Thách thức trong công nghệ giám định hài cốt liệt sĩ

GD&TĐ -Giám định ADN hài cốt liệt sĩ là công nghệ phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố kèm theo trong đó, khó khăn nhất là việc chạy đua với thời gian bởi để càng lâu càng khó phân tích.

Giám định hài cốt liệt sĩ ở Trung tâm Xét nghiệm ADN, Viện Công nghệ Sinh học.
Giám định hài cốt liệt sĩ ở Trung tâm Xét nghiệm ADN, Viện Công nghệ Sinh học.

Còn lượng lớn mẫu hài cốt liệt sĩ chưa thể xác định danh tính

ThS Hoàng Hà, Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, Trung tâm Giám định ADN đã được trang bị cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện các nghiên cứu về giám định ADN và các nghiên cứu chuyên sâu về di truyền học, giải trình tự hệ gen. Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm là giám định gen định danh hài cốt liệt sĩ.

Hiện tại, năng lực giám định ADN ty thể của Trung tâm có thể đạt tới 120 lượt mẫu/tuần. Từ tháng 9/2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN đã thực hiện giám định 4.276 mẫu, trong đó 3.379 mẫu (~79%) phải thực hiện giám định từ 2 - 5 lần. Từ năm 2019 đến nay, có 1.205 kết quả được giám định thành công và cần ghép nối với cơ sở dữ liệu của thân nhân để định danh liệt sĩ.

Trung tâm Giám định ADN nhận thấy không ít thách thức trong công tác định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Thách thức đầu tiên cần đề cập đó là số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính rất lớn, trong khi đó, chất lượng mẫu ngày càng giảm và lượng mẫu dùng trong giám định rất hạn chế.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, thời gian chôn cất đã lâu gây ra sự phân hủy nhanh chóng của mẫu hài cốt liệt sĩ. Phần lớn các mẫu cần được tách chiết ADN nhiều lần nhưng trong rất nhiều trường hợp, ADN (đặc biệt là ADN nhân) không thể được tách chiết hoặc bị đứt gãy mạnh, không đủ chất lượng để sử dụng cho các phân tích gen.

Khó khăn trong công nghệ, theo ThS Hoàng Hà là các quy trình tách chiết ADN phải tránh các tác nhân xử lý mạnh, chẳng hạn như chất tẩy rửa mạnh hoặc nhiệt độ cao. Mặc dù, các phương pháp xử lý này có thể giải phóng nhiều ADN hơn, nhưng chúng lại gây thêm tổn thương cho các phân tử ADN. Do đó, một quy trình tách chiết ADN từ mẫu hài cốt phải giải quyết được vấn đề số lượng và chất lượng.

Quy trình giám định ADN với hài cốt khá phức tạp. Từ mẫu xương, các kỹ thuật viên phải làm sạch bề mặt, phơi khô rồi cắt nhỏ mẫu, sau đó lấy máy đánh cao răng tiếp tục làm sạch bề mặt. Công việc làm sạch kéo dài cả tuần. Mẫu vật sau đó được ngâm hóa chất, được nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại rồi giải trình tự.

Cần có ngân hàng dữ liệu ADN

PGS.TS.NCVCC Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, cho biết, Trung tâm Giám định ADN được thành lập từ năm 2019. Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, Trung tâm tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.

Đáng tiếc là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giai đoạn không thể đi lấy được mẫu, có những lúc cả Trung tâm phải nghỉ làm, do vậy, con số đến nay không đạt như kỳ vọng dù kế hoạch ban đầu đặt ra khá cao.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là thời gian càng trôi đi thì chất lượng các mẫu càng giảm. Trong số mẫu xương hài cốt thu thập được, có đến 30% mẫu không cho ra kết quả. Có những mẫu làm đến 5 - 6 lần không ra kết quả, các mẫu bình thường, có chất lượng tốt thì phải làm ít nhất 2 lần.

ThS Hoàng Hà cho biết, định danh hài cốt liệt sĩ quy mô lớn yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác không chỉ dữ liệu ADN ty thể, mà còn dữ liệu ADN nhân (ví dụ STR, SNP) và các thông tin hồ sơ liên quan đến hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Cơ sở dữ liệu này hỗ trợ giám định viên kiểm soát nhiễm, kiểm soát lỗi kỹ thuật và quan trọng hơn cả là tăng cường ý nghĩa thống kê của kết luận giám định.

Thay vì so sánh 1 – 1, cơ sở dữ liệu ADN cho phép việc hồ sơ ADN của người chưa được xác định danh tính được so sánh với các hồ sơ ADN trong cơ sở dữ liệu và từ đó tìm kiếm mối quan hệ huyết thống tiềm năng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các hệ cơ sở dữ liệu ADN hay ngân hàng dữ liệu ADN phục vụ nhiều hoạt động điều tra pháp y.

Hiện, tài liệu liên quan đến hàng vạn hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính càng ngày càng khó tiếp cận, thân nhân liệt sĩ ngày càng cao tuổi và nhiều thân nhân đã qua đời.

Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là nhanh chóng kết nối với các gia đình thân nhân liệt sĩ để nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược thu thập và xét nghiệm mẫu thân nhân, từ đó thiết lập một cơ sở dữ liệu lớn về thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và trình tự ADN của thân nhân liệt sĩ phục vụ quá trình nghiên cứu và định danh hài cốt liệt sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.