Chad, quốc gia láng giềng với Sudan, đang “oằn mình” tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn, vượt biên để thoát khỏi nguy hiểm từ quê hương.
Những trại tị nạn tạm bợ
Mặt trời xế chiều buông xuống ở khu tị nạn Borota (Chad), khi một cậu bé chưa đầy 3 tuổi nhặt vỏ đạn dưới mặt đất đầy bụi. Trong đôi bàn tay nhỏ xíu của em, tàn tích chiến tranh sáng bóng giống như một món đồ chơi nặng ký.
Gần đó, một nhóm phụ nữ bước ra từ những nơi trú ẩn tạm thời, được dựng từ những mảnh vải vắt ngang các thanh gỗ. Một bài hát vang lên từ xa. Nhịp điệu sinh động của nó trái ngược với khung cảnh bên này nơi trú ẩn, thế giới của những câu chuyện về giết người, chạy trốn và tị nạn.
Ngồi trong một trại tị nạn ở Borota, gần biên giới giữa Sudan và Chad, Bornon Khamis Haroun nhớ lại những ký ức tốt đẹp về một ngôi nhà xinh xắn, những tấm thảm được lau chùi sạch sẽ cùng một chiếc giường êm ái. Chỉ sau một đêm, đất nước Sudan của cô biến thành vùng chiến sự, buộc người phụ nữ 25 tuổi và gia đình phải chạy sang Chad.
Chỉ hơn một tháng sau khi giao tranh ác liệt nổ ra khắp Sudan, chị Haroun cùng 5 người con rời quê hương Kanga Haraza, ngôi làng ở phía Tây bang Tây Darfur. Họ đi bộ ròng rã 2 ngày để sang Chad mà không mang gì ngoài bộ quần áo trên người.
Gia đình họ trú ẩn trong khu trại ở Borota, ngôi làng nằm ở miền Đông Chad. Thời tiết những ngày này khô cằn, nóng bức, khác xa với cuộc sống trước đây của gia đình Haroun. Họ dựng tạm một chiếc lều phủ bằng những tấm vải mỏng manh, vá chằng vá đụp. 6 mẹ con họ không biết phải làm gì khi chồng, cha họ, đã chết trong chiến sự.
Cũng trú ẩn ở Borota, chị Zara Khan Umar, 40 tuổi, người tị nạn từ Tây Darfur kể: “Khi màn đêm buông xuống, chúng đến và giết chóc. Bất kỳ người đàn ông nào chúng gặp trên đường đều không thoát khỏi lưỡi hái tử thần”.
Tuần trước, hàng xóm của Zara thông báo rằng một trong 5 đứa con của chị đã bị thương. Con đang ở đâu, còn sống hay đã chết, Zara vẫn không hề hay biết. Hàng ngày, ngồi trong các lán tị nạn tạm bợ, người phụ nữ lại đau đáu câu hỏi về con trai.
Cách đó vài mét, chị Salma Hisen Hasan không còn tự hỏi như vậy nữa. Một ngày trước, chị nhận được tin chồng mình bị bắn chết ở el-Geneina, thủ phủ của bang Tây Darfur. “Tôi thức dậy 3 lần trong đêm. Tôi quay đầu hết từ bên trái sang bên phải để tìm anh ấy”, người phụ nữ 35 tuổi nói.
Haroun, Zara hay Hasan chỉ là ba trong số hơn 90 nghìn người tị nạn đi bộ sang Chad để thoát khỏi cuộc nội chiến đang bao trùm Sudan trong những ngày gần đây.
Từ giữa tháng 4, cuộc nội chiến bùng phát giữa lực lượng của Tướng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan - Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp - và bên đối đấu là Tướng Hemedti - lãnh đạo lực lượng bán quân sự RSF, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp.
Dù trọng tâm cuộc chiến nằm ở thủ đô Khartoum nhưng các cuộc giao tranh đã lan rộng sang các thành phố khác trên cả nước.
Nguy hiểm rình rập
Hầu hết người tị nạn Sudan đến Chad là phụ nữ và trẻ em |
Các trại tị nạn, được xây dựng vội vàng chỉ cách biên giới Sudan - Chad khoảng 5km, là nơi sinh sống của khoảng 25 nghìn người. Phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
Hầu hết họ đã trốn khỏi bang Tây Darfur trong hai tuần đầu tháng 5 sau khi chính quyền địa phương quyết định “bỏ rơi” khu vực này. Khi không có lực lượng an ninh, các nhóm vũ trang đã xông vào thị trấn, cướp phá các ngôi làng và giết hại người dân, chủ yếu là nam giới.
Những thông tin trên được Al Jazeera thu thập qua những tín hiệu Internet kết nối chập chờn trong khu vực tị nạn. Tuy nhiên, ở nhiều trại khác, người tị nạn Sudan cũng miêu tả tương tự về bối cảnh của Tây Darfur, nơi thường dân bị giết hại vô tội vạ, các bệnh viện bị lục soát, còn các khu dân cư bị đốt cháy.
Một số người dân Tây Darfur đã đứng lên chống lại các nhóm vũ trang song lực lượng này đông hơn, vũ khí mạnh hơn. Hầu hết người dân đã bỏ mạng khi cố gắng bảo vệ mảnh đất quê hương. Vì vậy, khi cuộc giao tranh kéo dài, làn sóng tị nạn nhỏ nhưng ồ ạt tràn từ Tây Darfur vào Borota. Mỗi người mang theo một tin tức đau lòng về tình hình ở quê nhà.
Tây Darfur từ lâu đã là nơi giao tranh giữa các cộng đồng người Arab và người gốc Phi, chẳng hạn như bộ lạc Masalit. Trong những cuộc bạo lực trước đây, người dân Tây Darfur thường chạy trốn đến các khu vực an toàn hơn, nằm cách làng của họ không quá xa cho đến khi các bên tham chiến đạt được thỏa thuận hòa giải.
Tuy nhiên, lần này mọi chuyện đã khác đi. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới và Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cảnh báo thời gian và sự tàn khốc của chiến tranh sẽ khiến những người tị nạn ở Tây Darfur vĩnh viễn rời khỏi khu vực này, thậm chí là vượt biên, để tìm nơi trú ẩn mới.
Bất chấp điều kiện khắc nghiệt, nhiều người nói rằng họ sẽ không trở lại Sudan chừng nào không có hòa bình. Chị Sadie Idja, bà mẹ ba con, nói: “Mong ước duy nhất của tôi là họ giúp chúng tôi định cư lâu dài ở đây. Những gì đang xảy ra thật kinh khủng”.
Tương tự, chị Kadija Arbab Bilal, bà mẹ 2 con, 25 tuổi, đang sống tị nạn trong trại ở Chad, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không trở lại đó. Chúng tôi sẽ ở lại đây”.
Gánh nặng từ dòng người tị nạn
Người tị nạn Sudan đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, nước uống tại biên giới Chad. |
Khi cuộc giao tranh tại Sudan khởi nguồn từ tháng 4, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 30 nghìn người Sudan sẽ vượt biên, làm gia tăng số lượng người tị nạn của nước này tại các nước láng giềng. Nhưng thực tế, số người tị nạn Sudan đến Chad đã tăng gấp 3 lần so với dự đoán của UNHCR, lên mức 90 nghìn người.
Chính phủ Chad đang nỗ lực tìm kiếm các địa điểm mới và xây dựng trại tị nạn bổ sung nhằm đáp ứng con số khổng lồ trên. Các nhóm viện trợ đang tăng cường di chuyển người tị nạn ra khỏi biên giới nhằm hoàn thành việc di dời các trại hiện nay trước mùa mưa vào cuối tháng 6. Đến lúc đó, các lòng sông khô cạn sẽ chứa đầy nước khiến việc tiếp cận những người tị nạn gần biên giới gặp khó khăn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phải làm gì nếu xung đột vẫn tiếp diễn và hàng nghìn người dân Sudan sẽ tìm cách vượt biên. Một mối bận tâm khác là vấn đề an ninh. Cuộc giao tranh giữa các nhóm vũ trang Arab và bộ lạc Masalit đang diễn ra quá gần biên giới Sudan - Chad và có nguy cơ lan rộng. Tuần trước, một tên lửa đã rơi xuống Koufroun, khu định cư tị nạn chứa khoảng 9.000 người Sudan.
Sau đó là vấn đề cung cấp thức ăn, nước uống cho những người tị nạn, vốn chạy trốn khỏi nhà mà không thể mang theo thứ gì. Một số người sống sót nhờ nguồn thức ăn hạn chế mà họ mang theo khi chạy trốn. Số khác trông cậy vào các đợt quyên góp của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) với các giỏ thực phẩm như gạo, đậu, dầu và muối.
Nhưng nhiều người không nhận được bất cứ thứ gì và phải nhờ cậy những người xung quanh chia sẻ dù lương thực vốn khan hiếm. Ngoài ra, gần 70% người tị nạn Sudan ở Chad là trẻ em. Không được tiếp cận với môi trường học tập an toàn, bọn trẻ phải đối mặt với các nguy cơ như tảo hôn, bạo lực tình dục, bóc lột, đói kém, bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang và bị tấn công.
Khả năng hỗ trợ hạn chế
Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi hỗ trợ nguồn lực cho Chad để tiếp nhận người tị nạn từ Sudan. |
Từ khi cuộc giao tranh tại Sudan xảy ra, WFP và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đã nhận được rất ít tài trợ để giúp đỡ hơn 600.000 người tị nạn Sudan tại Chad. Hiện nay, WFP cho biết cần hơn 180 triệu USD trong 6 tháng tới để duy trì viện trợ.
Bản thân Chad cũng đang “oằn mình” cưu mang 400 nghìn người tị nạn Sudan từ trước và trong cuộc xung đột mới nhất. Nguồn ngân sách và nguồn nhân lực eo hẹp khiến việc hỗ trợ và di dời người tị nạn gặp nhiều khó khăn. Chad cũng là quốc gia nghèo có những thách thức về an ninh.
Theo UNHCR, Ai Cập là quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn Sudan nhất từ cuộc xung đột hiện nay với ước tính 150.000 người đang nương tựa ở đây. Nhưng tình hình tại Chad mới là đặc biệt lo ngại do hạn chế trong việc cung cấp cho người tị nạn chỗ ở, thực phẩm hay các dịch vụ nhân đạo khác.
Báo cáo từ khu vực biên giới Sudan - Chad mô tả các điều kiện khắc nghiệt và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng. Do nguồn lực hạn chế và thiếu nhà ở, nhiều người tị nạn Sudan đang trú ẩn ngoài trời, đôi khi dưới gốc cây và trong các công trình tạm bợ, nơi họ tiếp xúc với các yếu tố thời tiết.
Ngay cả trước khi tiếp nhận làn sóng người tị nạn Sudan mới nhất này, Chad đã phải vật lộn vì là một trong những nơi có mức độ đói cao nhất thế giới. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), khu vực Sahel, bao gồm Chad, đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng đói nghiêm trọng nhất trên thế giới. Tính đến tháng 3/2023, khoảng 13 triệu người trên khắp khu vực phải trải qua nạn đói lớn nhất từ trước đến nay.
Riêng tại Chad, nạn đói sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 1,9 triệu người vào tháng 6 trong bối cảnh bạo lực tiếp tục tiếp diễn, khí hậu khắc nghiệt và sản xuất nông nghiệp giảm sút. Cuộc chiến từ phía Sudan cũng khiến giá lương thực tăng vọt, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực tại nước này.
Đầu tháng 5 vừa qua, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã gửi máy bay tiếp tế thực phẩm đến biên giới Sudan - Chad để giúp đỡ những người tị nạn. Tương tự Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Sudan và các quốc gia giúp đỡ những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ông Aleksandra Roulet-Cimpric, Giám đốc Ủy ban Cứu hộ quốc tế tại Chad, thừa nhận: “Chúng tôi có rất nhiều mối quan tâm và không có nhiều giải pháp”.