Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ để Nghị định 105 đi vào cuộc sống

GD&TĐ - Các địa phương đã kịp thời ban hành chính sách, đưa ra các nghị quyết để Nghị định 105/2020/NĐ-CP đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non Cù Thị Thủy phát biểu.
Phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non Cù Thị Thủy phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết: Qua 2 năm Nghị định 105/2020/NĐ-CP với các chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đã đem lại kết quả hết sức tích cực. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường, các cơ sở GDMN được hỗ trợ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ, GV mầm non ngoài công lập ở các địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ. Nghị định thể hiện tính nhân văn hơn nữa khi chính sách ban hành đã trợ giúp cho nhiều cơ sở GDMN và giáo viên vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19.

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN) Cù Thị Thủy cho biết, các địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Tại một số địa phương, tổng quỹ đất được quy hoạch cho toàn ngành giáo dục đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập trường, dồn điểm trường, đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các dự án chất lượng cao thuộc lĩnh vực giáo dục được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục để thúc đẩy phát triển GDMN ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, hỗ trợ tín dụng, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở GDMN.

Chính sách đầu tư là động lực để cho các cơ sở GDMN độc lập tư thục phát triển.

Chính sách đầu tư là động lực để cho các cơ sở GDMN độc lập tư thục phát triển.

Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN ở khu chế xuất (KCN), khu công nghiệp (KCX) đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động được quan tâm, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn KCN; một số doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, gắn với khu nhà ở tại các KCN, KCX phục vụ con công nhân lao động.

Trên cơ sở Nghị quyết HĐND cấp tỉnh, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn cơ sở GDMN triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ và phân cấp quản lý. Quy định này đã giúp các cơ sở GDMN công lập huy động sự đóng góp của phụ huynh để hỗ trợ một số công việc phục vụ trực tiếp trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN theo nhu cầu của phụ huynh bảo đảm công khai, minh bạch.

Kịp thời ban hành chính sách

Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy cho biết: Tiếp nối việc thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở GDMN thực hiện đúng, đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ. Tính đến hết năm học 2021-2022, theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố, có 995.821 lượt trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.

Nghị định 105/2020/NĐ-CP đã hỗ đem lại kết quả hết sức tích cực, góp phần phát triển GDMN.

Nghị định 105/2020/NĐ-CP đã hỗ đem lại kết quả hết sức tích cực, góp phần phát triển GDMN.

Số trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ đa số học tại các cơ sở GDMN công lập ở địa bàn thôn, xã đặc biệt khó khăn (chiếm hơn 69%) và trẻ là con hộ nghèo, cận nghèo (chiếm hơn 20%). Chính sách đã góp phần giúp trẻ mầm non có bữa ăn trưa tại trường, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tạo tiền đề tốt cho trẻ bước vào lớp 1 và góp phần tổ chức tốt công tác bán trú tại cơ sở GDMN.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 40 tỉnh đã ban hành chính sách, có khoảng hơn 86.000 trẻ em thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Số tiền mà các địa phương đã chi trả khoảng 600 tỷ đồng. Trong điều kiện các sơ sở GDMN công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân, kinh phí hỗ trợ giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở GDMN ngoài công lập bảo đảm chất lượng cũng như các điều kiện về an toàn đối với trẻ.

Tính đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 28.837 giáo viên (GV) được hưởng chính sách đối với GVMN dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tổng kinh phí đã thực hiện gần 561 tỷ đồng; trong đó số GVMN dạy lớp ghép 2 -3 tuổi là 9.578 người, GV dạy lớp ghép 3 độ tuổi trở lên là 7.478 cả hai đối tượng này chiếm 65.1% so với toàn quốc; Số GVMN dạy tăng cường Tiếng Việt là 12.718.

Nhiều cơ sở GDMN đã huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và các ban ngành, đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, hỗ trợ ngày công nấu ăn... để nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ tại trường. Chính sách này đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển GDMN nói chung cũng như trẻ em vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chính sách với giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định, HĐND tỉnh ban hành mức hỗ trợ tối thiểu đối với GVMN làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN có chăm sóc từ 30% trở lên trẻ là con công nhân, mức hỗ trợ tối thiểu là 800.000 đ/người/tháng. Đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, trong đó 38 tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ bằng mức quy định tại Nghị định, 2 thành phố là Hà Nội và Hải Phòng có mức hỗ trợ cao hơn. - Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ