Các vật dụng “cậu Thủy” cho là của liệt sĩ đang được lưu giữ tại phòng bảo quản hiện vật của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Cao Nguyên |
Tất cả hài cốt tìm được, ngoài kênh của quân đội thì dứt khoát phải giám định ADN, nếu chính xác thì mới được tổ chức lễ truy điệu và đưa vào nghĩa trang liệt sĩ
Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tự thực hiện chương trình quy tập HCLS và hỗ trợ 75 triệu đồng/bộ mà không xin ý kiến Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH), Bộ trưởng Chuyền nói: “Lẽ ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phải phối hợp với chính quyền cũng như cơ quan quân sự địa phương để triển khai tìm kiếm và quy tập.
Trong vụ phát hiện hài cốt ở tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu đưa tất cả số hài cốt này đi giám định ADN. Khi Viện Pháp y Quân đội, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an khẳng định những hài cốt đó không có cơ sở kết luận là xương người, chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an khởi tố, điều tra để làm rõ”.
Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH cho biết từ tháng 7/2011, bộ này đã thấy hiện tượng một số nhà ngoại cảm có dấu hiệu lừa đảo nên đã yêu cầu các địa phương thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, khi phát hiện khu vực có hài cốt thì phải báo cáo với chính quyền và quân đội để phối hợp tìm kiếm và quy tập. Ngoài việc giao cho Bộ Quốc phòng, Chính phủ cũng đồng ý để các tổ chức, cá nhân phát hiện hài cốt được cho là của liệt sĩ báo cáo với chính quyền sở tại để phối hợp quy tập. Tuy nhiên, trên thực tế, có một bộ phận trục lợi từ công việc này. “Chúng tôi nghĩ phải tuyên truyền tốt hơn nữa để gia đình các liệt sĩ cảnh giác và khi phát hiện thì phải xử lý thật nghiêm, bất kể ai” - Bà Chuyền nói.
“Vừa qua, có một số thông tin về HCLS giả. Việc lừa đảo thân nhân những người đã đổ xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc là không thể chấp nhận được. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiêm trị những kẻ có hành vi vô lương tâm này” - Thượng tướng Lê Hữu Đức nói. |
Theo NLĐ