Các trường đại học tăng học phí: Chính sách hỗ trợ, học bổng có tăng?

GD&TĐ - Sau hai năm giữ ổn định mức học phí, hoặc tăng nhẹ vì dịch Covid-19, năm học 2022 -2023 học phí các trường đại học dự kiến sẽ tăng mạnh.

 Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nộp học phí.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nộp học phí.

Việc các trường dự kiến mức tăng học phí khiến không ít phụ huynh, sinh viên lo lắng khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn khá nặng nề.

Tăng theo lộ trình

Việc tăng học phí đồng loạt của các trường đại học trong năm học 2022 - 2023 xuất phát từ Nghị định 81/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo quy định, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Theo đó, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng).

Mức tăng mạnh đến từ khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).

Còn với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.

Đơn cử, năm học 2022 - 2023, học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ điều chỉnh tăng lên ở mức 44,368 triệu đồng đồng/năm với nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt; và 41 triệu đồng ở nhóm ngành đào tạo còn lại. So với mức học phí cũ 14.300.000 đồng/năm, mức học phí mới tăng gấp 3 lần.

Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức học phí nhóm ngành y, dược dự kiến cũng tăng. Cụ thể, học phí ngành Răng Hàm Mặt chương trình tiếng Việt năm 2022 là 105 triệu đồng/học kỳ (mức cũ là 91 triệu đồng/học kỳ). Với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí tăng từ 110 triệu đồng/học kỳ lên mức 125 triệu đồng/học kỳ.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, học phí chương trình chuẩn năm học 2022 - 2023 là 785.000 đồng/tín chỉ (24,8 triệu đồng/năm), năm học 2023 - 2024 là 863.500 đồng/tín chỉ (27,2 triệu đồng/năm) và năm học 2024 - 2025 là 950.000 đồng/tín chỉ (29,9 triệu đồng/năm). Mức tăng hàng năm dao động dưới 10% theo quy định.

Năm học 2022 - 2023, cũng là năm đầu tiên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM thực hiện mức học phí mới theo cơ chế tự chủ. Theo đó mức học phí từ 16 - 60 triệu đồng/năm cho hệ đại trà và chất lượng cao.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Nhiều chính sách hỗ trợ song hành

Việc tăng học phí của các trường sau 2 năm thực hiện hàng loạt chính sách ổn định học phí, tăng cường chính sách hỗ trợ cho sinh viên ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia tăng quỹ học bổng… theo nhiều cán bộ quản lý các trường là buộc phải làm nếu không muốn đối mặt bài toán lạm chi.

Và để giảm áp lực học phí cho sinh viên khó khăn, các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động mới. Với mức học phí mới, các trường đều tính toán giải pháp, nguồn quỹ để hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính. Đơn cử như ĐHQG TPHCM ngoài quỹ tín dụng vay vốn học tập lãi suất 0%, đơn vị còn có nguồn lực lớn hỗ trợ từ doanh nghiệp như học bổng tài năng, học bổng doanh nghiệp…

“Để hỗ trợ sinh viên, trong năm học 2022 -2023, sinh viên thuộc 6 ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn (triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học) được ĐHQG TPHCM hỗ trợ 35% học phí. Học phí nhóm ngành ngôn ngữ như Ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha và Nga cũng được hỗ trợ 35%. Do đó, mức học phí theo quy định là từ 19,2 - 24 triệu đồng/năm học sẽ giảm xuống còn 15 - 19,2 triệu đồng/năm” - Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH KHXH&NV cho biết.

Nhìn nhận việc tăng học phí của các trường khi thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ là việc tất yếu. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - cho rằng: Tăng học phí giúp các trường bảo đảm điều kiện gia tăng chất lượng và xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo.

“Học phí tăng nhưng vẫn nằm trong khung quy định hàng năm của Bộ GD&ĐT thì không có gì bàn cãi, nhằm bù đắp cho chi phí trượt giá và đầu tư. Nhà trường có thêm nguồn lực để gia tăng quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài và giúp đỡ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn” - ThS Sơn nói.

Ngoài Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cũng có 3 trường thành viên đang thu học phí theo cơ chế tự chủ. Mức học phí vì thế cũng tăng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, hệ đại trà thu 18,5 - 20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 9,8 triệu đồng), hệ chất lượng cao từ 29,8 - 46,3 triệu đồng/năm, chương trình liên kết khoảng 39 triệu đồng/học kỳ. Trường Đại học Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Còn lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng). Trường Đại học Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25 - 45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.