Cần coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là môn học chính thức trong cơ sở đào tạo

GD&TĐ - Cần tăng cường giảng dạy kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và coi đó là một môn học chính thức.

Cần coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là môn học chính thức trong cơ sở đào tạo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan truyền cảm hứng tại Chương trình “Chia sẻ văn hóa đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” – chiều 14/7. Chương trình do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu muốn sáng tạo, đừng đi theo lối mòn. Những câu hỏi thường là khởi đầu của tri thức. “Vậy ý tưởng xuất phát từ đâu và tìm đâu ra? Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề và gợi mở, ý tưởng có thể xuất phát ở mọi nơi, thậm chí từ nhà vệ sinh. Có những ý tưởng tưởng chừng như điên rồ nhưng sau này lại thành công.

Giới thiệu với sinh viên về những cuốn sách bổ ích, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, mỗi cuốn sách chứa đựng những tri thức vô giá, đọc sách sẽ kích thích những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp.

vanhoadoc.jpg3.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan; PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với sinh viên tại phòng chờ mới được hoàn thiện tại tòa nhà trung tâm.

“Văn hóa đọc sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo. Tôi hy vọng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành lá cờ đầu về văn hóa đọc cũng như thúc đẩy các ý tưởng đổi mới, sáng tạo của sinh viên” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giảng dạy các kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, coi đó là một môn học chính thức.

Văn hóa đọc là “tập hợp con” của văn hóa học. Không phải ai đọc sách cũng thành công nhưng những người thành công chắc chắn đọc sách.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Từ ý tưởng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chương trình “Văn hoá đọc và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chương trình là “sự kiện văn hóa” quan trọng để đưa "Văn hóa đọc” song hành cùng “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo”.

Qua đó, giúp cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên Học viện nâng cao nhận thức về sách, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về thế giới, trau dồi kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề, từ đó sẽ giúp cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo dễ thành công hơn.

leminhhoan.jpg2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan truyền cảm hứng văn hóa đọc đến sinh viên.

Hiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng trên 30 phòng đọc, với khoảng 50 nghìn sách in, sách số, tạp chí và kết nối với 100 CSDL học liệu tiên tiến trên thế giới.

Học viện mua quyền truy cập 13 cơ sở dữ liệu trực tiếp; tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh viên đọc sách, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng sách về thư viện, các phòng đọc của Học viện.

Bên cạnh đó, Học viện đẩy mạnh hoạt động tặng sách, chia sẻ sách cho cộng đồng, phát triển các tủ sách nông thôn trong các chương trình tình nguyện của sinh viên để tiếp tục lan tỏa thông điệp của Bộ trưởng về văn hóa đọc sách đến với cộng đồng xã hội.

vanhoadoc.jpg1.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Chương trình “Chia sẻ văn hóa đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Nhân dịp này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt “Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo”.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của văn hóa đọc, ThS Vũ Tuấn Anh – chuyên gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quản trị doanh nghiệp, phát triển nghề nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh – khẳng định, chỉ có học, đọc mới cho ta tri thức.

Chia sẻ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ThS Vũ Tuấn Anh dẫn ví dụ, người Israel luôn có ý tưởng đổi mới và họ tạo những vườn ươm. Chiếc “áo lót” của các cầu thủ bóng đá là một ví dụ.

Với hệ thống GPS, chiếc áo ghi lại mọi thông tin cần thiết về cầu thủ như: tốc độ, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, quãng đường di chuyển, khả năng bứt tốc và lập tức truyền đến máy tính. Nhờ vậy, ban huấn luyện đưa ra phương pháp luyện tập hợp lý, hướng dẫn cầu thủ sửa chữa các lỗi di chuyển để phòng tránh chấn thương.

Từ câu chuyện trên, ThS Vũ Tuấn Anh hàm ý rằng, chúng ta cần luôn học hỏi, tìm tòi và có ý tưởng đổi mới sáng tạo để “đón đầu” xu thế. Suy cho cùng, vốn tri thức mới là nguồn vốn quan trọng nhất và quyết định cho thành công.

IMG_4960.JPG
Chiều 14/7, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt “Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo”.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Hiện, Học viện có gần 100 giảng viên được phong hàm giáo sư, phó giáo sư; hơn 360 giảng viên có học vị tiến sĩ; nhiều giảng viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giải thưởng Kovalevskaya… Đặc biệt, trên 90% giảng viên của Học viện được đào tạo ở các nước có nền khoa học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hà Lan… https://daotao.vnua.edu.vn/xettuyen và https://tuyensinh.vnua.edu.vn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.