Theo dấu thòi lòi giữa rừng Vàm Sát

Theo dấu thòi lòi giữa rừng Vàm Sát

(GD&TĐ) - Không chỉ có mảnh bom, vỏ đạn và chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ đặc công, rừng Vàm Sát còn là thủ phủ của giống cá quý có cái tên kì khôi: thòi lòi. Giữa vùng đất từng được mệnh danh là “đế chế” của chất độc hủy diệt, chúng tôi ghi nhận vô số điều li kì và những hình ảnh trĩu buồn về loài cá được xem là linh hồn của Vàm Sát…

Một chiều tháng 8, trong câu chuyện về những năm tháng sống giữa lòng chiến khu, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Đoàn 10, Đặc công rừng Sác, có nhắc đến cá sấu Vàm Sát và cá thòi lòi. Ông nhấn mạnh: “Tuy bé xấu nhưng sự tinh ranh và tính hung bạo của thòi lòi vượt trội hơn sấu”. Nghe thấy hay hay, ngay hôm sau chúng tôi lập tức rời thành phố đến Cần Giờ và tiếp tục bị hút hồn khi nghe nhiều cư dân bản địa phán câu chắc nịch “thòi lòi là loài cá rất ma quái”. 

“Chạy giỏi, lặn hay, leo cây số một”

Được những lưu dân Việt khai phá cách đây hơn 300 năm, Cần Giờ là khu rừng ngập mặn mênh mông còn có tên rừng Sác. Trong một lần trò chuyện về xứ Nam Bộ xưa, cố nhà văn Sơn Nam, giải thích: “Gọi là rừng Sác vì Cần Giờ là xứ của loài cây này, mà dân Nam Bộ mình quen gọi là cây mắm. Cùng với ô rô, chà là, sú, vẹt, đước, cây mắm là thành viên của tập đoàn cây ngập mặn tiên phong lấn biển ở vùng bãi bồi ven cửa sông, cửa biển”.

Chân dung những gã thòi lòi
Chân dung những gã thòi lòi

Tại tiểu khu rừng Sác thuộc địa phận xã Tam Thôn Hiệp, ông Trần Sáu, nguyên chiến sĩ đặc công rừng Sác hào hứng khi nói về con cá thòi lòi: “Hàng trăm gò đất nửa chìm, nửa nổi cùng vô số sông rạch ở rừng là mái nhà cư trú lí tưởng của giống này. Gọi là thòi lòi vì giống cá này có cặp mắt nhô hẳn lên đầu, lúc nào cũng thao láo. Ở vùng đất mũi Cà Mau, bà con còn gọi thòi lòi là cá bống thùng. Thòi lòi có đòn dài như cá lóc, vây lưng rời nhau, đầu trước ở mắt có u lồi lên, rạch miệng kéo dài, toàn thân phủ vảy tròn, vây ngực có cuống rất phát triển, giúp nó có thể di chuyển lanh lẹ trên cạn”. Dứt lời, ông Sáu đưa khách ra khu rừng sau nhà đặng “diện kiến thòi lòi”. Đưa mắt theo tay ông chỉ, chúng tôi phát hiện đám thòi lòi khoảng chục con đang nằm gối đầu lên đất bồi, toàn thân thả chìm dưới nước. Vài con tinh nghịch chạy bằng vây trông rất buồn cười. Với ý định bắt vài con đặng ngắm cho dễ, anh bạn đồng nghiệp xắn quần dấn bước. Nghe tiếng động bất thường, sau cú đảo mắt nhanh như điện, đám thòi lòi con chạy, con lặn bặt tăm. Nhìn cảnh ấy, người cựu binh già cười khà khà: “Qua quên nói với mấy cô chú, không chỉ có ngoại hình kì dị, thằng thòi lòi này lặn siêu lắm. Tuy nó không có chân nhưng đố cô chú chạy lại nó. Nó còn nhảy loi choi với tốc độ cũng thần tốc lắm đó!”.

Cùng ông Sáu, chúng tôi sang thăm nhà anh Lê Hồng Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh An. Anh Phúc cho biết: “Không chỉ rừng Cần Giờ mà tại các vùng rừng ngập mặn ở đất Phương Nam như Hội Bài (Bà Rịa - Vũng Tàu), đất mũi Cà Mau, U Minh Thượng (Kiên Giang), Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang)…đều có bóng dáng thòi lòi. Nhưng sở dĩ thòi lòi rừng Sác có thương hiệu bởi diện tích rừng Cần Giờ rộng lớn, lại được bảo vệ nghiêm ngặt nên cá to đòn, sinh sôi nảy nở nhiều vô kể”. Đang ngon mạch, anh đảo sang chuyện khác: “Đời này chắc hổng có loài cá nào ngộ như thòi lòi. Con cá sấu nổi tiếng quái đản vì vừa sống được dưới nước, vừa sống được trên cạn, nhưng nếu so với thòi lòi còn thua xa. Cá sấu không biết leo cây chứ thòi lòi là giống leo trèo giỏi lắm!”.

Theo con lạch nhỏ chạy len lỏi giữa khu rừng mênh mông, chiếc xuồng nhỏ do anh Phúc chèo chống len lỏi qua các ghềnh gộp đưa chúng tôi đi thăm thòi lòi. Bị khuấy động bởi tiếng cười nói và âm thanh khua nước rào rạo của mái chèo, những con thòi lòi cỡ hai lóng tay người lớn đang neo mình trên các cành đước, mắm vội phóng mình xuống nước tum tủm. Có tận mắt thấy mới hiểu, đúc kết “thòi lòi là loài cá ma quái” của cụ ông Trần Tịch (83 tuổi), nhà ở ấp Thiềng Liềng, hoàn toàn chí lí. 

Một góc rừng Vàm Sát
Một góc rừng Vàm Sát

“Nhỏ con nhưng ngon độ”

Trong chuyến xuyên rừng, anh Phúc chỉ cho chúng tôi điểm nhấn thú vị khác về con thòi lòi. “Các loài cá khác, kể cả cá sấu, khi bơi đều chìm toàn thân dưới nước nhưng thòi lòi thì không. Kia kìa, nó bơi tiếu lâm lắm. Thân chìm dưới nước nhưng đầu thì cứ loi ngoi”. Anh Mười Khương, dân bản địa cùng tham gia chuyến đi, góp lời: “Có người gọi thòi lòi là ‘cá Tào Tháo’ nhằm ám chỉ sự đa nghi, tinh ranh của nó. Bất kì âm thanh bất thường nào cũng khiến nó lo sợ lủi vào hang, phang xuống nước. Ngay cả khi bơi nó cũng nhô đầu giương mắt đề cao cảnh giác”.

Thòi lòi con nhỏ cỡ ngón út trẻ em nhưng cũng có con to bằng 3 ngón tay người lớn chụm lại. Tuy nhỏ con, có ngoại hình không bắt mắt, thậm chí quái dị nhưng nói như đại tá Lê Bá Ước, đây là con cá “nhỏ con nhưng ngon độ, ngon cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Góp lời vị chỉ huy của đặc công Rừng Sác huyền thoại năm nào, ông Sáu tiếp: “Thịt thòi lòi dai, ngọt như thịt gà lại đẫm vị lạ, chỉ có miệt nước khi mặn khi lợ mới có. Mấy năm qua thòi lòi là món đặc sản mà du khách sành ăn chĩa tầm ngắm. Vào cuối tuần, khách thành phố đổ về đây quất thòi lòi kho tiêu, nướng muối ớt hà rầm!”.

Những lời ông Sáu nói làm chúng tôi nhớ tới hình ảnh lúc chạy xe qua các quán nhà hàng đặc sản ở khu vực Nhà Bè với dòng chữ “chuyên đặc sản thòi lòi”. Sau này qua trò chuyện, ông Trần Sánh, chủ quán đặc sản Phương Nam thổ lộ: “Thực khách kết thòi lòi vì không chỉ nó lạ, nó ngon mà còn vì đặc tính hiếu chiến. Họ tin trong từng thớ thịt của những giống cá uy dũng khi lâm trận chỉ biết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng như thòi lòi tích tụ những sức mạnh tiềm ẩn rất tốt cho sức khỏe. Bởi vậy thòi lòi hút hàng lắm. Hút đến độ không chỉ ở Cần Giờ, tui còn tung quân đi các tỉnh miền Tây gom hàng nhưng cung không đủ cầu!”.

Nói thêm về đặc tính hung hăng của thòi lòi, anh Lê Văn Trung, nguyên chủ tịch UBND xã Thạnh An bộc bạch: “Trái với thái độ nhút nhát trước mọi biểu hiện tiếng động khác thường, khi sống trong vương quốc của mình, thòi lòi thể hiện bản năng hiếu chiến đến dễ sợ. Chúng có thể giao chiến với nhau vì nhiều lí do, chủ yếu là tranh giành lãnh địa và muốn thể hiện trước nàng thòi lòi nào đấy!”. Anh Nguyễn Ngọc Sang (Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM) nhấn mạnh, cái sự hiếu chiến của thòi lòi bằng chuyện kể nghe có phần rờn rợn: Khi bắt được thòi lòi, cư dân địa phương thường dùng que đâm cho nó bị mù mắt rồi bỏ vào xô nhằm tránh khi gặp mặt nhau, giữa đám “tù binh” thường xảy ra giao chiến.

Phúc Trinh – Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.