Nỗ lực hỗ trợ người tị nạn theo đuổi học tập

GD&TĐ - Trước khi chạy trốn khỏi Afghanistan, Bilal Seddiqqi đang theo học năm cuối ngành y.

Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Nhân dân (UoPeople) ở Mỹ.
Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Nhân dân (UoPeople) ở Mỹ.

Giờ thì cậu tìm cách hợp thức hóa tấm bằng chưa hoàn thành của mình để có thể học lên cao tại Mỹ.

Nói qua điện thoại từ bang California, chàng trai trẻ Afghanistan kể lại rằng chỉ còn vài tháng nữa là cậu hoàn thành việc học thì Taliban tràn vào Kabul. Seddiqqi phải chạy trốn vì những mối đe dọa đối với gia đình do có liên hệ với chính phủ và xã hội dân sự.

Thực ra, không riêng gì Seddiqqi mà có hàng nghìn người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới cũng đang nhọc nhằn theo đuổi giáo dục đại học ở các nước sở tại, đặc biệt là ở phương Tây. Để tìm cách giải quyết vấn đề mà nhiều người tị nạn như Seddiqqi gặp phải, Hội nghị Mạng lưới giáo dục người tị nạn và di cư quốc tế tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rome, Italy đã được tổ chức. Tại đây, các nhà quản lý trường đại học, giảng viên, nhà giáo dục, cũng như lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, cơ quan quốc tế và nhân đạo đã cùng nhau tìm giải pháp giúp người tị nạn và di cư trong giáo dục.

Không dưới 100 triệu người tị nạn

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết có không dưới 100 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa trên toàn cầu. Nguyên nhân hàng đầu của vấn đề này là tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới, khủng hoảng khí hậu, chiến tranh ở Ukraine và các trường hợp khẩn cấp khác.

Theo báo cáo Xu hướng toàn cầu hàng năm của UNHCR, đến cuối năm 2021, số người phải di dời do chiến tranh, bạo lực, ngược đãi và vi phạm nhân quyền là 89,3 triệu. Các tác giả của báo cáo cho biết, con số này đã tăng 8% so với năm 2020 và cao hơn gấp đôi so với con số của 10 năm trước.

Đa số những người tị nạn có quê hương là Afghanistan. Họ đến những nơi như các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia và phải gặp thêm những khó khăn như rào cản văn hóa, chi phí sinh hoạt cao và các vấn đề quan liêu.

Maryam Barek là một phụ nữ tị nạn Afghanistan đang học bằng học bổng được tài trợ ở Italy. Cô cho biết đối với nhiều người tị nạn, việc học một ngôn ngữ mới và kiếm kế sinh nhai khá khó khăn nếu không được miễn học phí hoặc có các phương tiện hỗ trợ tài chính khác. Theo Barek, chính phủ và người dân các nước sở tại đang đối xử tốt với những người tị nạn, nhưng nhiều sinh viên Afghanistan đang gặp trở ngại vì phải kiếm tiền giúp gia đình đang mắc kẹt hoặc gặp khó khăn ở Afghanistan.

Tiến sĩ Abdul Sami, người đứng đầu Hiệp hội Cựu sinh viên Afghanistan tại Australia, nói rằng, tình hình hỗn loạn ở Afghanistan ảnh hưởng đến sinh viên nước này theo hai cách: Mất học bổng quốc tế cho các nghiên cứu ở nước ngoài và bị chế độ hà khắc trong nước hạn chế giáo dục. Cũng theo ông Sami, việc xin hộ chiếu ở Afghanistan trở nên phức tạp và nguy hiểm. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ sinh viên Afghanistan đủ điều kiện nhận học bổng dùng quyền của họ để du học thông qua những cách thức mới và thuận tiện.

Đối với người tị nạn từ các nơi khác trên thế giới đang tìm cách xây dựng lại cuộc sống, theo đuổi con đường học tập và tạo dựng sự nghiệp mới, ông Sami nhấn mạnh, sinh viên trong số đó không nên bị hạn chế bởi những ngành học do các tổ chức hoặc nhà tài trợ chủ nhà đưa ra mà họ nên được phép tự do lựa chọn.

Sinh viên tị nạn cần được hỗ trợ để bảo đảm việc học tập. Ảnh: IT

Sinh viên tị nạn cần được hỗ trợ để bảo đảm việc học tập. Ảnh: IT

Sáng kiến cho mục tiêu “15by30”

Trọng tâm của hội nghị giáo dục ở Rome là “Giáo dục cho người tị nạn 2030”. Đây là chiến lược giáo dục năm 2019 của UNHCR. Điều này nhằm mục đích thúc đẩy điều kiện, quan hệ đối tác, hợp tác và các phương pháp tiếp cận cho phép tất cả người tị nạn, người xin tị nạn, người trở về, người di cư trong nước, trẻ em và thanh, thiếu niên không quốc tịch… tiếp cận với nền giáo dục hòa nhập có chất lượng và công bằng, kể cả ở cấp đại học.

Khẩu hiệu cho chiến lược này là “15by30”, tức là đạt được 15% số người tị nạn theo học giáo dục đại học vào năm 2030. Dựa trên dữ liệu dân số hiện tại, đạt 15% tỷ lệ nhập học vào năm 2030 có nghĩa là khoảng nửa triệu phụ nữ và nam giới tị nạn trẻ tuổi sẽ tham gia vào một cuộc sống học tập phong phú. Đây là sự khác biệt hoàn toàn với gần 90.000 người tị nạn đang tham gia vào giáo dục đại học trên toàn thế giới vào thời điểm hiện tại.

Đại học Nhân dân - một trường đại học phi lợi nhuận và miễn học phí ở Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến để đạt được mục tiêu “15by30”.

Chủ tịch Đại học Nhân dân (UoPeople) Shai Reshef lập luận tại hội nghị rằng nếu mỗi trường đại học trên thế giới tiếp nhận 15 sinh viên tị nạn thì cuộc khủng hoảng giáo dục đại học của người tị nạn sẽ kết thúc. Việc chỉ thông cảm với những người tị nạn và nói về cuộc khủng hoảng là không đủ. Vậy nên, 31.000 trường đại học trên thế giới cần phải vượt lên trên lời nói và hành động để giải quyết vấn đề này.

Ông Shai Reshef cũng cho biết, đội ngũ sinh viên của UoPeople bao gồm hơn 16.500 người tị nạn - nhiều hơn bất kỳ trường đại học nào khác trên thế giới và nhà trường đã cam kết thu nhận 25.000 người tị nạn vào năm 2030.

Trước đó, ông Reshef nói rằng phản ứng với vấn đề người tị nạn là một cách để các cơ sở giáo dục đại học giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn, đồng thời làm phong phú thêm trải nghiệm giáo dục cho tất cả sinh viên của họ. Lý do là vì những người tị nạn mang lại tinh thần kiên cường, nền văn hóa đa dạng và quan điểm độc đáo vào lớp học. Đồng thời, cung cấp cơ hội giáo dục cho người tị nạn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các trường đại học tham gia, mà còn có lợi cho các quốc gia sở tại và phần còn lại của thế giới.

“Chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ kinh nghiệm sống của họ” - ông Shai Reshef nói.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.