Một giáo viên nhiều năm thu tiền học sinh rồi 'ỉm' để chi tiêu cá nhân

GD&TĐ - Liên tục nhiều năm, cô Lê Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học An Nông (Thanh Hoá) thu nhiều khoản tiền của học sinh nhưng không nộp về trường.

Trường Tiểu học An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá).
Trường Tiểu học An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá).

Thu tiền học sinh giữ chi tiêu cá nhân

Ban đại diện Hội Phụ huynh Trường Tiểu học An Nông (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) vừa có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc cô Lê Thị Tuyết (SN 1974), giáo viên của trường nhiều năm thu tiền của học sinh nhưng không quyết toán về cho nhà trường.

Trong đơn nêu rõ, cô Lê Thị Tuyết đã thu và sử dụng trái phép trong năm học 2021-2022 với số tiền 78.408.000 đồng; năm học 2022-2023 số tiền 28.200.000 đồng; 2023-2024 với số tiền 36.121.000 đồng.

Theo Hội Phụ huynh, tổng số tiền cô Tuyết thu của học sinh và giữ lại chi tiêu trái phép là gần 143 triệu đồng.

Phụ huynh cũng cho biết thêm, số tiền trên bao gồm các khoản thu như: Xã hội hoá; Quỹ đội; Quỹ phụ huynh; Quỹ chữ thập đỏ; Vệ sinh; Nước uống; Gửi xe…

Ông Đào Xuân Thắng, Trưởng Ban đại diện Hội Phụ huynh Trường Tiểu học An Nông bức xúc: “Năm học 2023-2024, cô Tuyết được phân công dạy và chủ nhiệm lớp 4C có 30 học sinh. Mặc dù nhà trường và hội phụ huynh đã có nghị quyết là tuyệt đối giáo viên không được phép thu tiền nhưng cô Tuyết vẫn cố tình đứng ra thu.

Chúng tôi không hiểu vì sao việc cô Tuyết giữ tiền của học sinh trong nhiều năm mà không quyết toán về cho nhà trường nhưng không bị xử lý. Lãnh đạo nhà trường đã dung túng, bao che cho cấp dưới”.

Đáng nói, dù không thực hiện việc bàn giao số tiền thu của học sinh về cho nhà trường nhưng năm học nào cô Tuyết cũng được đánh giá xếp loại thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại Thông tư liên tịch số 14-LB/TT của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính quy định về trách nhiệm thu tiền tại các trường học, trong đó nêu rõ: Căn cứ quyết định của tỉnh, các trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường. Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý sử dụng theo các quy định hiện hành và có sự phối hợp giám sát của hội phụ huynh học sinh và tổ chức thanh tra nhân dân.

Như vậy, trách nhiệm thu tiền học phí là của kế toán tài vụ nhà trường, không phải của giáo viên chủ nhiệm.

Hiệu trưởng không minh bạch trong công tác tài chính?

Cũng theo đơn phản ánh, mặc dù Ban Đại diện phụ huynh đề nghị hiệu trưởng nhà trường hàng năm phải quyết toán từng khoản rõ ràng, công khai minh bạch, tuy nhiên đề nghị này không được đáp ứng.

“Hàng năm, nhà trường thu tiền xã hội hoá 350.000 đồng/học sinh. Đây là khoản kêu gọi tự nguyện, tuy nhiên nhà trường cào bằng; thu chi thiếu dân chủ, không công khai minh bạch; thu chi không có phiếu thu chi; hồ sơ sổ sách không quyết toán hàng năm. Ban đại diện không được bàn, không được giám sát, chỉ biết khi đã xong việc…”, nội dung đơn nêu.

Theo ông Đào Xuân Thắng, Trưởng Ban Đại diện phụ huynh nhà trường, năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục thu tiền xã hội hoá là 350.000 đồng/học sinh nói để làm nhà để xe cho học sinh, tuy nhiên đến nay đã gần hết năm học nhưng không thấy làm nhà để xe cũng không thấy làm công việc gì.

Cũng theo ông Thắng, riêng tiền Quỹ phụ huynh theo quy định phải do phụ huynh giữ, chi phải được bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, tiền này, nhiều năm nay, nhà trường đều giữ và tự ý chi tiêu.

Khoản tiền này, được phụ huynh tính trong suốt từ năm học 2020-2021 đến nay là hơn 147 triệu đồng. Tiền này dùng vào mục đích gì phụ huynh không được biết.

Trả lời báo GD&TĐ, ông Đào Hùng Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Nông xác nhận việc cô giáo Lê Thị Tuyết nhiều năm thu tiền của học sinh mà không quyết toán lại nhà trường.

“Cô Tuyết có quyết toán một ít, số tiền cô Tuyết nợ lại trường năm học 2021-2022 là 35 triệu đồng, năm học 2022-2023 là 22 triệu đồng, còn năm học này thì chưa tính nên trường chưa có con số cụ thể. Nhà trường cũng liên tục nhắc nhở nhưng cô Tuyết không thực hiện.

Việc cô Tuyết không nộp tiền lại cho nhà trường gây khó khăn trong hoạt động của trường như một số mục tiêu đề ra không thực hiện được”, ông Tiến cho biết.

Khi được hỏi vì sao nhiều năm không thực hiện quyết toán tiền thu của học sinh cho nhà trường nhưng giáo viên này vẫn đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hiệu trưởng Đào Hùng Tiến cho biết, bản thân hiệu trưởng có đưa thông tin này trong quá trình bình xét nhưng đánh giá là của hội đồng, cá nhân hiệu trưởng không tự quyết.

Liên quan đến khoản tiền xã hội hoá, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Nông không cung cấp được hồ sơ quyết toán hàng năm và phê duyệt của Phòng Giáo dục về công tác triển khai khoản tiền xã hội hoá.

Riêng khoản tiền Quỹ Hội Phụ huynh, ông Tiến xác nhận nhà trường đứng ra giữ, nhưng cho rằng thu chi có bàn bạc với hội phụ huynh. Tuy nhiên, biên bản thể hiện việc này, nhà trường không cung cấp được.

Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn cho biết, Phòng đã nhận được các nội dung trong đơn phản ánh của Hội phụ huynh Trường Tiểu học An Nông. Hiện nay, Thanh tra huyện đang vào cuộc xác minh, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.