Giáo viên vùng xa ngóng trông mỗi dịp hè sang

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghỉ hè là quãng thời gian giáo viên tạm rời công việc giảng dạy sau một năm học miệt mài trên bục giảng.

Nguyễn Thị Thanh đã có 14 năm công tác tại các xã đặc biệt khó khăn ở Lai Châu. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thanh đã có 14 năm công tác tại các xã đặc biệt khó khăn ở Lai Châu. Ảnh: NVCC

Dịp này càng trở nên đặc biệt với nhiều thầy, cô công tác ở vùng cao, xa nhà… bởi được đoàn tụ, nghỉ ngơi bên gia đình, người thân dài hơn.

Sum họp và phụ giúp gia đình

Gần cuối tháng 5, cô giáo Triệu Thị Thanh Huyền, Trường THCS xã Đào Viên (Tràng Định, Lạng Sơn), mong từng ngày đến nghỉ hè. Tạm gác những lo toan công việc, cô Huyền bộc bạch: “Cảm xúc thật khó diễn tả. Tôi vừa vui mừng vừa trông đợi lẫn hồi hộp khi nghĩ đến cảnh được về bên con cái và những người thân yêu”.

Trường cô Huyền đang công tác cách xa nhà gần 80km. Đường sá xa xôi, di chuyển khó khăn nên từ tháng 10 năm ngoái, cô cùng 2 - 3 đồng nghiệp chọn cách ở lại khu nhà cấp 4 của trường.

“Khu nhà chúng tôi ở tạm hàng ngày để tiện lên lớp trước đây là trường mẫu giáo, rồi làm nhà kho, sinh hoạt khá bất tiện, mỗi lần mưa to, cả giường lẫn đồ dùng của thầy cô đều ướt. Tuy điều kiện chỗ ở chưa tốt nhưng nhà xa trường nên chúng tôi chấp nhận ở tạm, chỉ cuối tuần, dịp lễ, Tết… mới trở về gia đình”, cô Huyền chia sẻ.

“Năm nào cũng vậy, dịp nghỉ hè, ban ngày, tôi sẽ phụ gia đình công việc đồng áng. Dù đi cày, cấy nhưng được góp sức cùng gia đình, tôi cũng không thấy mệt mỏi. Sau một ngày làm việc ngoài cánh đồng, đến tối, hai mẹ con quấn quýt, chơi đùa cùng nhau”, cô Huyền kể.

Vợ chồng cô Huyền có một con trai năm nay tròn 3 tuổi. Để tiện cho việc công tác, cô Huyền gửi con cho chồng và bố mẹ chăm sóc. Thông thường, hai ngày nghỉ cuối tuần, cô Huyền về với gia đình nhưng nghỉ chưa “ấm” chỗ lại tất tả trở lại trường cho kịp buổi dạy sáng thứ 2 hàng tuần. Chỉ dịp nghỉ hè hay ngày Tết được nghỉ dài ngày, cô mới có nhiều thời gian chăm sóc con và gia đình.

Ngoài việc làm nông, cô Huyền còn tham gia tỉa cành, lá quế; làm cỏ thạch đen đem bán để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Dự kiến đầu tháng 8, nữ giáo viên sẽ trở lại trường để dọn dẹp, vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên trường lớp… cho năm học mới.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hải Dương nhưng cô Nguyễn Thị Thanh lấy chồng và công tác tại Trường Tiểu học xã Mường Khoa (Tân Uyên, Lai Châu). Dịp nghỉ hè hàng năm, cô thường cùng chồng và con trở về Hải Dương thăm bố mẹ và anh chị em.

Cô Thanh bộc bạch: “Gần đến nghỉ hè, tôi mong ngóng được về quê thăm bố mẹ, người thân. Tâm trạng vừa vui mừng vừa hồi hộp. Khi đã về quê thì ngại không muốn lên trường nhưng lên rồi lại không muốn về nhà”.

Trong 14 năm công tác tại vùng khó Mường Khoa (huyện Hố Mít, Lai Châu), cô Thanh cơ bản sống xa gia đình và dạy học ở nhiều điểm trường hẻo lánh, khó khăn nhất. “Hai năm trước, tôi công tác tại điểm trường Hô So 2, cách nhà 20km nhưng đường sá đi lại khó khăn nên chỉ cuối tuần mới về nhà. Đến dịp hè, tôi đón các con rồi cùng chồng về quê ngoại ở Hải Dương thăm ông bà. Những tháng hè có ý nghĩa rất đặc biệt với gia đình tôi”, cô Thanh tâm sự.

Bên cạnh phụ giúp bố mẹ công việc nhà, cô Thanh cũng như nhiều đồng nghiệp dạy học xa nhà luôn tận dụng quãng thời gian nghỉ hè để bù đắp cho con cái. Theo kế hoạch, cô sẽ đưa các con đi tham quan một số điểm du lịch ở địa phương; dành nhiều thời gian chơi đùa, trò chuyện, đôn đốc, nhắc nhở con học hành để vào năm học mới không quên bài cũ.

“Khoảng đầu tháng 8, hết kỳ nghỉ hè, gia đình tôi trở lại trường. Trước lúc tôi lên đường sợ nhất cảnh con khóc, bám vì không muốn xa mẹ. Giờ đây, gia đình đã sum họp, các con được gần mẹ nhưng tôi luôn nhớ về khoảng thời gian đó và biết ơn chồng cùng gia đình đã ủng hộ, hỗ trợ để tôi yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục và học trò vùng khó”, cô Thanh tâm sự.

Cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên chụp ảnh cùng trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên chụp ảnh cùng trò. Ảnh: NVCC

Đường về trường hết chênh chao

Sẽ tham gia tập huấn để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 4 nên năm nay, cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (huyện Mường Tè, Lai Châu), nghỉ hè từ ngày 10/6. Nữ giáo viên dự kiến cùng hai con về quê ngoại ở Thái Bình, cách Lai Châu gần 600km.

Cô Khuyên ở cùng các con tại nơi công tác nhưng hơn 15 năm dạy học ở vùng cao Mường Tè, cô có nhiều năm dạy học ở điểm lẻ. “Nhiều lần gọi điện về, các con hỏi tôi sao chẳng bao giờ thấy mẹ đưa đón chúng con đi học. Hoặc về nhà thăm con dịp hè, câu hỏi đầu tiên tôi nhận được là: Mẹ về có được lâu không?”.

Vì vậy, trước kỳ nghỉ hè trong những tháng xa nhà, cô Khuyên đều cảm thấy bồi hồi xen lẫn háo hức, vui mừng vì sắp được gặp các con và gia đình. “Những kỳ nghỉ hè khi ấy thật giá trị, là quãng thời gian tôi luôn trân trọng và mong mỏi”, cô Khuyên cho hay.

Thương con còn nhỏ đã phải chịu cảnh xa mẹ nên mỗi lần gọi điện hay có dịp về thăm nhà, cô Khuyên kiên nhẫn giảng giải cho các con về công việc của mình; thường xuyên động viên, an ủi con. Bên cạnh đó, cô nhờ chồng và các thầy, cô giáo tại trường quan tâm, chăm sóc để con không cảm thấy trống vắng khi thiếu mẹ.

Nhờ làm công tác tư tưởng xuyên suốt, khi cô Khuyên trở lại trường sau kỳ nghỉ, các con không bị hụt hẫng, mà còn hiểu và chia sẻ hơn với công việc của mẹ. Điều đó trở thành động lực để cô yên tâm công tác, phấn đấu làm việc.

Một kỳ nghỉ hè nữa lại đến nhưng khác là năm nay cô Khuyên không còn cảnh trở về thăm con hay lau nước mắt chào tạm biệt để trở lại trường. Dù vậy, nữ nhà giáo vùng cao vẫn cảm thấy háo hức vì sẽ về thăm mẹ ở Thái Bình. “Bận rộn với công việc suốt năm học, nghỉ hè là lúc mẹ con, bà cháu được sum họp. Ở quê nhà, chắc hẳn mẹ tôi đang ngóng trông con cháu trở về”, cô Khuyên bộc bạch.

“Sau kỳ nghỉ, quay lại trường, lúc nào tôi cũng cảm thấy nhớ con. Gọi điện về gia đình, tôi chỉ dám nghe giọng con chứ không dám mở lời vì sợ không kìm được nước mắt. Để vơi đi nỗi nhớ con, tôi tập trung chuẩn bị các công việc cho năm học mới. Được gia đình, đồng nghiệp động viên, an ủi nên lòng tôi nhẹ nhõm hơn và thêm quyết tâm gắn bó với nghề... ” – cô Triệu Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường THCS xã Đào Viên, tỉnh Lạng Sơn, tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ