Xây dựng “chân đế” vững chắc
Tư duy thiết kế (DESIGN THINKING) là một mảng nội dung được Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng đưa vào chương trình dạy chính khóa và các khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp.
Tư duy thiết kế là một cách tiếp cận xử lý vấn đề bắt đầu từ người dùng. Theo đó, người phát triển dự án phải tìm cách thấu hiểu sâu sắc những vấn đề mà người dùng gặp phải. Từ đó, họ xác định vấn đề và triển khai giải pháp xung quanh người dùng. Khi đã quen thuộc với cách tiếp cận này trong năm thứ nhất, sinh viên sẽ tiếp tục phát triển kỹ năng này vào những năm tiếp theo trong quá trình học tập, làm việc nhóm với mọi người hay trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp.
“Cách xử lý từ đó chắc chắn sẽ nhân văn hơn, sẽ sáng tạo hơn và sẽ sát thực với vấn đề hơn. Quan trọng nữa, trong quá trình thực hành tư duy thiết kế, sinh viên được rèn giũa kỹ lưỡng tư duy phản biện, một kỹ năng vô cùng quan trọng cho tương lai theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)” – TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, vai trò của cơ sở giáo dục đại học trong việc giáo dục khởi nghiệp không phải là thúc đẩy sinh viên hình thành doanh nghiệp ngay khi còn đi học. Đào tạo khởi nghiệp trong trường đại học sẽ giúp thúc đẩy tinh thần nghề nghiệp, phát triển kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề, xây dựng tư duy cho sinh viên”.
Mục tiêu của đào tạo khởi nghiệp, vì vậy, hướng tới trang bị cho người học tinh thần khởi nghiệp, luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, người có tinh thần khởi nghiệp có tính kiên trì để đạt được thành công và đặc biệt là dám chấp nhận rủi ro.
Nguyễn Đăng Đông Rạng, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng cùng với gần 120 sinh viên khác vừa hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho sinh viên hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đây là khóa học do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn việc làm, du học tự túc (Đại học Đà Nẵng) tổ chức từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ GD&ĐT triển khai.
Chia sẻ về khóa học, Rạng cho biết: “Lâu nay, em vẫn nghĩ với khởi nghiệp, chỉ cần có ý tưởng tốt, có tính mới, sáng tạo thì dự án sẽ kêu gọi được vốn đầu tư và thành công sau đó. Thế nhưng, từ các chuyên đề của khóa học, em hiểu được từ lý thuyết đến thực tiễn là khoảng cách khá xa. Thực tiễn khởi nghiệp rất khắc nghiệt và tỉ lệ thành công rất nhỏ nếu không có các mục tiêu phát triển bền vững, kế hoạch phát triển sản phẩm, nhận định về thị trường… thì các sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên hầu hết chỉ dừng lại ở sản phẩm mẫu ở các cuộc thi”.
Ngoài được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, thông qua các workshop, các chuyên gia khởi nghiệp cùng với doanh nhân sẽ giúp sinh viên hình thành và điều chỉnh thái độ, đam mê đối với khởi nghiệp. Với những khóa học này, sinh viên được cung cấp kiến thức nền liên quan đến khởi nghiệp như quy trình xây dựng ý tưởng, các kỹ thuật cơ bản trong tư duy sáng tạo, kế hoạch phát triển sản phẩm…
Theo nhận xét của Đông Rạng, ngoài kiến thức nền tảng, sinh viên được khơi dậy đam mê sáng tạo, khởi nghiệp và quan trọng nhất là có tinh thần, chủ động sáng tạo trong công việc chứ không hẳn là phải làm chủ một doanh nghiệp.
Tiếp sức khởi nghiệp
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức các chương trình đào tạo đổi mới trong khởi nghiệp công nghệ dành cho sinh viên. Sinh viên kỹ thuật - công nghệ sẽ được trang bị những công cụ đổi mới sáng tạo áp dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm với các chủ đề như: Vai trò đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp công nghệ; Tư duy thiết kế trong nghiên cứu và phát triển; Các bước xây dựng từ ý tưởng công nghệ tới thiết kế sản phẩm dịch vụ và đưa ra thị trường; Làm thế nào chọn lựa công nghệ trong quá trình khởi nghiệp công nghệ để mang sản phẩm và dịch vụ ra thị trường…
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên giảng dạy môn Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Chương trình đào tạo này là nền tảng giúp sinh viên có được các năng lực khởi nghiệp cơ bản, từ đó sinh viên sẽ được tiếp tục đào tạo, tư vấn thêm ở các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp. Sau đó, qua sàng lọc, chỉ những sinh viên đủ đam mê, năng lực tiếp tục có cơ hội tham gia vào các chương trình ươm tạo và tăng tốc phát triển khởi nghiệp".
Đinh Thị Bích Phượng, cựu SV Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nhận xét: “Nghiên cứu khoa học là một trong những điểm mạnh của sinh viên khối STEM. Thế nhưng, để một đề tài nghiên cứu khoa học trở thành một dự án khởi nghiệp lại là câu chuyện hoàn toàn khác".
Theo Phượng, nút thắt của các dự án khởi nghiệp thường nằm ở khả năng thương mại hóa sản phẩm và sự quan tâm của nhà đầu tư. Một đề tài nghiên cứu với ý tưởng tốt thôi là chưa đủ, chúng ta không thể ngồi trong phòng Lab và nghĩ rằng: “Đề tài của mình tốt thế này, chắc chắn khách hàng sẽ chấp nhận mua sản phẩm của mình mà”. Do đó nghiên cứu thị trường, tìm cách tiếp cận khách hàng, xây dựng mô hình kinh doanh, tính toán tài chính, xúc tiến sản phẩm và nhiều yếu tố khác nữa là những yêu cầu đặt ra đối với câu chuyện khởi nghiệp.
Đinh Thị Bích Phượng là trưởng nhóm của dự án khởi nghiệp “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone”. Dự án này đã đạt giải quán quân tại Hult Prize tổ chức ở quy mô Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và xuất sắc có mặt tại vòng chung kết cuộc thi Hult Prize 2021 khu vực Đông Nam Á.
Song song với đưa chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy, các trường đã có sự hỗ trợ về tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như kết nối với các doanh nghiệp để chắp cánh cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết, bên cạnh hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên từ nguồn quỹ nghiên cứu khoa học, nhà trường còn kết nối với Quỹ đầu tư khởi nghiệp Vintech City và Dự án Vi2W hỗ trợ cho Câu lạc bộ khởi nghiệp và không gian sáng chế của nhà trường để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
“Thường các dự án khởi nghiệp của sinh viên thì các kiến thức khoa học, công nghệ chiếm ưu thế nhưng các kiến thức về quản trị, thị trường lại yếu. Chính vì vậy, nếu muốn đi xa hơn thì cần phải có đồng đội, có sự liên kết giữa sinh viên khối ngành công nghệ - kỹ thuật và kinh tế thì tốt hơn. Với dự án Tảo Việt, vai trò của nhà trường và giảng viên hướng dẫn là rất lớn. Ngoài được sử dụng phòng thí nghiệm để nghiên cứu sản phẩm, nhà trường đã kết nối để chúng tôi có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động liên quan đến đầu tư khởi nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường” - Lê Văn Kiêm, đồng tác giả dự án Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng từ sinh khối Tảo xoắn Spirulia.