Giúp bà con dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo

GD&TĐ - Cùng với hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, BĐBP Ninh Thuận còn giúp dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy BĐBP Ninh Thuận.
Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy BĐBP Ninh Thuận.

Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Ninh Thuận đã trao đổi cùng báo Giáo dục và Thời đại xung quanh vấn đề trên.

Đồng hành cùng bà con dân tộc

+ Đồng chí có thể giới thiệu sơ bộ về địa bàn quản lý của BĐBP tỉnh Ninh Thuận, và sự gắn liền nhiệm vụ với đồng bào các dân tộc vùng biên giới.

Đại tá Ngô Văn Lãng: BĐBP tỉnh Ninh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên khu vực biên giới biển thuộc phạm vi hành chính của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố (huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và TP. Phan Rang - Tháp Chàm), với chính diện bờ biển dài 105 km, dân số 45.130 hộ/191.128 khẩu.

Trên địa bàn quản lý gồm 5 dân tộc cư trú, chủ yếu là người Kinh, Hoa, Ê đê, Raglai, Chăm. Phần lớn dân tộc thiểu số khu vực biên giới biển của tỉnh có đồng bào Chăm sống tập trung ở địa bàn xã An Hải/Ninh Phước thuộc địa bàn đồn Biên phòng Phước Dinh; đồng bào Raglai sống tập trung ở địa bàn 2 xã Công Hải/huyện Thuận Bắc và xã Vĩnh Hải/huyện Ninh Hải thuộc địa bàn đồn Biên phòng Vĩnh Hải. Còn lại các dân tộc khác sống phân bố đan xen trong các cụm dân cư…

+Thời gian qua, BĐBP tỉnh Ninh Thuận đã có sự đồng hành, chung tay cùng người dân ra sao nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo trong các mô hình, chương trình để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo?

Đại tá Ngô Văn Lãng: Trong những năm qua, nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng.

Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít thuận lợi, diện tích đất canh tác không nhiều, chủ yếu là đồi núi (khu vực thôn Đá Hang, Cầu Gẫy/xã Vĩnh Hải, nơi đồng bào Raglai sinh sống) và đất cát ven biển (thôn Tuấn Tú/xã An Hải, nơi đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni sinh sống). Các khu vực này thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống của người dân.

Xuất phát từ quan điểm hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn là phải thiết kế được những chính sách phù hợp với nhu cầu của người dân và phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ, các đơn vị BĐBP Ninh Thuận đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung giúp các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi...

BĐBP giúp người dân tăng cường kiến thức để trồng và thu hoạch hiệu quả cây măng tây.

BĐBP giúp người dân tăng cường kiến thức để trồng và thu hoạch hiệu quả cây măng tây.

Cùng với các hoạt động trên, các đơn vị Biên phòng Ninh Thuận đã và đang triển khai tích cực các chương trình, mô hình mang tính nhân văn sâu sắc để giúp vùng đồng bào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai các chương trình, mô hình tạo sinh kế, như: “Mái ấm giúp người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn biên phòng”, “Hũ gạo tình thương”…

Đến nay, các chương trình, mô hình đã nhận được sự quan tâm và đồng hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ đó, mặc dù là địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, đời sống nhân dân trong khu vực biên giới biển nói chung, đồng bào dân tộc trong vùng nói riêng ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, các đơn vị Biên phòng tỉnh còn phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ hộ gia đình ở khu vực biên giới phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, gây dựng cuộc sống…

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng

+ Qua 1 số địa bàn chúng tôi khảo sát (thuộc địa bàn đồn biên phòng Vĩnh Hải và đồn biên phòng Phước Dinh) nhận thấy đời sống đồng bào dân tộc Raglai và Chăm đang dần ổn định, phát triển, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và đặc biệt lực lượng Biên phòng. Song vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững. Xin đồng chí cho biết, thời gian tới lực lượng BĐBP Ninh Thuận sẽ giúp đỡ, đồng hành ra sao để đời sống bà con dân tộc nghèo tiếp tục cải thiện?

Đại tá Ngô Văn Lãng: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng cường lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện các chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực như: “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xây nhà Đại đoàn kết”…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nghèo.

Mặt khác tích cực tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh có các hoạt động thiện nguyện hướng về biên giới, hải đảo; ủng hộ vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống và sản xuất của bà con dân tộc.

Bên cạnh đó, phối hợp các ban, ngành đoàn thể tham mưu địa phương triển khai các chương trình, dự án phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi ở khu vực biên giới biển của tỉnh vững mạnh;

Sẽ tham mưu lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc Chăm, Raglai ở cơ sở, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; triển khai Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021-2025; vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới biển tích cực sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

+Xin cảm ơn đồng chí!

“Hoạt động mang tính nhân văn và trách nhiệm với xã hội của BĐBP tỉnh Ninh Thuận không những góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới biển của tỉnh đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát triển nhanh và bền vững, mà còn củng cố niềm tin, tăng cường mối đoàn kết quân dân, tỏa sáng hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc…”, Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Ninh Thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.