Điểm “chốt” xây dựng tiêu chí đánh giá 4 kĩ năng môn Ngữ văn

GD&TĐ - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP TP HCM bày tỏ quan điểm về những phương diện quan trọng nhất cần chú ý khi xây dựng tiêu chí đánh giá các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với môn Ngữ văn

Điểm “chốt” xây dựng tiêu chí đánh giá 4 kĩ năng môn Ngữ văn

Kỹ năng đọc

Đối với kĩ năng đọc, cần chú ý đến khả năng hiểu nội dung, chủ đề của văn bản, quan điểm và ý định của người viết; khả năng nắm được đặc trưng thể loại; khả năng trả lời đúng các câu hỏi được thiết kế theo những cấp độ tư duy khác nhau.

Để đánh giá kĩ năng đọc của học sinh trong quá trình học, giáo viên cần trao đổi, tương tác với học sinh để hiểu được cách thức các em tạo nghĩa.

Ngoài mục tiêu đánh giá, cách làm đó còn giúp giáo viene có thể hỗ trợ, đưa ra lời khuyên thích hợp để giúp học sinh đọc hiệu quả hơn.

Kỹ năng viết

Đối với kĩ năng viết, có thể có những hình thức chính sau đây:

Đánh giá kĩ năng viết kết hợp với đánh giá kĩ năng đọc thông qua việc đọc một hay một số văn bản cụ thể (phổ biến ở dạng bài viết phân tích tác phẩm văn học).

Đánh giá kĩ năng phân tích, bàn luận về một đề tài cụ thể (phổ biến ở dạng bài nghị luận xã hội có đề tài mở).

Đánh giá kĩ năng tạo lập văn bản đáp ứng một nhu cầu cụ thể trong đời sống như viết thư, báo cáo, quảng cáo,...

Việc đánh giá kĩ năng viết phải dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Tùy vào kiểu bài viết mà tiêu chí đánh giá có những khác biệt nhất định.

Về nội dung: Khả năng hiểu văn bản, chủ đề tư tưởng, quan điểm và ý định của tác giả văn bản; khả năng nắm được đặc trưng thể loại văn bản; tính sáng tạo, độc đáo của các ý tưởng được trình bày; khả năng tập trung vào đề tài đang bàn.

Về hình thức ngôn ngữ: Chuẩn mực về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách và ngữ dụng (phù hợp với ngữ cảnh, nhất là với đối tượng tiếp nhận và mục đích viết). Cần chú ý đến khả năng dùng từ ngữ và cấu trúc câu đa dạng của người viết.

Về kết cấu: Mức độ phù hợp với các thể loại văn bản như văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản biểu cảm, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận văn học và xã hội; tính liên kết và mạch lạc trong phạm vi một đoạn văn và giữa các đoạn văn trong một văn bản.

Về khả năng biểu đạt và lập luận: Mức độ biểu đạt rõ ràng, lôgic và có hiệu quả các ý tưởng; khả năng phân tích, suy đoán, lập luận và sử dụng các lí lẽ, bằng chứng (chi tiết, số liệu hay các ví dụ về người thật, việc thật,.) hỗ trợ cho các quá trình đó.

Mỗi tiêu chí có thể được đánh giá trên thang điểm 5, 10 hoặc A, B, C, D, E. Thay cho cách đánh giá dựa trên các đáp án chi tiết, gồm nhiều ý lớn, nhỏ, chi tiết đến 0,25 điểm và hầu như chỉ tập trung vào nội dung như hiện nay, cách đánh giá đó sẽ giúp loại bỏ lối học ghi nhớ máy móc, tránh tình trạng áp đặt học sinh hiểu theo cách hiểu của người khác và lặp lại trong các bài thi và kiểm tra.

Khi đánh giá kĩ năng viết của học sinh trong quá trình học, cần lưu ý không chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng (bài viết) mà còn phải căn cứ vào quá trình các em viết như thế nào.

Giáo viên đánh giá học sinh và cho các em tự đánh giá các công đoạn của quá trình viết: từ suy nghĩ, quan sát, nghiên cứu, chọn đề tài; cho đến tìm kiếm và xử lí tư liệu, viết bản thảo, sửa chữa, hoàn thiện và trình bày/công bố.

Giáo viên nên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh về các bước của quá trình viết, nhờ đó học sinh có cơ hội phát triển nhận thức về bản chất của hoạt động viết và có kĩ năng viết tốt hơn, và cũng nhờ đó giáo viene có cơ hội quan sát và hiểu học sinh sâu sắc hơn.

Kỹ năng nói

Đối với kĩ năng nói, cần chú ý đến khả năng tập trung vào chủ đề và mục tiêu; sự tự tin, năng động của người nói trong những ngữ cảnh giao tiếp đa dạng;

Khả năng nói rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với ngữ cảnh, giúp người nghe dễ nắm bắt được nội dung; khả năng tranh luận và thuyết phục người khác;

Khả năng chú ý đến người nghe; giọng nói, mức độ phát âm rõ ràng và ngữ điệu thích hợp; khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ hỗ trợ.

Kỹ năng nghe

Đối với kĩ năng nghe, cần chú ý đến khả năng nắm bắt nội dung do người khác nói hay độ chính xác của nội dung nghe được; khả năng nắm bắt và đánh giá quan điểm, ý định của người nói; thái độ nghe tích cực và tôn trọng người nói; khả năng biết lắng nghe những ý kiến khác biệt.

Học sinh được tìm hiểu và nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá các kĩ năng nói trên, đặc biệt là kĩ năng viết, vì đánh giá kĩ năng viết là hình thức phổ biến nhất trong các kì thi và kiểm tra định kì.

Điều đó giúp cho học sinh có định hướng để trau dồi các năng lực mà môn học yêu cầu và có cơ sở để tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn cùng lớp. Giáo viên có thể cho học sinh thảo luận về các tiêu chí trước khi đánh giá.

Kết hợp nhiều hình thức đánh giá

Kết hợp nhiều kiểu, hình thức đánh giá khác nhau, từ đánh giá theo kiểu tự luận, trắc nghiệm khách quan, đến đánh giá dựa trên kết quả thảo luận, trình bày trong lớp học và bài tập lớn (dự án);

Từ đánh giá thường xuyên, đánh giá trong quá trình học, diễn ra hằng ngày khi học sinh trả lời câu hỏi, khi giáo viên quan sát học sinh làm bài tập, sửa bài viết, khi học sinh trình bày, thể hiện sản phẩm tự mình viết ra, làm ra (tác phẩm văn học (thơ, truyện, kịch,.), tranh vẽ, bài đọc sách, bài thuyết trình, bài nghiên cứu,.) đến đánh giá định kì, cuối kì bằng các bài kiểm tra (15 phút, 1 tiết,.) và bài thi (học kì, cuối năm);

Từ đánh giá của giáo viên đến học sinh tự đánh giá mình và đánh giá nhau. Cần chú ý tăng cường hình thức học sinh tự đánh giá mình và đánh giá nhau, vì đó là những hình thức đánh giá có tác dụng rất tích cực đến quá trình dạy học, nhưng lâu nay chưa được khai thác.

Dù là kiểu hay hình thức đánh giá nào thì cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện thực chất năng lực ngôn ngữ và tư duy của chính các em, chứ không phải là vay mượn, sao chép.

Ghi chép cẩn thận nhận xét hàng ngày

Đánh giá phải là một phần của quá trình dạy học. Muốn vậy, giáo viên cần ghi chép cẩn thận các nhận xét hằng ngày về học sinh để có cơ sở đánh giá.

Những nhận xét đó không phải chỉ tập trung vào các sai sót để sửa chữa mà còn phải chú ý đến các điểm mạnh của từng học sinh.

Giáo viên phải thấy được những khó khăn mà từng học sinh gặp phải cũng như sở trường của từng em trong từng lĩnh vực được đánh giá.

Một lớp học có hàng chục học sinh, vì thế mỗi ngày chỉ nên tập trung một số em, hôm sau chuyển sang các em khác. Giáo viên phải nắm vững chuẩn chương trình của các lớp trước và sau lớp mình dạy học để biết được “đầu vào” và “đầu ra” của mình.

Không được lạm dụng hình thức trắc nghiệm khách quan, nhưng cũng không nên loại bỏ, vì đây là hình thức có thể giúp nhà trường đánh giá năng lực đọc hiểu, suy luận và tư duy phê phán của học sinh với điều kiện những người ra đề được huấn luyện kĩ về kĩ thuật.

Hình thức trắc nghiệm khách quan trọng các kì thi SAT và PISA cho ta cơ sở để khẳng định như vậy. Điều quan trọng là cần biết dùng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan ở mức độ thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.