Khẳng định vai trò của thanh niên
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thanh niên 2005 đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể đối với việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên được khẳng định; quyền và nghĩa vụ của lợi ích hợp pháp của thanh niên được chú trọng, quan tâm trên tất cả các lĩnh vực: học tập, lao động, việc làm, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật,...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Luật Thanh niên 2005 cũng đã bộc lộ những hạn chế trong công tác thi hành mà nổi bật nhất là chưa thấy rõ tác động của Luật trong đời sống xã hội.
Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo, Tiến sỹ Hoàng Xuân Châu – Viện Nghiên cứu Thanh niên cho biết: "Đặt Luật Thanh niên ở vị trí đạo luật có giá trị cao nhất sau Hiến pháp, hình thành và vận hành hệ thống chính sách chuyên biệt về thanh niên, do đó, cần cụ thể hóa mục đích phát triển thanh niên trên một số khía cạnh cơ bản: Khẳng định vai trò của thanh niên trong sự phát triển xã hội – yêu cầu của nhà nước, của xã hội đối với thanh niên; Tạo dựng những cơ chế cần thiết để đẩm bảo và phát huy vai trò của thanh niên trong xã hội; Đồng thời hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong thanh niên".
Tiếp cận ở góc độ đề xuất các sửa đổi cụ thể, Tiến sỹ Trần Văn Miều – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục, môi trường và phát triển cho rằng: Cần khẳng định Luật Thanh niên là luật đối tượng; sửa luật cần hướng đến các nội dung cụ thể về trí tuệ, tinh thần, sức khỏe và năng lực phẩm chất của thanh niên, từ đó đề xuất Trung ương Đoàn nên Bộ có đánh giá hàng năm về chỉ số phát triển thanh niên cấp tỉnh và coi đây là giải pháp mang tính đột phá trong việc phát triển thanh niên giai đoạn mới...
Theo Luật sư Nguyễn Duy Lãm – Nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL Bộ Tư pháp - cho rằng: việc sửa đổi Luật này và sửa theo hướng phát triển thanh niên là cần thiết. Ông đề xuất Luật thanh niên sửa đổi nên mô tả một hệ thống chính sách, pháp luật và xác định rõ vị trí, vai trò của từng loại chính sách pháp luật trong quá trình phát triển thanh niên.
Mong muốn Luật được hoàn thiện
Phát biểu Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tóm lại những vấn đề chính:
Cần khẳng định rõ vị trí vai trò và sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng của Luật Thanh niên năm 2005 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đối với thanh niên Việt Nam giai đoạn vừa qua. Biểu hiện cụ thể ở việc quá trình “thai nghén” – chuẩn bị Luật trong 22 năm, một quá trình rất dài, từ khi chúng ta chưa có gì để ban hành Luật và sau khi có Luật, thì đó cũng là cơ sở để hình thành các cơ chế, chính sách đối với thanh niên.
Tại Hội thảo cũng đã chỉ rõ những hạn chế nhất định của Luật, vì thế yêu cầu cần phải sửa đổi Luật Thanh niên năm 2015 để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ cũng đã đưa nội dung sửa luật vào Chương trình làm việc năm 2019 để thấy rằng việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
Xoay quanh các nội dung trao đổi tại Hội nghị cần thống nhất chung một số nhận định: Sửa luật lần này cũng được coi là làm một bộ luật mới hoàn toàn với hướng tiếp cận mới – tiếp cận phát triển thanh niên; Xác định đối tượng, phạm vi của Luật Thanh niên sửa đổi mới phải đầy đủ, toàn diện và rộng hơn; Những quy định của Luật mới cần phải đề cập nội dung theo các tuyến lĩnh vực cần cụ thể hơn, trong đó xác định rõ nội dung, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan … đảm bảo tính khả thi của Luật.
Luật Thanh niên mới phải tính tới chế tài thực hiện các quy định; cân đối nguồn lực đảm bảo, xác định cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vấn đề này.
Cuối cùng, quá trình sửa luật còn một lộ trình rất dài, do vậy Ban Tổ chức mong muốn các nhà khoa học và chuyên gia tiếp tục tham góp các nội dung để Luật được hoàn thiện.