Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi đoạt giải, số đông sinh viên xếp lại ý tưởng, dự án...
Cần “bệ đỡ”
Năm 2023, Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức cuộc thi khởi nghiệp với sự tham gia của hàng chục dự án, trong đó có khoảng 1/3 ý tưởng sáng tạo của học sinh. Điều đó cho thấy các em là lứa mầm non trong mạng lưới, sau này vào cao đẳng, đại học sẽ có những ý tưởng dự án khởi nghiệp tích cực.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, Chủ tịch Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL cho biết: Một số trường đã đưa hoạt động khởi nghiệp vào kế hoạch chiến lược, có cả cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên. Mặc dù chưa dự án nào kêu gọi được nguồn vốn nhưng việc này cũng bình thường, bởi có nhiều nguyên nhân như về tính khả thi, con người, hay phụ thuộc vào cách nhìn của nhà đầu tư, doanh nghiệp…
“Để chuyển ý tưởng khởi nghiệp thành kinh doanh thành công rất khó khăn, kiểu như đãi vàng - không phải lúc nào cũng tìm được vàng, thậm chí còn bỏ sót”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.
Trao đổi về quá trình khởi nghiệp của sinh viên, ông Phạm Minh Quốc - Giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, học sinh, sinh viên khởi nghiệp có lòng nhiệt huyết nhưng nguồn lực không có nên rất khó khăn. Do đó, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ trong nhà trường mà cần gắn kết với nhiều đơn vị như doanh nghiệp, vườn ươm, ngân hàng, quỹ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước... để giúp các em phát triển ý tưởng.
Thực tế, nhiều sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt nhưng thiếu người dẫn dắt nên chưa phát triển ý tưởng đó thành sản phẩm. Sinh viên sau khi đoạt giải các cuộc thi khởi nghiệp về là khép lại dự án… Có ít em khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.
Theo TS Triệu Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, có những dự án của sinh viên rất tiềm năng, khả năng phát triển đưa sản phẩm ra thị trường. Những dự án này nếu không được triển khai thì rất tiếc.
TS Triệu Thanh Tuấn đề xuất, Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL nên có mục tiêu, hỗ trợ, khuyến khích những ý tưởng phát triển tốt, để bỏ quan điểm chỉ làm phong trào. Mục tiêu khởi nghiệp cuối cùng là tạo ra doanh nghiệp có sản phẩm mới, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Đào tạo bài bản về khởi nghiệp
Ðào tạo kiến thức nền tảng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nội dung được nhiều trường ĐH, CĐ chú trọng, nhằm hỗ trợ sinh viên biến ý tưởng thành hiện thực. Theo TS Tiền Hải Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, nhà trường xem hoạt động khởi nghiệp của sinh viên là trách nhiệm của đơn vị đào tạo. Nhà trường huy động tổng lực chứ không riêng đơn vị nào, để tạo sức mạnh hỗ trợ cho sinh viên. Nếu có hướng đi đúng, tập hợp được sức mạnh thì khởi nghiệp của sinh viên sẽ khởi sắc.
Tại TP Cần Thơ, Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” được triển khai quyết liệt. Theo đó, các khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo triển khai tại nhiều trường ĐH, CĐ.
Tham gia khóa đào tạo, sinh viên được cung cấp kiến thức về tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò và tâm thế của người khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp; lộ trình phát triển doanh nghiệp như: Các giai đoạn từ ý tưởng đến hiện thực hóa; tư duy sáng tạo và các nguyên lý tư duy hiệu quả của doanh nhân; năng lực cơ bản trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như xây dựng kế hoạch kinh doanh, phân tích thị trường, quản lý tài chính và phát triển sản phẩm…
Theo ông Vũ Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN (Sở KH&CN TP Cần Thơ), khóa đào tạo nhằm trang bị cho học viên kiến thức, tư duy nền tảng, chuẩn mực về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành tư duy doanh nhân, thích nghi trong mọi hoàn cảnh; trang bị kỹ năng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tinh gọn, linh hoạt, thích ứng điều kiện thị trường. Ðây cũng là cơ hội để học viên định hướng, xây dựng lộ trình khởi nghiệp đúng đắn cho bản thân.
Chia sẻ về hoạt động đào tạo khởi nghiệp, Nguyễn Minh Anh - sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường CĐ Cần Thơ) cho hay: “Khóa đào tạo đã tạo cơ hội cho chúng em học hỏi, chia sẻ, giao lưu, kết nối các chương trình khởi nghiệp từ chuyên gia, tổ chức khởi nghiệp… Em đặc biệt thích nội dung kiến thức tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, vai trò tâm thế của người khởi nghiệp và rèn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp”.
Tại Trường ĐH Kiên Giang, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sân chơi được duy trì nhiều năm qua. Cuộc thi gồm các lĩnh vực khoa học, công nghệ; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch; tài chính, ngân hàng; kinh doanh tạo tác động xã hội… Các dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo sự đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TS Nguyễn Hữu Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, cuộc thi đóng vai trò quan trọng trong việc giữ lửa và nung nấu ý chí khởi nghiệp của sinh viên, tạo môi trường để người học có điều kiện trình diễn những ý tưởng mới; góp phần quan trọng trong việc cải tạo thực tiễn, tận dụng tài nguyên, phát triển năng lực, sở trường cá nhân để tiến xa hơn trong học tập và cuộc sống...
Năm 2023, Trường ĐH Kiên Giang tổ chức khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 95 sinh viên. Nhà trường còn triển khai hỗ trợ các nhóm dự án/ý tưởng cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài tỉnh để sinh viên có cơ hội nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường để ý tưởng của các em có thể phát triển...