Nỗi niềm giáo viên biệt phái

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xáo trộn về công việc, thu nhập giảm sút khiến hầu hết GV, CB quản lý các cơ sở GD không mặn mà với biệt phái, đặc biệt là về phòng GD&ĐT.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) hướng dẫn học sinh CLB Khâu thêu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, gắn liền với nhiệm vụ giáo dục dân tộc. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) hướng dẫn học sinh CLB Khâu thêu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, gắn liền với nhiệm vụ giáo dục dân tộc. Ảnh: NVCC

Khó khăn tiếp cận công việc mới

Được đào tạo làm giáo viên chuyên ngành Giáo dục tiểu học, thầy Nguyễn Văn Hùng, Trường Tiểu học thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên, Lai Châu) gặp nhiều khó khăn khi được biệt phái làm việc tại phòng GD&ĐT. Theo thầy Hùng, tại phòng GD&ĐT, thầy không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mà còn nhiều nội dung khác không thuộc chuyên ngành đào tạo, nên không thuận lợi khi tham mưu cho lãnh đạo các nội dung chỉ đạo toàn ngành.

“Làm việc tại phòng GD&ĐT, đại diện một phần công tác quản lý chỉ đạo chuyên môn của toàn ngành Giáo dục trong huyện, nếu không vững chuyên môn, thiếu uy tín và tâm huyết thì khó trong công tác tham mưu, tư vấn thuyết phục đối với cơ sở. Bên cạnh đó, công việc nhiều, áp lực lớn nên thời gian dành cho gia đình ít đi. Như tôi, dù con ngồi học cạnh nơi làm việc nhưng thường xuyên không biết con đi ngủ lúc nào”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Một giáo viên tiểu học tại Thái Bình được biệt phái về công tác tại phòng GD&ĐT cũng trăn trở tương tự và cho rằng, nếu được hỏi “có muốn đi biệt phái?” thì có lẽ 100% giáo viên sẽ trả lời “không”. Lý do đầu tiên thầy giáo này đưa ra là lo lắng khi môi trường làm việc không như nơi cũ; cần khoảng thời gian làm quen, khó khăn hơn.

Vì biệt phái nên ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên ở môi trường mới luôn có cái nhìn, sự hợp tác trong công việc một cách “tạm thời”, không có tính kế hoạch lâu dài. Những tác động đó khiến giáo viên biệt phái xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cũng “tạm thời”.

Khi môi trường mới dần quen thì thời hạn biệt phái hết khiến nhà giáo trở về đơn vị của mình như nửa lạ - nửa quen, tác động nhất định đến công việc. Ngoài ra, giáo viên biệt phái cũng gặp khó khăn vì có thể phải di chuyển thêm một quãng đường xa so với đơn vị cũ…

Đối với người được biệt phái về công tác ở phòng GD&ĐT, ngoài khó khăn kể trên còn có những khó khăn đặc trưng khác. Cụ thể: Phải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các cơ sở giáo dục trực thuộc, trong khi nhà giáo chỉ biết dạy - học, chưa có kinh nghiệm quản lý; khối lượng công việc vô cùng lớn, áp lực công việc nhiều; thực hiện nhiệm vụ cả ở trường và phòng GD&ĐT nên phải gồng mình để hoàn thành tốt.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Công việc tăng, thu nhập giảm

Là hiệu trưởng được biệt phái về công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Điều thiệt thòi, khiến người được biệt phái trăn trở nhất là mức thu nhập bị giảm nhiều, trong khi công việc áp lực, vất vả, trách nhiệm lớn hơn.

“Nghệ An có 2 đối tượng biệt phái: Giáo viên biệt phái từ trường thừa sang trường thiếu giáo viên; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục biệt phái làm việc tại phòng GD&ĐT. Giáo viên đang công tác tại vùng biên giới biệt phái về các vùng khác sẽ không còn được hưởng phụ cấp biên giới - bằng 50% cấp bậc hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở; thu nhập giảm bình quân khoảng 4 triệu đồng.

Với cán bộ quản lý biệt phái lên phòng GD&ĐT sẽ không được hưởng phụ cấp lâu năm - khoảng 1,8 triệu đồng/tháng và có nguy cơ bị cắt, truy thu phụ cấp đứng lớp. Nếu tính cả phụ cấp đứng lớp bị cắt, thu nhập của tôi khi về phòng GD&ĐT giảm khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Với cán bộ quản lý công tác tại vùng biên giới biệt phái về phòng GD&ĐT, mức thu nhập giảm còn cao hơn, có khi lên tới 13 - 14 triệu đồng/tháng”, ông Nguyễn Quang Tuấn cho hay.

Vì lý do này, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, các phòng GD&ĐT đang tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình lên UBND tỉnh xem xét cho cán bộ từ trường biệt phái lên phòng GD&ĐT được bố trí dạy tại một trường gần nơi biệt phái để giữ phụ cấp đứng lớp. Nếu chính sách này được thực thi, cán bộ biệt phái sẽ giảm bớt thiệt thòi.

Được biệt phái về Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên, thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết chế độ tiền lương bị cắt giảm nhiều. Khi làm công tác giảng dạy, mức lương thầy được nhận trên 13,2 triệu đồng; nhưng thực hiện biệt phái mức lương nhận chỉ trên 7,8 triệu đồng, cộng thêm khoảng 10 triệu đồng tiền công tác phí/năm học. Như vậy, mỗi tháng thu nhập của thầy bị giảm trên 5,4 triệu đồng, tương đương trên 64,8 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, không có chế độ thêm giờ hay chế độ nào khác ngoài lương; chỉ được hưởng lương cơ bản với hệ số khu vực. Những năm công tác tại phòng GD&ĐT không được tính thâm niên nghề; không có chế độ tiền tàu, xe, lưu trú… khi nghỉ phép.

“Tôi và đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ biệt phái thực sự rất trăn trở. 23 năm công tác, trong đó hơn 20 năm công tác tại vùng sâu, khó khăn nhưng đồng lương không đủ sống, làm sao chăm lo được gia đình, nuôi dạy con cái học hành. Vậy thì nhiệt huyết với nghề, sự cống hiến, chia sẻ với ngành liệu có ảnh hưởng? Về lâu dài, các chế độ đối với nhà giáo biệt phái không có sự thay đổi và đãi ngộ thì có còn nhà giáo tâm huyết thực hiện nhiệm vụ biệt phái tại phòng GD&ĐT?

Do đó, mong muốn của tôi là được cống hiến cho ngành, thực hiện nhiệm vụ theo đúng chuyên ngành đào tạo. Nếu biệt phái công tác tại phòng GD&ĐT, tăng áp lực công việc, thời gian, mong tiền lương được hưởng bằng mức lương của nhà giáo đứng lớp, để ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, cống hiến. Cũng mong các cấp lãnh đạo căn cứ theo quy định của Luật Viên chức, sau khi hết thời gian biệt phái 3 năm, bố trí cho tôi về công tác tại đơn vị trường học”, thầy Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

“Mong mỏi của chúng tôi là có chính sách phù hợp với giáo viên, cán bộ quản lý được biệt phái, đặc biệt những thầy cô biệt phái từ trường về làm việc tại phòng GD&ĐT. Nên bố trí cho họ tham gia giảng dạy để giữ được phụ cấp đứng lớp. Đồng thời, sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái, họ được quay lại vị trí từng công tác”, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bày tỏ nguyện vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ