Thanh niên gọi vốn khởi nghiệp: Thành công chưa nhiều

GD&TĐ - T.Ư Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục triển khai nguồn vốn, thúc đẩy địa phương tham mưu xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Khởi nghiệp là vấn đề được nhiều thanh niên quan tâm hiện nay và coi là một nghề để bắt đầu cuộc sống mới. Ảnh: Ngọc Trang
Khởi nghiệp là vấn đề được nhiều thanh niên quan tâm hiện nay và coi là một nghề để bắt đầu cuộc sống mới. Ảnh: Ngọc Trang

Tuy nhiên chưa có nhiều cuộc gọi vốn, thiếu kết nối đến các nhà đầu tư cho các bạn trẻ.

Lưu ý cho thanh niên khởi nghiệp

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mô hình Làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng thí điểm từ 2001 - 2020, sau đó phát triển tiếp ở biên giới. Về cơ bản, những làng này đã tạo ra công ăn việc làm, giữ vững được an ninh trật tự, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia ở một số khu vực biên giới. Tuy nhiên, các làng đều trong những vùng sâu, vùng xa khó khăn về giao thông, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làm ra. Có hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều thanh niên bỏ làng đi khi hết hỗ trợ ban đầu.

“Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ phối hợp cùng các đoàn cơ sở, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp bàn giao công nghệ, đầu tư. Củng cố lại cơ sở vật chất tại địa phương để duy trì dân sinh. Xây dựng các khu vui chơi học tập cho trẻ em. Xây dựng lại đường xá, cơ sở giao thông hạ tầng và triển khai các mô hình sinh kế đến từng hộ gia đình”, Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Về hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, không có gì thuận lợi dễ dàng cả, nhất là khởi nghiệp. Phải có khó khăn, thất bại thì “hoa thơm trái ngọt” mới có giá trị. Nếu cái gì cũng thuận lợi, cũng thẳng băng băng, được hỗ trợ hết thì lúc đó đâu cần tinh thần người khởi nghiệp.

T.Ư Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai nguồn vốn 120 (nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) để thúc đẩy địa phương tham mưu xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhưng thanh niên khởi nghiệp cần có dự án thuyết phục.

Về vấn đề hỗ trợ nguồn vốn, trang bị kiến thức khởi nghiệp, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay thanh niên khởi nghiệp có 4 nguồn vốn cơ bản. Vốn thông qua tín dụng chính sách. Tuy nhiên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các bạn thanh niên nông thôn. Nguồn này vay vốn chỉ lên tới 1 tỷ đồng không cần thế chấp. Vốn đến từ các quỹ thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa có nhiều cuộc gọi vốn, chưa có kết nối đến các nhà đầu tư cho các bạn trẻ.

Vốn đến từ các chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn đến từ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số. Hoặc vốn từ Ủy ban của các địa phương ủy thác vào quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Đến nay 28 tỉnh/thành phố đã có vốn ủy thác vào quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo cơ chế về mặt nguồn vốn cho các bạn thanh niên.

Thúc đẩy khởi nghiệp từ nhà trường

Chính phủ có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho người trẻ vận dụng trí tuệ làm giàu bản thân, tạo công ăn việc làm và làm giàu cho xã hội. Đó là cơ hội để người trẻ thử sức với khởi nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế tốt mà không có tiềm lực thực sự thì cũng khó có được thành công.

Hơn nữa, nếu cứ nôn nóng chứng tỏ bản thân hay chỉ dựa vào những cơ chế khuyến khích mà thiếu sự chuẩn bị thì đó chỉ là khởi nghiệp kiểu phong trào. Khi đó, nếu coi chọn nghề là khởi nghiệp thì vẫn có nguy cơ thất nghiệp.

Nhằm triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tạo nền tảng về kiến thức, kỹ năng, giúp HSSV có ý thức gắn việc học tập với thực hành.

Từ việc thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học vào năm 2018, đến nay nhiều đơn vị đã có môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; coi trọng hơn việc kết nối với doanh nghiệp...

Một trong những hoạt động nổi bật là cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” với hơn 600 dự án tham dự cuộc thi cấp toàn quốc năm 2020, tăng 3 lần so với năm 2018. Trong đó, phải kể đến dự án khởi nghiệp Brick One - Hệ sinh thái giáo dục STEM của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ dự án này, hiện nhóm đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu BKTech với quy mô 43 nhân sự (phần lớn là sinh viên).

Đặc biệt, sau cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp”, không ít dự án đã được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, như: Dự án sản xuất thực phẩm chức năng Nano Rutin của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội); dự án MutilGlass: Thiết bị giao tiếp thông minh hỗ trợ người khuyết tật vận động, tài xế lái xe đường dài của sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Startup Nguyễn Đình Tuấn cho rằng: “Khởi nghiệp cũng là một nghề. Thế nhưng, không nhất thiết cứ thất nghiệp hay bế tắc trong công việc thì chọn khởi nghiệp. Điều quan trọng là tìm được con đường mà mình yêu thích, rồi xác định mục tiêu, kiên trì theo đuổi mới có thể thành công. Nếu không đỗ đại học, bạn có thể quyết tâm thi lại. Đối với mình, khi khởi nghiệp không phải là hai bàn tay trắng, mình đã thu thập và ứng dụng được rất nhiều kiến thức ở giảng đường để làm việc. Những kiến thức học được không bao giờ là thừa. Ngoài kiến thức chuyên môn, thì mình cũng được học cách tư duy vấn đề, logic của sự việc. Hay đơn giản hơn là xây dựng các mô hình cơ khí phục vụ cho công việc hiện tại đều được học trong quá trình học đại học. Vì vậy, học sinh, sinh viên hiện nay đều có thể bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu sớm từ những dự án triển khai trong trường học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.