Huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy trên núi Cô Tô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tiếp tục công tác chữa cháy rừng trên núi Cô Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) chính quyền địa phương huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy.

Tri Tôn (An Giang) huy động lực lượng tiếp tục chữa cháy rừng trên núi Cô Tô.
Tri Tôn (An Giang) huy động lực lượng tiếp tục chữa cháy rừng trên núi Cô Tô.

Sáng 27/4, ông Cao Quang Liêm – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn; ông Nguyễn Văn Bé Tám – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang, Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện đã có mặt tại khu vực cháy để chỉ đạo công tác chữa cháy rừng.

Lực lượng chữa cháy tiếp tục chữa cháy rừng.

Lực lượng chữa cháy tiếp tục chữa cháy rừng.

Lãnh đạo huyện Tri Tôn (An Giang) quyết tâm chỉ đạo các lực lượng hoàn thành công tác chữa cháy ngay trong ngày 27/4, đảm bảo dập tắt ngọn lửa, không để cháy lan và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và dụng cụ tham gia chữa cháy.

Huyện Tri Tôn đã huy động trên 200 cán bộ chiến sĩ thuộc Ban chỉ huy Quân sự, Công an, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng, cùng người dân địa phương và nhiều phương tiện tham gia chữa cháy như: Máy chữa cháy đeo vai, Máy bơm nước đồi núi… chia thành 3 hướng tiếp cận các vị trí còn cháy ngún.

Lớp thực bì và cây tạp tái sinh bị cháy trong vụ cháy rừng trên núi Cô Tô (Tri Tôn).

Lớp thực bì và cây tạp tái sinh bị cháy trong vụ cháy rừng trên núi Cô Tô (Tri Tôn).

Hiện diện tích đám cháy chưa được xác định. Vụ cháy không thiệt hại về người và tài sản, cháy chủ yếu là thảm thực bì, dây leo và rừng cây tạp tái sinh. Nguyên nhân cháy các ngành chức năng đang tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.

Trước đó (tối 26/4), Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn – Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, đã nhận được tin báo từ Ban Chỉ huy Quân sự xã Núi Tô xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn).

Clip cháy trên núi Cô Tô do người ghi lại.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14h cùng ngày, tại khu vực đất lâm nghiệp thuộc núi Cô Tô (xã Núi Tô) bất ngờ bốc cháy. Lửa nhanh chóng lan ra khu vực xung quanh diện tích đám cháy khá lớn.

Thòei điểm đó, lực lượng tham gia chữa cháy gồm 157 đồng chí, 2 xe tải chở nước và vật chất chữa cháy, 2 xe tải chở quân, 15 máy chữa cháy đeo vai, 3 máy bơm nước...

Ngọn lửa lớn cháy núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) trông thấy từ xa.

Ngọn lửa lớn cháy núi Cô Tô (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) trông thấy từ xa.

Do tình hình khu vực đám cháy dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng, cháy lớn, khói nhiều, đá nổ, rơi từ trên cao xuống, gây nguy hiểm, nên khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, được sự thống nhất giữa kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, công an, quân sự và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng tham gia chữa cháy rút quân, để bảo đảm an toàn.

Dự kiến sáng 27/4, các lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Lực lượng kiểm lâm, Ban Chỉ huy Quân sự 2 xã Núi Tô và Ô Lâm đã bố trí lực lượng theo dõi, quan sát đám cháy.

Cùng ngày, các đơn vị chức năng và người dân cũng tập trung chữa cháy khu vực gần nghĩa địa xã Lương Phi, cặp chân núi Dài (ấp An Lương, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn). Đám cháy xuất phát từ rừng tầm vông, diện tích gần 4ha.

Đám cháy xuất phát từ rừng tầm vông cặp chân núi Dài (xã Lương Phi, Tri Tôn).

Đám cháy xuất phát từ rừng tầm vông cặp chân núi Dài (xã Lương Phi, Tri Tôn).

Núi Cô Tô có khá nhiều tên như Núi Tô, Phụng Hoàng Sơn và gọi theo tiếng Khmer là Phnom-Ktô. Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) nằm trong dãy Thất Sơn – Bảy Núi nổi tiếng.

Ngọn núi này đạt đến độ cao trên 614m, dài lên đến 5.800m và rộng khoảng 3.700m. Nơi đây còn được tạo hóa ban tặng hàng trăm hệ thống hang động vững chắc khiến bao nhiêu người đổ xô đến đây để chiêm ngưỡng.

Núi Dài có tên chữ là Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm) là núi dài nhất trong Bảy Núi. Núi dài khoảng 8.000 m, cao 580 m, nằm trên địa bàn các xã là Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn).

Đây là một trái núi thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau (đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ