Người mang ánh sáng cho trẻ nghèo vùng biển

(GD&TĐ) - Tôi sinh ra tại một vùng biển thuộc xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), một xã nghèo đất hẹp người đông, trẻ con cũng thất học nhiều. Nhưng từ trong cái nghèo khó đó, có một người đã mang ánh sáng về cho những đứa trẻ nghèo quê tôi, giúp chúng tôi lớn lên không còn mặc cảm. Đó là cô giáo của chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thông.

Trăn trở trước những cảnh đời éo le 

Từ bao đời nay, Ngư Lộc đã quen với những cơn bão, quen với những trận nổi giận của biển cả. Mỗi cơn bão lớn đi qua, Ngư Lộc lại gánh thêm những mất mát. Những người đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng vẫn đang ngày ngày đánh đổi sinh mạng của mình vì cuộc sống mưu sinh trên biển. Biết bao người đã ở lại với biển cả mênh mông để lại những người vợ góa và những đứa con thơ dại. Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc thì toàn xã có khoảng hơn 200 phụ nữ sống đơn thân. Trong số đó, phần lớn là do những người chồng ra khơi rồi không có ngày trở về.

Ở xã nghèo nhiều đau thương này, nhiều đứa trẻ bơ vơ vì mồ côi cha và thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Bởi mất bố - trụ cột lao động của gia đình không còn - mẹ lại phải đi làm xa để lấy tiền nuôi các con. Những đứa trẻ áo không đủ mặc, ăn không đủ no, thì lấy tiền đâu để đến trường. Cuộc đời của chúng con sẽ thiệt thòi biết bao nếu không có cô…

Kể về cuộc đời cô là những trang giáo án dài. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Mơ ước làm cô giáo để dạy chữ cho con em vùng quê quanh năm lăn lộn với sóng gió. Năm 1966, cô tốt nghiệp trường sư phạm rồi về dạy học tại Trường Tiểu học Đa Lộc, xã Đa Lộc; Đến năm 1968, cô làm Hiệu phó Trường tiểu học Đa Lộc; năm 1988, cô về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Lộc 2, xã Ngư Lộc. Tuy làm công tác quản lý nhưng cô vẫn hàng ngày đứng lớp, bởi cô muốn được gần gũi với các em học sinh, muốn được truyền thụ kiến thức đến cho các em. Đến năm học 1996 – 1997, cô đã được phong tặng Nhà giáo ưu tú.

Được chứng kiến những khó khăn vất vả, thiệt thòi của trẻ em nghèo quê mình, cô Thông đã luôn trăn trở mong muốn làm gì đó để giúp đỡ người dân xã Ngư Lộc nói chung và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở đây nói riêng. Vì vậy, ngay sau khi về hưu (năm 2001), cô đã xin chính quyền địa phương mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo tại nhà. Và tháng 2/2002, lớp học đầu tiên được ra đời với 16 em nhỏ thuộc lứa tuổi từ 11 - 16 tuổi. Những em nhỏ này đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất trong cơn bão số 6/1996, mẹ đi làm ăn xa không có điều kiện đi học (cơn bão số 6 đã cướp đi 54 người đàn ông trong xã Ngư Lộc). Cũng từ đó đến nay, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành nhờ có lớp học đặc biệt của cô. Tình yêu thương của cô dành cho trẻ em nghèo ở đây không thể nói hết bằng lời.

Thương những “đứa con” nghèo thất học

Cô đã quên cả hạnh phúc của riêng mình, cống hiến trọn đời cho “sự nghiệp trồng người”. Con đến thăm cô, lớp học của cô đã được chuyển lên Trung tâm học tập cộng đồng của UBND xã Ngư Lộc từ năm 2011. Tóc cô đã lốm đốm những sợi bạc, mắt nhiều lúc phải nheo lại khi nhìn vào cuốn sách trên tay, nhưng trong đôi mắt ấy vẫn luôn chứa chan tình yêu thương, trìu mến. 

Lớp học hôm nay có 5 em học sinh, nhưng cô trò vẫn say sưa học bài. Năm em học sinh đều có hoàn cảnh đặc biệt: Em Nguyễn Thị Loan (13 tuổi), ở thôn Bắc Thọ, mẹ em lấy chồng Trung Quốc, khi mang thai em do hoàn cảnh không thể ở bên đó được, mẹ em đã về quê sinh em. Hoàn cảnh 2 mẹ con khó khăn, em không thể đến trường được; Em Nguyễn Thị Thùy (11 tuổi), thôn Nam Vương, bị liệt bẩm sinh 2 chân, vì mặc cảm, sợ các bạn trêu trọc, em không đến trường và gia đình đã gửi em vào lớp cô Thông… Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung lại là tình yêu thương của lớp học đặc biệt này.

Tâm sự cùng cô, những kỷ niệm về những ngày đầu của lớp học lại ùa về: Nhà các em nghèo lắm, nhiều em buổi sáng bụng đói đến lớp, có em đang học đói lả đi, cô vội vàng cõng em ấy chạy ra trạm xá của xã để cấp cứu, nghĩ em bị bệnh gì, không ngờ là do em ấy đói quá. Rút kinh nghiệm từ đó, cô luôn trữ một ít tiền trong túi và một lọ đường trong lớp học. Nếu có em nào đói, cô pha nước đường cho uống tạm rồi lại chạy ra chợ mua bánh cho các em ăn.

Vào mùa đông, các em thiếu áo mặc, rét run không thể cầm bút viết. Nhà cô cũng khó khăn nên không thể mua áo cho các em được. Cô liền nghĩ ra cách, đi đến các gia đình có điều kiện hơn xin quần áo mặc thừa rồi về mang ra tiệm sửa lại cho các em mặc.

Còn nhớ gia đình cô Nguyễn Thị Lờ, thôn Thành Lập có ba con là em Ngọ, Nhâm, Nhung, bố cũng là một trong 54 nạn nhân của cơn bão số 6 năm 1996. Mẹ phải đi làm xa, 3 anh chị em ở nhà tự nuôi nhau, cơm không có để ăn. Thương hoàn cảnh của các em, cô lại lặn lội đến chính quyền xã xin hỗ trợ gạo cho các em. Nhờ vậy mà các em đã đỡ đói hơn mỗi khi đến lớp học….

Trong tâm khảm mỗi người dân Ngư Lộc – cô là cô giáo của tình nhân ái, yêu thương…

Mã số: 2106

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.