Thay đổi 'truyền thống'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, chuyện liên quan đến phương tiện giao thông công cộng lại nóng lên khi xuất hiện xe bus điện của một tập đoàn tên tuổi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nếu không tính đến những bài viết quảng bá cho việc ra mắt sản phẩm mới của tập đoàn kia, thì báo chí cũng ghi nhận không ít ý kiến của người sử dụng, đánh giá khá thiện cảm cho loại hình công cộng mới này.

Nhiều thiết bị thông minh, công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện nghi, nhân viên phục vụ văn minh, lịch sự và thân thiện… là những cảm nhận ban đầu của hành khách sau khi trải nghiệm xe bus điện ở Hà Nội và TPHCM.

Đi kèm với đó là những trao đổi, tranh luận, so sánh giữa xe bus truyền thống và bus điện. Theo đó, nội dung được nhiều người lưu tâm, chia sẻ nhất vẫn là thái độ phục vụ của nhân viên nhà xe.

Tranh luận sau cùng, cũng như nhiều lần trước, giúp nhiều người thấy rằng rõ ràng là xe bus truyền thống phải tự thay đổi, từ điểm đón trả khách, chất lượng phương tiện đến thái độ phục vụ.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì vụ việc người khuyết tật được cho là bị xe bus “bỏ qua” ở Nghệ An lại thổi bùng băn khoăn bấy lâu nay của người sử dụng phương tiện giao thông này.

Ngày 3/8, mạng xã hội xuất hiện một clip về một người đàn ông khuyết tật (không chân, tay) được một người đàn ông khác bế lên xe bus. Đi kèm với đó là thông tin cho rằng, người đàn ông khuyết tật được con gái đưa đến chờ xe ở nơi có bóng râm, cách điểm đỗ xe bus khoảng 10m tại xóm 3, xã Hoa Thành, Yên Thành (Nghệ An).

Trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ sáng hôm đó, 4 chuyến xe bus đi qua khu vực này nhưng không chiếc nào dừng lại. Chỉ đến khi người dân sống gần đó ra hỗ trợ, người đàn ông khuyết tật mới lên được xe.

Trước phản ứng của dư luận và báo chí, người đại diện theo pháp luật của công ty khai thác tuyến xe bus trên đã lên tiếng lí giải rằng, người đàn ông khuyết tật không đứng tại điểm chờ xe buýt, cũng không có dấu hiệu nhận biết là có nhu cầu đi hay không để hỗ trợ; đồng thời khẳng định “nếu tài xế sai, vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, cần thiết là chấm dứt hợp đồng lao động”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An ngoài việc dẫn lại báo cáo từ phía đơn vị liên quan về vụ việc cũng chỉ đưa ra chỉ đạo chung chung vốn được mang ra sử dụng lâu nay là nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ phục vụ và yêu cầu thực hiện đón trả khách đúng địa điểm, quy định.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi của người sử dụng dịch vụ ngày càng cao, ai cũng hiểu muốn tồn tại và phát triển thì phải thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất không phải là phương tiện hiện đại, bến bãi khang trang, thanh toán tiện lợi, tăng mức trợ giá… mà nằm ở thái độ và văn hóa phục vụ.

Người đàn ông ở Nghệ An kia chỉ là một cá nhân trong số 6,2 triệu người khuyết tật trên cả nước. Chưa thể khẳng định người khuyết tật được quan tâm đúng mức, tiện lợi khi tham gia giao thông công cộng và nhiều hoạt động xã hội khác, nhưng ứng xử không đẹp với chỉ một người, thì ngay lập tức ảnh hưởng tới hình ảnh của cả một ngành mà vốn dĩ lâu nay, ít nhận được thiện cảm của người sử dụng.

Có vẻ như rất cần phải thay đổi “truyền thống” của xe bus truyền thống mới mong có sự “lột xác” về chất lượng phục vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ