này buộc mỗi người có thái độ đúng đắn trong thể hiện tình cảm yêu nước. Đây là một đề Văn rất hấp dẫn trong thời điểm hiện nay. Theo tôi, đưa nội dung này vào bài thi có tác dụng rất lớn trong việc cổ vũ cho tinh thần yêu nước trong học sinh.

Thầy Mai Văn Sang, GV Ngữ văn trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình (Vĩnh Long): Dấu ấn đổi mới trong đề Văn

“Tôi nhận thấy đề thi Ngữ văn năm nay đã thực sự đổi mới, đề rất hay, mang tính thời sự. Câu hỏi về biển đảo sẽ đánh động đến lòng yêu nước và ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. 

Phần đọc hiểu cho một đoạn viết về tình hình biển Đông và yêu cầu thí sinh trả lời 3 câu hỏi. Phần này được đa số GV ôn tập kỹ nên thí sinh không gặp nhiều khó khăn. 

Những năm trước đề thi đã có đổi mới, nhưng đề Văn năm nay dấu ấn đổi mới rất rõ và đậm nét. Đặc biệt là đề thi năm nay thay đổi cấu trúc so với các năm trước, đề chỉ có 2 câu nhưng có rất nhiều ý. Tôi nghĩ các em HS đa số sẽ hoàn thành tốt ở phần đọc hiểu. Còn phần làm văn tùy vào sức học của mỗi em…(Quốc Ngữ ghi)

Thầy Phạm Gia Mạnh - Giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm: Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay “đẹp”, thời sự và nhân văn.

Với hai phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), cách thay đổi của đề thi Ngữ văn tốt nghiệp được cho là hợp lý và đúng với chủ trương đổi mới.

Câu đọc hiểu trích một đoạn trong bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại với nội dung Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nội dung đoạn văn mang tính thời sự và không chỉ truyền tải thông tin mà còn thể hiện cả thái độ của người viết.

Phần này có 3 câu hỏi: 1/ Yêu cầu nêu những ý chính của văn bản; 2/ Hỏi về hiệu quả diễn đạt của ngôn ngữ - những phần này hoàn toàn trong chương trình học.

Ý 3 phần Đọc hiểu yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện - tức là có phần nghị luận xã hội, đó là cách ra đề rất được.

Đặc biệt, năm nay, phần Làm văn (7 điểm) lại ra một trích đoạn trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt” của Lưu Quang Vũ – đây cũng là phần tôi tâm đắc.

Câu Làm văn không lạ vì đó là một trích đoạn rất chuẩn trong sách giáo khoa học chính thức. Vở kịch thể hiện khát vọng được sống là chính mình – một vấn đề không chỉ nhân văn mà còn mang tính thời sự. (Hiếu Nguyễn ghi).

Cô Lê Thị Thúy Hoàn - Trung tâm GDTX B Ý Yên (Nam Định): Đề thi đánh giá năng lực học sinh

Với khối Giáo dục thường xuyên, đề Văn năm nay cũng cùng chung cấu trúc với đề Văn hệ phổ thông, phần đọc hiểu ra văn bản trích đoạn từ tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Phần Làm văn được ra vào đoạn trích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.

Cách chia làm 3 ý hỏi trong phần Đọc hiểu là cách hay giúp học sinh gỡ điểm .

Phần Làm văn, với việc lồng yêu cầu đề văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học đánh giá được năng lực học sinh, cho thí sinh được thể hiện quan điểm và các em không phải phụ thuộc vào tài liệu.

“Cách ra đề mới cả giáo viên phổ thông và giáo dục thường xuyên đều được tập huấn kỹ; từ đó ôn tập khá sâu cho học sinh nên học sinh không ngỡ ngàng với dạng đề này. (Hiếu Nguyễn ghi).

Cô Trịnh Thu Tuyết - Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Đề Văn hay, hấp dẫn, vừa sức với đại đa số học sinh.

Đề bài đã có sự đổi mới theo hướng mở, tạo sự hứng thú và khả năng sáng tạo cho thí sinh.

Đề bài vừa cập nhật với những vấn đề đang có được sự quan tâm sâu sắc của cả cộng đồng trong nước và quốc tế, vừa đưa ra ngữ liệu phù hợp giúp thí sinh không chỉ hứng thú trong việc thể hiện quan niệm riêng và trách nhiệm công dân, tình yêu nước.

Bên cạnh đó, cách đặt câu hỏi còn mang tính định hướng đúng đắn, nhằm tránh những phát ngôn, ý kiến quá khích làm ảnh hưởng tới tâm thế chung của cộng đồng.

Câu hỏi 7 điểm đã có sự đổi mới về cách tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận về một tư tưởng đạo lí, đưa ra một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, định hướng nhân cách cho học trò trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay. (Kim Thoa ghi)

Giáo viên miền Trung hào hứng đón nhận đề Văn mở

Trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, cấu trúc đề thi hoàn toàn thay đổi so với các năm trước, được đa số học sinh và giáo viên đón nhận tích cực, vì đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cho các trường trong quá trình ôn tập cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Hồng Hải - GV Trường THPT Đakrông (Quảng Trị): Đề thi có kết cấu mở, mang tính thời sự, khích lệ lòng yêu nước của học sinh. 

Phần đọc hiểu trích dẫn một đoạn trong bài báo "Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước" của Nguyễn Thế Hanh đăng trên báo Giáo dục và Thời đại số 116, ngày 15/5/2014 với ba câu hỏi nhỏ về ý chính của đoạn văn, về hiệu quả diễn đạt của phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản và yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ.

Câu 1 được đánh giá là hay và có tính tích hợp cao. Bởi lẽ trước hết vấn đề được đề cập trong bài báo liên quan đến vấn đề thời sự nóng hổi diễn ra trong tháng 5 vừa qua mà bất cứ người Việt Nam nào cũng quan tâm, đó là Biển Đông.

Cô giáo Võ Thị Thùy Linh, Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình: Từ việc chọn đoạn văn chính luận ở báo Giáo dục và Thời đại, đề thi một lần nữa đã nhắc lại cho các em học sinh biết về những hành động của Trung Quốc, về trách nhiệm của bản thân, về tiếng nói của lòng yêu nước. 

Phần nghị luận văn học chiếm 7 điểm, nắm giữ phần lớn thành công của bài thi cũng rất hợp lý. (Uyên Phương ghi)

Đề Văn hướng học sinh phương pháp tư duy mang tính biện dẫn và bổ trợ

Cô Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Đề Văn năm nay mang tính thời sự và gợi mở rất cao. Nó không chỉ mang đến sự hào hứng cho học sinh về một vấn đề mà cả quốc gia đang quan tâm, mà còn hướng các em đến phương pháp tư duy mang tính biện dẫn và bổ trợ. 

Câu một ngoài việc đòi hỏi kỹ năng đọc, hiểu, phân tích để bài còn mang nhiều tính khơi gợi tinh thần dân tộc, ý thức yêu nước nơi học sinh. Tôi đánh giá đây là một kiểu đề tương thích và phù hợp với sự đổi mới trong dạy Văn và học Văn hiện nay. 

Với câu 2, kiến thức đòi hỏi nơi học sinh tương đối vừa phải. Khả năng thẩm thấu, nhận định và khái quát vấn đề từ đoạn trích dẫn mà đề bài yêu cầu không qúa cao. 

Nhưng để đạt điểm tuyệt đối, các em cần phải có những sáng tạo trong phương thức thể hiện và một kỹ năng hành văn tốt. Bởi từ một trích đoạn, để nêu lên chính kiến suy nghĩ của mình về một vấn đề mà tác phẩm văn học gửi gắm không bao giờ là điều đơn giản nếu không cảm nhận hết được ý nghĩa, cái hồn của tác phẩm. 

Tôi thấy đề thi Ngữ Văn năm nay ổn từ bố cục, nội dung cho đến cả yêu cầu kiểm tra kiến thức và kỹ năng hành văn của học sinh. (Phan Nga - Anh Tú ghi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.