Cuộc sống của bà con rất khổ!
Bãi rác của thị trấn Lang Chánh được quy hoạch với diện tích 3ha, đặt trên địa bàn thôn Nê Cắm, xã Đồng Lương. Huyện Lang Chánh đã giao cho Công ty cổ phân xây dựng và tự động hóa Đức Anh (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa) quản lý. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến nhiều hộ dân sống ở khu vực này bị ảnh hưởng.
Theo chị Lê Thị Tú, ở thôn Nê Cắm, xã Đồng Lương, bãi rác này đã gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Những ngày trời mưa, nước từ bãi rác tràn ra ngoài. Ruồi nhặng bay tứ tung. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những ngày nắng, mùi hôi thối cùng lũ ruồi “tấn công” nhà dân.
“Cuộc sống của bà con ở xung quanh bãi rác rất khổ. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm bởi bãi rác này. Người ta đổ rác tùy tiện, tràn lan, lấp cả lối đi. Bà con chúng tôi chỉ mong muốn chính quyền địa phương cho di dời bãi rác này đi chỗ khác. Nếu không di dời được, thì cũng phải quy hoạch như thế nào cho khỏi vương vãi rác tràn lan ra ngoài. Nước thải từ bãi rác tràn ra, gây ô nhiễm môi trường quá”, chị Tú nói.
Còn anh Phạm Văn Tú cũng ở thôn Nê Cắm (xã Đồng Lương), cho hay, bãi rác của thị trấn Lang Chánh đang “hành” người dân sống ở xung quanh. “Bất tiện lắm. Mùi hôi thối khủng khiếp, nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm. Trời nắng đã đành, còn khi mưa xuống thì nước từ bãi rác này chảy tràn lan ra ngoài.
Cây cối cũng chết vì nước thải từ bãi rác. Trong khi đó, người ta chở rác đến đổ không theo quy định, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi đề nghị cấp trên cần xử lý tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này. Đề nghị người quản lý bãi rác không cho xe vào đổ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Nhiều lúc, bà con muốn vào đồi luồng của gia đình, cũng không có lối mà đi”, anh Tú đề nghị.
Loay hoay xử lý
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết bãi rác này có diện tích khoảng 3 ha. Nó được quy hoạch và thiết kế theo hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, do tình trạng quá tải, nên huyện đang mở rộng thêm.
“Trước đây, huyện giao cho UBND thị trấn quản lý. Sau đó, UBND thị trấn ký hợp đồng với Công ty cổ phân xây dựng và tự động hóa Đức Anh, quản lý, vận hành. Cũng do bãi rác đã quá tải, nên huyện tiếp tục mở rộng thêm vài nghìn mét vuông nữa để xử lý tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư, mở rộng và xử lý ô nhiễm môi trường rất hạn hẹp. Vì thế, huyện cũng chưa thể giải quyết ngay được, mà đang phải tìm nguồn vốn”, ông Hồng nói.
Ông Phạm Khánh Đạt – Chủ tịch UBND xã Đồng Lương, cho biết: “Bãi rác của thị trấn Lang Chánh đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều lần, chính quyền địa phương cũng đã báo cáo, đề nghị lên cấp trên tại các cuộc tiếp xúc cử tri về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chúng tôi nắm được thông tin, thì huyện đang lập phương án mở rộng diện tích bãi rác, để xử lý tình trạng ô nhiễm. Rất mong cấp trên quan tâm giải quyết, để các hộ dân ở khu vực lân cận bãi rác không bị ảnh hưởng đến cuộc sống”.
Ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho hay: “Bãi rác thị trấn Lang Chánh nằm ở vị trí giống như một lòng chảo. Xung quanh là đồi núi, rừng luồng của người dân. Trong khi đó, thiết kế của bãi rác này là chôn lấp, chứ không phải sử dụng công nghệ đốt. Vì thế, qua từng năm, lượng rác thải đổ về ngày càng nhiều, chôn lấp không xuể dẫn đến ô nhiễm. Khi trời mưa, nước xung quanh đồi núi, rừng luồng dồn xuống “chảo rác”, đọng lại rồi tràn ra, gây ô nhiễm môi trường. Vừa qua, UBND huyện cũng đã đề nghị tỉnh cho phép mở rộng quy hoạch bãi rác, để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Theo ông Nguyễn Viết Thắng - Trưởng phòng TN&MT Lang Chánh, có một số ý kiến cho rằng, nước thải từ khu vực bãi rác ảnh hưởng đến nguồn nước trong khu dân cư. Nhưng thực tế khi quy hoạch, huyện cũng đã tính toán đến cự ly, khoảng cách nguồn nước ngầm cách khu dân cư theo quy định. Tuy nhiên, do bãi rác hiện nay quá tải, nên khi có mưa to, nước ngập qua hệ thống hồ chứa nước thải, chảy ra ngoài. Do địa hình đồi dốc, có khe, suối nên chưa thể xử lý triệt để được.