Thoát nghèo bền vững nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

GD&TĐ - Để người DTTS thoát nghèo các cấp chính quyền Kon Tum tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Người dân xã Đăk Trăm chuyển đổi từ trồng mì sang sâm dây.
Người dân xã Đăk Trăm chuyển đổi từ trồng mì sang sâm dây.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ở những vùng sâu, vùng xa tỉnh Kon Tum nơi đa số người dân tộc thiểu số sinh sống, bà con quen trồng mì, lúa nước... Những khu vực này vẫn còn lưu giữ một số phong tục, tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức chưa cao nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Để giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo các cấp chính quyền đã tuyên truyền và vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Đầu năm 2022, thực hiện Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã vận động người dân chuyển từ trồng mì sang các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, với toàn bộ diện tích đất sản xuất gia đình anh A Ngực (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) dùng để trồng mì. Thế nhưng, sau 4 năm đất bạc màu, cây mì không đạt năng suất cao khiến cuộc sống gia đình anh khốn đốn. Mong muốn cuộc sống ổn định hơn, anh Ngực đã nghe theo chính quyền địa phương chuyển sang trồng dứa xen canh với cây mắc ca. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tổ chức lớp tập huấn để anh tham gia học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Tương tự, khi 1 ha đất trồng mì không mang lại hiệu quả, A Nghìn (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm) mạnh dạn phá bỏ để trồng sâm dây và gừng. Như trước kia với 3ha mì mỗi năm cho thu hoạch khoảng 55 triệu đồng. Thế nhưng với 1ha sâm dây và gừng trồng thử nghiệm, với giá hiện tại thì anh ước tính thu nhập cao hơn gấp đôi.

“Mình không chỉ được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà cán bộ xã cũng thường xuyên đến hỗ trợ về kỹ thuật. Nhờ vậy, sâm dây và gừng của gia đình sinh trưởng và phát triển rất tốt. Gia đình hy vọng đến vụ thu hoạch sẽ được mùa và được giá”, anh A Nghìn tâm sự.

Thay đổi tích cực

Người dân trồng dứa xen canh cây mắc ca để phát triển kinh tế.
Người dân trồng dứa xen canh cây mắc ca để phát triển kinh tế.

Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết, trải qua một thời gian triển khai Cuộc vận động, người dân đã có những chuyển biến tích cực về nếp nghĩ và cách làm. Theo đó, nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi, phát triển những loại cây trồng mang đến hiệu quả kinh tế cao. Hiện, các hộ gia đình đã trồng được 3 ha sâm dây, 2 ha cây sơn tra, 3 ha cây quế.

“Với những hộ chưa chuyển đổi, địa phương sẽ tuyên truyền và hướng dẫn người dân trồng các loại dược liệu sau khi mùa mưa kết thúc để tránh bị ngập úng”, ông Tuệ nói.

Để đảm bảo đầu ra cho người dân, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã nhận bao tiêu toàn bộ số sản phẩm nông nghiệp mà người dân tại xã Đăk Trăm trồng. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tập trung làm nông nghiệp theo mô hình sản xuất hữu cơ, không được dùng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, người dân tại xã Đăk Trăm nói riêng và huyện Đăk Tô nói chung yên tâm tham gia vào làm nông nghiệp sạch, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Ông Bùi Tiến Lý - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho hay, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” cơ bản trên địa bàn đã không còn những hủ tục lạc hậu. Tuy đã có những sự thay đổi tích cực, nhưng huyện vẫn thường xuyên chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, chủ động tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, xây dựng các mô hình để giúp người dân có những cách làm và suy nghĩ mới trong lao động sản xuất, như: hỗ trợ người dân về cây con giống, áp dụng những giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật cho lao động sản xuất….

Thông qua cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã có hơn 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thuộc 102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đồng thời thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.