Chống nóng bằng áo làm mát
Nhóm sinh viên K62 gồm: Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo, và Kiều Thị Thuỳ Linh thuộc Viện Kỹ thuật Hoá học, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã sáng chế áo làm mát - giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ khi phải mặc bộ đồ bảo hộ phòng, chống Covid- 19 trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.
Sinh viên Phạm Đình Giỏi cho biết, với sự cố vấn của PGS.TS Vũ Đình Tiến – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hoá học, cả nhóm đã hoàn thành sản phẩm áo làm mát; trước mắt làm 50 chiếc theo “đặt hàng” của Đoàn thanh niên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tặng đội ngũ y, bác sỹ - nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về ý tưởng làm sản phẩm này, Đình Giỏi bộc bạch, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Dịch bùng phát đúng mùa hè, thời tiết nóng bức, nhiều hôm nhiệt độ lên đến trên 40 độ C.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh về đội ngũ y, bác sỹ – nơi tuyến đầu chống dịch phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức. Có những người bị phồng rộp da, thậm chí mệt lả vì quá nóng.
“Những hình ảnh đó khiến chúng em luôn trăn trở suy nghĩ, phải làm gì để đồng hành, hỗ trợ cùng tuyến đầu chống dịch. Sau lời gợi ý và động viên của PGS.TS Vũ Đình Tiến cả nhóm quyết định phát triển sản phẩm mũ bảo hiểm chống nóng thành áo làm mát để gửi đến “tiền tuyến”- Đình Giỏi chia sẻ.
Theo Đình Giỏi, mỗi người có cách làm, hành động khác nhau trong công tác phòng chống Covid-19. "Sinh viên cũng có cách làm riêng của mình: bằng kiến thức được học, tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng em có thể nghiên cứu khoa học và thiết kế, làm ra sản phẩm, thiết bị chống nóng cho đội ngũ y, bác sỹ. Đó cũng là cách để chúng em chung tay đẩy lùi đại dịch” – Đình Giỏi trải lòng.
Ghi nhận và đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của nhóm sinh viên, PGS.TS Vũ Đình Tiến nhấn mạnh, thiết kế áo làm mát không chỉ giúp sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học, mà còn là việc làm thiết thực và ý nghĩa khi các em biết vận dụng kiến thức đã học để phục vụ cộng đồng.
Áo làm mát không chỉ phục vụ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, mà còn phù hợp với những người làm việc trong môi trường nóng bức hoặc thường xuyên phải di chuyển ngoài trời.
PGS.TS Vũ Đình Tiến cho biết, áo làm mát có trọng lượng khoảng 2kg, với nguyên lý tuần hoàn nước lạnh. Qua thử nghiệm, áo có thời gian làm mát nhanh, người dùng không bị mất nhiều mồ hôi. Nhiệt độ làm mát có thể điều chỉnh thông qua lưu lượng bơm, không gây sốc nhiệt cho người sử dụng.
“Áo làm mát có thể sử dụng nguồn pin sạc dự phòng của điện thoại, nên có thể làm việc trên 8 tiếng. Ngoài ra, người dùng có thể bổ sung "chất làm mát" trong quá trình sử dụng bằng cách thêm đá hoặc nước đá vào chiếc bình đựng trong ba lô đi kèm mà không cần cởi áo” – PGS.TS Vũ Đình Tiến chia sẻ, đồng thời cho biết: Sản phẩm đang được cải tiến với mong muốn giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người sử dụng trong quá trình làm việc.
“Tiếp nước” cho tuyến đầu chống dịch
Là người con của quê hương Bắc Giang, sinh viên Nguyễn Văn Sỹ - Trường ĐH Phòng cháy, chữa cháy (Hà Nội) không thể “ngồi yên” khi quê nhà và địa phương khác bị đại dịch Covid-19 hoành hành. Dịch bùng phát đúng vào mùa hè, càng khiến dịch bệnh thêm “nóng”.
“Là học viên của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy nên em hiểu sự vất vả của lực lượng tuyến đầu tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Em luôn trăn trở, tìm phải giải pháp hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp họ “giảm nhiệt” và vơi đi nỗi vất vả” – Văn Sỹ chia sẻ.
Thường xuyên theo dõi theo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng chống dịch bệnh, nam sinh Trường ĐH Phòng cháy, chữa cháy không khỏi xúc động khi thấy những hình ảnh về đội ngũ y, bác sĩ luôn phải làm việc quá tải trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, có những người bị ngất xỉu mệt và mất nước.
“Em luôn mong muốn được đóng góp cho quê nhà. Vì thế, ý tưởng thiết kế sản phẩm “bình tiếp nước” xuất phát từ những lý do trên” – Văn Sỹ bộc bạch.
Nam sinh Trường ĐH Phòng cháy, chữa cháy đã liên hệ với đội ngũ tình nguyện tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) để cùng phối hợp xây dựng kế hoạch và lên ý tưởng sản xuất hệ thống dây đai đeo cấp nước và làm mát cho các y bác sĩ mặc bên trong quần áo bảo hộ (PE).
“Được sự giúp đỡ, tư vấn chuyên môn, triển khai làm sản phẩm của cán bộ, giáo viên nhà trường nên trong 2 ngày chúng em đã hoàn thành mẫu thiết kế và sản phẩm cùng đầy đủ hướng dẫn và các khuyến cáo khi sử dụng” – Văn Sỹ chia sẻ, đồng thời cho biết: Sản phẩm được làm để gửi tặng đến đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.
Là người trực tiếp làm thiết bị “bình tiếp nước” theo ý tưởng thiết kế của Văn Sỹ, cô giáo Hoàng Thị Yên – Trường mầm non thị trấn Nham Biền số 2 (Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ, tuổi trẻ có học thức nên có nhiều sáng kiến, sáng tạo có lợi cho cộng đồng.
Sản phẩm chưa phải là tối ưu, nhưng là giải pháp hỗ trợ hữu ích, kịp thời và mang tính chất “tình thế” nhất là ở thời điểm “đỉnh nóng” của dịch bệnh Covid-19.
“Cách tiếp nước” này tiện lợi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đồ vật trung gian. Theo đó, các y, bác sỹ sẽ đeo hoặc khoác chai nước lên người và sẽ có một dây dẫn nước từ chai/bình lên đến miệng, khi nào khát sẽ uống bằng dây dẫn từ bình lên miệng.