Hôm 5/9, Ả-rập Xê-út thông báo kéo dài thời hạn tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng, cho đến hết năm 2023. Trước đó, nước này bắt đầu cắt giảm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 và kể từ đó đã gia hạn hàng tháng. Các chuyên gia nghi ngại Ả-rập Xê-út có thể kéo dài thời hạn cắt giảm đến cuối năm 2024.
Thông báo của Ả-rập Xê-út đã đưa giá dầu trên thế giới lên trên 90 USD, mức cao nhất tính từ đầu năm 2023, dù vẫn chưa đạt đến mức cao kỷ lục trên 100 USD/thùng như năm 2022 khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Còn trong nước, việc cắt giảm sản lượng dầu thêm 3 tháng, cộng với việc cắt giảm hồi đầu năm, khiến sản lượng dầu của Ả-rập Xê-út giảm 9%. Tính đến nay, đây là mức giảm sản lượng lớn nhất trong gần 15 năm qua tại quốc gia này.
Xuất khẩu dầu mỏ giúp Ả-rập Xê-út đa dạng hóa nền kinh tế và tạo động lực tăng trưởng. Việc cắt giảm sản lượng dầu thô và giá dầu giảm vào đầu năm nay đã khiến GDP của nước này tăng trưởng chậm lại. Trong quý II/2023, GDP của Ả-rập Xê-út tăng 1,1%, giảm từ mức 3,8% so với quý I và 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, sự sụt giảm sản lượng dầu mỏ và doanh thu dầu mỏ trong năm 2023 có thể khiến nền kinh tế Ả-rập Xê-út rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2020 khi dịch Covid-19 tấn công thế giới.
Năm 2022, nền kinh tế Ả-rập Xê-út tăng trưởng 8,7% và tạo ra 2,5% GDP thặng dư tài chính. Đây là lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận mức thặng dư tài chính sau 9 năm khi giá dầu tăng lên gần 124 USD/thùng.
Hồi đầu năm 2023, Ả-rập Xê-út dự đoán sẽ tiếp tục ghi nhận 0,4% thặng dư nhưng với tình hình suy giảm hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng con số này có phần lạc quan hơn so với thực tế. Quốc gia này đã thâm hụt 2,19 tỉ USD trong nửa đầu năm nay.
Ả-rập Xê-út đang rơi vào thế khó khi phải cân bằng giữa việc cắt giảm sản lượng dầu và ổn định nền kinh tế phụ thuộc vào dầu thô. Nếu tiếp tục gia hạn cắt giảm, nước này sẽ đối mặt với nhiều tổn thất phát sinh từ việc cắt giảm sản xuất, cắt giảm xuất khẩu, tiếp thị...
Không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc cắt giảm sản lượng dầu thô có thể khiến Ả-rập Xê-út nhường thị phần xuất khẩu cho các đối thủ lớn khác như Nga, Iran. Hai quốc gia này có sản lượng dầu thô và chất lượng tương đương với Ả-rập Xê-út.
Nước này có thể giảm thiểu tổn thất từ việc cắt giảm sản xuất bằng cách tăng giá bán dầu trong khu vực hoặc trên thế giới hoặc chuyển sang cải cách kinh tế phi dầu mỏ. Vì điều này, nhiều chuyên gia, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn lạc quan tin rằng nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
Tính đến thời điểm này, nền kinh tế Ả-rập Xê-út vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Quỹ đầu tư công (PIF) tại quốc gia này vẫn chi hàng tỉ USD cho thể thao, du lịch, giải trí... nhằm thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế tới năm 2030. Tuy nhiên, nhìn chung những kết quả lạc quan này chưa thể khiến nền kinh tế Ả-rập Xê-út chuyển hướng nếu vẫn còn phụ thuộc vào dầu mỏ.