Tháo gỡ bất cập

GD&TĐ - Có nhiều lý do khiến học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí chưa đến tay sinh viên sư phạm...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116).

Đây là sự chuyển biến lớn trong việc biến chủ trương của Đảng thành chính sách cụ thể, là sự đầu tư không nhỏ của Nhà nước đối với ngành sư phạm.

Nhờ chính sách đặc biệt này, trong hai năm qua, tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm đã có chuyển biến tích cực về chất lượng. Mùa tuyển sinh năm 2022, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm còn cao hơn cả y dược, thậm chí vượt ngành y đa khoa ở các trường đại học nổi tiếng. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất là 28,5 và hai ngành có cùng mức điểm này là Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn (khối C).

Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn Sư phạm Toán là 27,33, Sư phạm Hóa 26,28, Sư phạm Ngữ văn 26,81, Sư phạm Lịch sử 26,50… Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Ngữ văn 28,25; Sư phạm Toán 27. Khoa Sư phạm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai ngành Giáo dục Mầm non và ngành Giáo dục Tiểu học cũng có điểm chuẩn cao nhất tại đây.

Một chính sách tốt cho ngành, thu hút thí sinh theo học là khởi đầu tốt đẹp của quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo. Bởi điểm chuẩn sư phạm cao là cơ hội tốt cho ngành Giáo dục để chọn được những thí sinh có chất lượng. Sàng lọc đầu vào tốt sẽ là một trong những yếu tố khiến đầu ra tốt hơn.

Có tác động thu hút thí sinh rất lớn, thế nhưng gần 2 năm nay, Nghị định 116 trong quá trình triển khai ở nhiều trường đại học đào tạo ngành sư phạm vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó, nổi bật là tình trạng sinh viên lên tiếng “cầu cứu” vì chậm nhận được tiền hỗ trợ, thậm chí nhiều nơi người học còn phải ứng nộp học phí.

Trên thực tế, đã có một số địa phương, trường đại học chi trả cho sinh viên sư phạm. Chẳng hạn Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện giải ngân từ tháng 6/2022. Theo đó Trường Đại học Hoa Lư đã chi trả số tiền trên 16,5 tỷ đồng hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong 3 tháng cuối năm 2021 và 10 tháng của năm 2022 cho 354 sinh viên sư phạm. Đây là số sinh viên của khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022, được đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ và theo nhu cầu xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Bình trong tháng 9/2022 cũng đã chuyển tiền cho Trường ĐH Quảng Bình làm thủ tục chi trả cho sinh viên…

Tuy vậy hiện vẫn còn nhiều nơi sinh viên sư phạm dài cổ chờ đợi và... vẫn chưa biết chờ đến lúc nào, nhất là nhóm sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội có cam kết làm việc trong ngành Giáo dục. Từng kỳ vọng vào việc miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí để hoàn thành giấc mơ đèn sách, vì chậm trễ chi trả, không ít sinh viên rơi vào cảnh khó khăn khi phải xoay xở đủ cách để theo học. Lãnh đạo nhiều trường đứng trước cảnh này cũng vô cùng bối rối, bởi ai cũng muốn chi cho trò, nhưng nhà trường chỉ là đơn vị thực thi, phải chờ kinh phí từ địa phương.

Có nhiều lý do khiến học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí chưa đến tay sinh viên sư phạm, trong đó nổi bật là những vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt những quy định liên quan đến kinh tế, tài chính như cơ chế giá, đấu thầu... Hiện trong phạm vi xoay xở từ các nguồn quỹ của đơn vị, một số trường đã tạm ứng trước, một số nhanh chóng thống kê danh sách sinh viên của từng địa phương, gõ cửa chính quyền đặt hàng đào tạo, để nhanh chóng có kinh phí rót về.

Sự nỗ lực của các trường rất đáng ghi nhận, nhưng quan trọng nhất vẫn là cần sớm điều chỉnh những bất cập về cơ chế, chính sách. Cùng với đó là sự quan tâm, linh hoạt của từng địa phương có nhu cầu giáo viên trong việc đặt hàng đào tạo, đấu thầu. Đừng để sự chậm trễ hỗ trợ làm giảm sức hút của một chính sách thu hút rất có lợi cho sự nghiệp xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ