Thay đổi thói quen

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không bắt học sinh trả bài đầu giờ theo kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” là yêu cầu được Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đưa ra.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Ý kiến này nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm.

Trả bài đầu giờ mà nhiều người quen gọi là “kiểm tra miệng” vốn là hình thức kiểm tra đánh giá vô cùng quen thuộc từ bao năm nay, thường được thực hiện trước khi vào học bài mới. Quen thuộc đến mức nó dường như trở thành hiển nhiên và ít ai đặt câu hỏi về việc: Có bắt buộc dùng hình thức này không, hiệu quả thế nào, nên đổi mới ra sao?...

Hiện, cả cấp tiểu học và trung học đều triển khai song song 2 chương trình, cùng đó là 2 quy định về đánh giá học sinh. Cụ thể, với cấp tiểu học, những lớp học Chương trình GDPT 2018 thực hiện theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT; lớp học Chương trình GDPT 2006 thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT.

Với cấp trung học, lớp triển khai Chương trình GDPT 2018 thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT; các lớp còn lại thực hiện Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT.

Các văn bản trên có điểm chung: Quy định 2 hoạt động đánh giá là thường xuyên và định kỳ, với yêu cầu “vì sự tiến bộ của học sinh”. Hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên rất phong phú. Ví dụ, với trung học, giáo viên có thể đánh giá qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập; đánh giá định kỳ thông qua bài kiểm tra, thực hành, dự án học tập… Không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải kiểm tra bài với học sinh ở đầu tiết học.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá từng được coi là khâu đột phá trong thực hiện đổi mới giáo dục. Đến nay, đây vẫn là yêu cầu vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Các năng lực, phẩm chất này được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Đổi mới kiểm tra, đánh giá chú trọng thông qua học tập để học sinh hình thành kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống; khắc phục hình thành kiến thức chỉ qua ghi nhớ, thuộc lòng.

“Kiểm tra miệng” có thể coi là một hình thức đánh giá thường xuyên qua hỏi - đáp. Với quyền chủ động của mình, nếu thấy phù hợp và có hiệu quả, thầy cô vẫn có thể sử dụng. Tuy nhiên, thực hiện vào thời điểm nào, cách làm ra sao để đạt hiệu quả phụ thuộc vào năng lực, sự linh hoạt, sáng tạo của mỗi người.

Một số giáo viên chia sẻ không còn sử dụng hình thức kiểm tra bài cũ đầu giờ; thay vào đó là tổ chức hoạt động khởi động, trò chơi… Cách làm này, nếu muốn giáo viên vẫn kết nối được kiến thức cũ khi vào bài mới, đồng thời tạo hứng thú cho học sinh, không gây tâm lý lo lắng, căng thẳng. Hoặc người dạy có thể khéo léo lồng ghép kiểm tra kiến thức cũ trong suốt tiết học bằng hình thức phù hợp; có thể kiểm tra đầu giờ với học sinh có tinh thần xung phong…

Có thể nói, khi thầy cô nắm vững quy định về kiểm tra, đánh giá; thực sự đầu tư để áp dụng linh hoạt các hình thức sẽ khắc phục được cách làm theo lối mòn, thói quen; từ đó giúp học sinh phát triển tối đa năng lực, phẩm chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ