Dựa trên nền tảng ứng dụng thực hành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, GD STEM được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sáng tạo của các thầy cô giáo, HSSV phát triển những ứng dụng, sản phẩm và những giải pháp đổi mới sáng tạo trong đào tạo nghề gắn với việc làm, đào tạo nhân lực có đủ năng lực tiếp cận với cách mạng công nghệ 4.0.
Nhu cầu về môi trường khởi nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, các quốc gia đều ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt hướng cho HSSV tinh thần kinh doanh vì xã hội; từ đó, tạo nên mạng lưới doanh nghiệp vì xã hội, tạo lập khối sáng tạo xã hội, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp của HSSV.
Đối với Việt Nam, mặc dù đã có những thành công bước đầu, nhưng các hoạt động khởi nghiệp còn gặp không ít những trở ngại, phát triển chưa có tính hệ thống; Việc trang bị kiến thức cần thiết cho người khởi nghiệp thông qua hệ thống đào tạo còn chưa được chú trọng.
Nhu cầu cần được hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của HSSV, giảm được rủi ro trong giai đoạn khởi nghiệp là một nhu cầu thiết yếu. Theo khảo sát, có tới 78% SV mong muốn nhận được các hoạt động hỗ trợ từ bậc học phổ thông; có 22% cho rằng cần nhu cầu hỗ trợ từ bậc ĐH. Có 66% SV cho rằng cần đưa những kỹ năng khởi nghiệp thành một môn học riêng.
Đặc biệt, 88% số lượng SV được hỏi cho rằng, trong các nhà trường, cần có các trung tâm hoặc vườn ươm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. SV mong muốn được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng khởi nghiệp. Được tham gia các sân chơi các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các cơ quan doanh nghiệp để hình thành ý tưởng, và mong muốn ý tưởng của mình được hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện... Những con số cho thấy nhu cầu về một môi trường khởi nghiệp trong cơ sở GD đang ngày một trở nên cần thiết hơn.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Đáp ứng nhu cầu về môi trường khởi nghiệp, vừa qua Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm STEM và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo của nhà trường.
Thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội, cho biết: Với những SV năm nay ra trường, nhà trường quyết tâm đặt mục tiêu 100% SV đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, cả xã hội đều dành sự quan tâm đặc biệt đến startup, khởi nghiệp sáng tạo... nhưng để đưa vào trường học thì chưa có nhiều đơn vị làm được.
Thời gian vừa qua, nhà trường đã mời các em HS cuối cấp THPT đến trải nghiệm học nghề ở Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội. Đây là một nội dung quan trọng nhằm góp phần định hướng cho các em; góp phần giảm thiểu tình trạng “ngồi sai ghế, học sai trường, sai nghề” là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp. Trung tâm STEM và Hỗ trợ đổi mới sáng tạo của nhà trường được thành lập nhằm mục đích giải quyết các vấn đề này.
Cũng theo thầy Phạm Xuân Khánh, Trung tâm STEM của trường sẽ là trung tâm STEM của toàn miền Bắc. Hiện nay các HS phổ thông học và nghiên cứu STEM, nhưng việc hỗ trợ các em thực hiện ý tưởng sáng tạo thì rất hạn chế, và trung tâm STEM của Trường CĐN Công nghệ cao sẽ hỗ trợ được các em biến ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực. Khi đi vào hoạt động, trung tâm cũng sẽ đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo giáo viên giảng dạy đổi mới sáng tạo.