Lý do là trước đó, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có “buổi đối thoại cuối cùng” với người dân quanh khu vực bãi rác này.
Tại buổi đối thoại nói trên, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đưa ra cam kết bằng văn bản, rằng đến ngày 30/9, phương án bồi thường tái định cư và chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân nằm trong bán kính dưới 500m tính từ nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ, phải được phê duyệt.
Thêm nữa, chậm nhất là cuối năm nay chính quyền phải giao đất tái định cư cho 4 hộ dân này. Những hộ dân còn lại trong phạm vi từ 500m đến dưới 1.000m tính từ nhà máy sẽ được thực hiện các quyền lợi như 4 hộ kia nhưng thời gian đến 31/12 phải xong.
Ông Đặng Ngọc Dũng cũng đã giao trực tiếp cho lãnh đạo huyện Tư Nghĩa - nơi có bãi rác Nghĩa Kỳ - phải thực hiện ngay sự chỉ đạo của tỉnh, bất luận lý do gì! Vậy là ngòi nổ cho bãi rác này đã được tháo sau không biết bao cuộc “đối thoại với dân”, không biết bao nhiêu lời hứa từ nhà đầu tư xây dựng bãi rác là “sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm nhất”.
Cách TP Quảng Ngãi chừng 10 km về phía Tây, bãi rác Nghĩa Kỳ rộng trên 13 héc-ta này (gồm 5,5 héc-ta từ năm 1996 và 7,5 héc-ta từ Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Quảng Ngãi) đã trở nên chật chội sau gần 30 năm tách tỉnh; vả lại, cách xử lý bằng chôn lấp đã không còn phù hợp nữa nên tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Miền Bắc là doanh nghiệp được chọn lựa cho dự án này. Một nhà máy xử lý rác hiện đại, quy mô 11 héc-ta, công suất 250 tấn rác/ngày, tổng kinh phí 300 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2016 và theo kế hoạch thì sẽ đưa vào sử dụng tháng 8/2017.
Tuy nhiên, sau nhiều lần trễ hẹn với đủ các lý do, nhà máy vẫn chưa thể hoàn thành được mà rác thì cứ ùn ùn đổ về mỗi ngày hàng trăm tấn! Đấy chính là lý do để hàng chục hộ dân quanh bãi rác “đắp lũy xây tường”, kiên quyết không cho xe vào bãi rác nữa.
Chỉ trong vòng một tuần, thành phố Quảng Ngãi và các thị trấn lân cận như ngập trong rác. Trước nguy cơ dịch bệnh sắp bủa xuống đầu dân, tỉnh Quảng Ngãi quyết định “mở đường máu”, biến Đồng Nà - một cánh đồng thuộc xã Tịnh Thiện nằm ở phía Đông TP Quảng Ngãi làm chỗ “phủi nóng” tạm thời. Tuy nhiên, một số cư dân ở các thị trấn lân cận đã biến các dòng sông, kênh mương trong khu vực thành nơi đổ rác.
Nhìn đâu cũng thấy rác, đi đâu cũng gặp mùi hôi từ rác là điều mà suốt hai năm qua, người dân thành phố Quảng Ngãi phải gánh chịu. Tựu trung cũng vì các nhà quản lý không tiên liệu hết những phức tạp một khi nhà máy xử lý rác không hoàn thành đúng tiến độ.
Nhiều người cứ nghĩ, cứ dùng biện pháp mạnh là “cưỡng chế” hoặc đe dọa những ai “chống người thi hành công vụ” là có thể giải quyết được những điểm nghẽn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng, chính quyền chỉ có thể tìm được sự đồng thuận từ người dân một khi các quyền lợi của họ phải được bảo đảm.
Câu chuyện xử lý ở bãi rác Nghĩa Kỳ suốt 2 năm qua là một kinh nghiệm cần được ghi tạc mỗi khi chính quyền “đối đầu” với dân để giải quyết khủng hoảng.