Người tị nạn Ukraine: "Món mồi" béo bở xuyên biên giới?

GD&TĐ - Cuộc chiến Ukraine – Nga đã đẩy người dân Ukraine sơ tán khỏi đất nước, tạo ra làn sóng di cư lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.

Những cô gái đơn độc có thể bị nhóm buôn người lôi kéo.
Những cô gái đơn độc có thể bị nhóm buôn người lôi kéo.

Hàng trăm nghìn phụ nữ tị nạn Ukraine đang trở thành “miếng mồi” các nhóm buôn người xuyên biên giới.

Lợi dụng lòng tin của phụ nữ trẻ

Vừa qua khỏi trạm kiểm soát biên giới Medyka, Ba Lan, Iryna, 18 tuổi, người Ukraine, đã được một chàng trai lạ mặt đến bắt chuyện. Người này tự giới thiệu mình tên là Stanislav, người Ukraine nhưng sống tại Ba Lan đã lâu. Anh ta cùng bạn bè tổ chức nhóm thiện nguyện để giúp đỡ người Ukraine sơ tán đến Ba Lan sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại nước này.

Quê ở thành phố Mariupol, Ukraine, Iryna chuyển đến thành phố Kyiv học đại học. Khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát Mariupol, cha mẹ cô chỉ kịp thông báo: “Cha mẹ vẫn khoẻ, con cố gắng giữ an toàn. Cha mẹ yêu con”, trước khi liên lạc hoàn toàn bị cắt.

Chiến sự lan đến Kyiv cũng là lúc bạn bè Iryna hối hả tìm cách sơ tán. Có người cùng gia đình chạy sang Moldova, vài người khác đi Slovakia nhưng Iryna chọn Ba Lan vì quãng đường từ Kyiv đi Medyka thuận tiện hơn. Chính quyền thành phố Kyiv cũng thông báo đã có sẵn phương tiện đưa người dân đi di tản.

Trở lại với Stanilav, người tự xưng là thành viên nhóm thiện nguyện, sau khi hỏi thăm gia cảnh Iryna, anh ta cam kết đưa cô đến Warsaw, thủ đô Ba Lan. Tại đó, nhóm thiện nguyện sẽ sắp xếp chỗ ở miễn phí và việc học tập cho Iryna.

Nữ sinh nhớ lại: “Tôi phân vân không biết nên tin anh ta hay không. Theo những gì tôi đọc trên mạng, người tị nạn Ukraine đến Ba Lan thường được bố trí ở tập thể trong trường học, trung tâm rồi mới được chuyển đến nơi khác sau khi phân loại, cung cấp giấy tờ”.

Trong lúc Iryna còn lưỡng lự, Stanilav liên tục nhấn mạnh: “Bạn không phải là người đầu tiên chúng tôi giúp đỡ. Nhiều người cùng hoàn cảnh như bạn đã lên đường rồi. Nếu muốn đi thì bạn phải nhanh lên”. Vừa nói, anh ta vừa chỉ vào chiếc xe hơi đậu cách đo chừng 300m đang nổ máy.

Cùng lúc ấy, một sĩ quan cảnh sát người Ba Lan từ xa tiến đến. Nhìn thấy người này, Stanilav lôi điện thoại trong túi áo khoác ra và nói: “Xin lỗi, tôi có cuộc gọi. Sẽ gặp lại bạn sau”. Rồi anh ta lẩn vào đám đông đang chờ được đưa đến trung tâm tiếp nhận.

Sau khi nghe Iryna kể lại câu chuyện, sĩ quan cảnh sát dặn cô phải hết sức cẩn thận. Người tị nạn Ukraine chỉ tin theo sự hướng dẫn của cảnh sát hoặc của những nhóm thiện nguyện mặc áo có dải cản quang, đeo bảng tên. Tuyệt đối không được nghe người lạ vì rất có thể họ là các băng nhóm buôn người.

Cùng với Iryna, hàng trăm nghìn phụ nữ Ukraine đã sơ tán đến Ba Lan, Hungary, Rumani, Slovakia… để tránh khỏi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn thông báo, tính đến ngày 6/3, khoảng 1,5 triệu người rời khỏi Ukraine vì chiến tranh và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Trong đó, Ba Lan đã đón nhận hơn 2 triệu người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Chính phủ Ba Lan đã phát hiện dấu hiệu cho thấy những kẻ buôn người đang nhắm mục tiêu vào người tị nạn, đặc biệt là trẻ em gái. Theo Liên Hợp Quốc, những kẻ buôn người từ lâu đã nhắm sự chú ý đến người dễ bị tổn thương ở Đông Âu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ vị thành niên, những người bị buôn bán làm nô lệ tình dục. Các tổ chức này thường được gọi chung là mafia.

Khi chiến tranh Ukraine – Nga nổ ra, mafia Ukraine lập tức liên kết với mafia Ba Lan. Dòng người tị nạn khổng lồ chạy trốn khỏi chiến tranh, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tạo cơ hội cho các nhóm tội phạm hành động. Chúng núp dưới vỏ bọc thiện nguyện, dụ dỗ phụ nữ Ukraine với lời hứa hẹn cho họ ăn ở miễn phí, được tiếp tục học tập hoặc làm việc. Nghe lời bọn chúng, những người tị nạn sẽ bị bán cho các nhà chứa, ổ mại dâm quy mô lớn.

Nhóm tình nguyện viên người Ba Lan.
Nhóm tình nguyện viên người Ba Lan.

Buôn bán mại dâm quy mô lớn

Câu chuyện của Natalia là một ví dụ. Sau khi đi từ tỉnh Zhytomir, Ukraine vào Ba Lan, Natalia đã “chạm trán” hai người đàn ông lạ mặt, hứa cho cô đi nhờ xe đến nhà dì ở Katowice. Tuy nhiên, khi xe đến Krakow, hai người này đã đưa cô vào một quán bar và bắt cô ở lại đây “tiếp khách”.

Khi Natalia không đồng ý, hai gã này giật điện thoại của cô, dọa sẽ giết cả nhà dì Natalia nếu báo cảnh sát vì khi trên xe, cô gái đã cung cấp địa chỉ nhà dì cho hai tên này. Nếu muốn rời đi,

Natalia phải trả cho chúng 5.000 USD, coi như là phí đi đường trong khi cô gái trẻ chỉ có vài trăm USD trong túi.

Sau đó, hai tên này đưa Natalia trở lại trung tâm tiếp nhận người tị nạn Ukraine và bắt cô rủ một hoặc hai người phụ nữ bất kỳ đi theo họ để bù đắp số tiền xăng họ đã tiêu tốn. Trở lại trạm kiểm soát biên giới Medyka, Ba Lan, Natalia gặp một nhóm tình nguyện viên.

Sau vài phút đắn đó, cô quyết định kể lại những gì xảy ra với mình. Nhóm tình nguyện lập tức đưa cô đến chỗ an toàn và gọi điện báo cảnh sát nhưng hai gã kia đã biến mất. Cảnh sát cũng thông báo cho cơ quan an ninh địa phương để bảo vệ nhà người dì của Natalia khỏi bị trả thù.

Cô Karolina Wierzbińska, điều phối viên tại tổ chức nhân quyền Homo Faber, Ba Lan, cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp “ma cô” rình rập quanh phụ nữ Ukraine gần các điểm trú ẩn dành cho người tị nạn. Các nhóm dụ dỗ những người phụ nữ bằng phương tiện đi lại, công việc hay chỗ ở. Khi không thể dụ dỗ, họ đe dọa, thậm chí tấn công những người phụ nữ”.

Theo Wierzbińska, một số phụ nữ không còn đường lùi đã tiếp tay cho bọn mafia để lôi kéo đồng bào mình. “Các tình nguyện viên đã chứng kiến nhiều cô gái trẻ Ukraine đứng đợi người tị nạn ở điểm tiếp nhận. Họ bày tỏ đau khổ, mệt mỏi để chiếm lấy sự đồng cảm từ những người phụ nữ khác rồi dụ dỗ họ theo mình đến chỗ của bọn buôn người”, Wierzbińska cho hay.

Hầu hết những kẻ buôn người bị kết án là nam giới nhưng phụ nữ cũng có thể tham gia vào các mạng lưới bóc lột. Trong một số trường hợp, những kẻ buôn bán phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người hoặc lạm dụng. Đôi khi nhóm buôn người sử dụng phụ nữ để lôi kéo những người phụ nữ khác.

Nhóm buôn người có thể đi theo cặp đôi gồm một nam và một nữ, đi đến biên giới bằng ô tô và cố gắng dụ dỗ phụ nữ bằng các chiến thuật tương tự. Nếu thấy những người có biểu hiện lạ tiếp cận người tị nạn, nhóm của Wierzbińska lập tức can thiệp và yêu cầu họ xuất trình chứng minh là người tình nguyện. Khi đó, những người khả nghi này liền bỏ chạy. Những người tị nạn thường bị bán với giá trung bình là 10.000 zloty (tương đương 2.000 bảng Anh).

Do số người vượt biên giới ngày càng nhiều nên cảnh sát Ba Lan không thể ngăn chặn hết các nhóm tội phạm buôn người. Họ đã phát thông báo, cử các nhóm tình nguyện đi tuần tra, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội… nhưng chiêu thức của lũ mafia đặc biệt tinh vi.

Ở thành phố Przemysl, các biển báo được đặt xung quanh khu tạm trú dành cho người tị nạn bằng tiếng Ukraine, tiếng Nga, tiếng Ba Lan và tiếng Anh. Trong đó, biển báo liệt kê các biện pháp phòng ngừa dành cho người tị nạn trước khi nhận lời đề nghị từ người lạ. “Hãy chụp ảnh người tài xế. Nếu họ từ chối, đừng đi với họ”, một tấm biển ghi rõ.

Lauren Agnew, chuyên gia về buôn người tại tổ chức từ thiện CARE, cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra vấn nạn về buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái. Nó sẽ gây ra hiệu ứng domino trên khắp châu Âu, tiếp tay cho các nhóm buôn người nhắm vào người tị nạn nói chung. Những người phụ nữ yếu thế phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột tình dục”.

Những biên giới mong manh

Trẻ em tị nạn không có người lớn đi kèm dễ gặp nguy hiểm.
Trẻ em tị nạn không có người lớn đi kèm dễ gặp nguy hiểm.

Hơn một tháng sau chiến tranh, an ninh tại Medyka và nhiều thành phố sát biên giới Ukraine tại Ba Lan vẫn còn bấp bênh. Những lo ngại về nạn buôn người đang lặp lại ở quốc gia láng giềng, Đức.

Các tình nguyện viên làm việc tại nhà ga Hauptbahnhof, Berlin, cho biết họ đã ghi nhận nhiều trường hợp người không phải tình nguyện viên hứa cung cấp chỗ ở cho người tị nạn. Tuy nhiên, khi được yêu cầu xác nhận danh tính, những người này liền rời đi.

Cảnh sát liên bang Đức cũng đã cảnh báo người dân Ukraine về những nguy cơ tiềm ẩn phải đối mặt. Cảnh sát yêu cầu người tị nạn chỉ nên tin tưởng những nhân viên tình nguyện chính thức, cơ quan cảnh sát, không nên nghe theo lời người lạ mặt có dấu hiệu khả nghi.

Không chỉ nhắm đến phụ nữ trẻ, dòng người tị nạn Ukraine tràn vào Ba Lan, Hungary, Slovakia… còn là cơ hội cho những nhóm tội phạm khác. Đơn cử, do thiếu phương tiện để di chuyển đến biên giới, những nhóm này ra giá từ 500 đến 5.000 USD cho mỗi người tị nạn muốn rời khỏi Ukraine tuỳ theo điểm đến và đi.

Một số người tự xưng là thành viên của Hội Chữ thập đỏ, thông đồng với vài quan chức phụ trách nhập cư để đưa người qua biên giới không bị kiểm tra nếu họ đồng ý trả tiền. Những người sẵn sàng trả tiền cho nhóm này thường là những người không có hộ chiếu, sinh viên…

Bên cạnh đó, các nhóm tội phạm cũng nhắm vào trẻ em, đặc biệt những trẻ em mồ côi hoặc một mình vượt biên. Tổ chức Thiếu nhi châu Âu, nhóm bảo trợ cho 24 tổ chức bảo vệ trẻ em trên khắp châu Âu, cho biết những trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm đang “biến mất” tại biên giới.

Aagje Ieven, Tổng thư ký của Tổ chức Thiếu nhi châu Âu, bày tỏ: “Chúng tôi đã mất dấu rất nhiều trẻ em tị nạn. Điều này cho thấy việc buôn bán trẻ em đang trở nên quá dễ dàng và có nguy cơ lan rộng trong thời gian tới. Những đứa trẻ có thể bị bóc lột lao động, tình dục hay mại dâm”.

Theo UNICEF, hơn 500 trẻ em không có người đi kèm được xác định đã vượt biên từ Ukraine vào các quốc gia lân cận trong thời gian từ ngày 24/2 đến ngày 17/3. Tổ chức này kêu gọi chính phủ các nước tăng cường bảo đảm an ninh ở biên giới nhằm giữ an toàn cho trẻ tị nạn, đặc biệt là những em không có người lớn đi kèm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…