Loại vải này có thể sử dụng để may quần áo bảo hộ, đồ y tế, khẩu trang…
Vải sợi dệt bằng màng vi sinh vật tự phân hủy
Đề tài nghiên cứu chế tạo vật liệu sản xuất đồ bảo hộ y tế tự hủy của nhóm sinh viên Lê Thị Mát, Bùi Thu Thủy, Vũ Đình Khiêm, Đoàn Tâm Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, Bộ môn Lọc hóa dầu, Khoa Dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Lê Thị Mát, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, xuất phát từ thực tế đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng đồ bảo hộ y tế ngày một tăng. Trong khi đó, loại rác thải y tế này tạo gánh nặng cho môi trường do không tự phân hủy được trong thời gian ngắn. Bắt đầu từ năm 2020, nhóm quyết định bắt tay nghiên cứu, mục đích tạo ra sản phẩm đồ y tế tự hủy.
“Hiện, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu về đồ bảo hộ y tế tự hủy. Trong khi đó trên thế giới, mới có loại khẩu trang từ cellulose tự hủy, chưa có đồ bảo hộ y tế tự hủy. Đó là động lực lớn đến nhóm thực hiện nghiên cứu”, sinh viên Lê Thị Mát chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Linh, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hóa học, Khoa Dầu khí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết, thành phần làm nên đồ y tế tự hủy là màng sinh khối vi sinh vật. Đó chính là tế bào vi sinh vật. Các màng sinh khối vi sinh vật đó có khả năng kéo thành các sợi nano, có thể may, dệt.
Khi hoàn thiện màng sinh khối sẽ đem mẫu đi dệt và sản xuất thành bộ đồ bảo hộ y tế hoàn chỉnh. Hiện ở Việt Nam, màng sinh khối vi sinh vật đã được nghiên cứu ứng dụng vào một số lĩnh vực như băng gạc kháng khuẩn. Chưa có nghiên cứu nào thực hiện để làm đồ bảo hộ tự hủy.
Kết quả thử màng sinh khối vi sinh vật ở điều kiện khắc nghiệt nhất, có thể phân hủy trong vòng 1 tháng. Trong môi trường bình thường, thời gian phân hủy khoảng 3 - 4 tháng. Đồ bảo hộ y tế này chỉ dùng một lần. Có thể bảo quản từ 3 - 4 tháng ở môi trường tự nhiên.
“Nhóm nghiên cứu mới dừng lại ở khâu tạo chủng vi sinh vật thành công, là nguyên liệu để làm đồ bảo hộ y tế như khẩu trang, quần áo... Để có bộ đồ y tế hoàn thiện, còn cần thực hiện thêm các công đoạn kéo sợi, dệt tạo tấm và sản xuất sản phẩm”, TS Nguyễn Thị Linh cho biết.
Mong được hỗ trợ
Loại vải có khả năng phân hủy sinh học làm giảm chất thải dệt may ra môi trường. Vải có thể chống thấm nước bền, kéo dài, thoáng khí, bảo vệ tia cực tím.
Về chi phí sản xuất và giá thành dự kiến, TS Nguyễn Thị Linh cho biết khâu tạo màng sinh khối để kéo sợi, dệt có thể tốn kém hơn so với quy trình sản xuất đồ bảo hộ thông thường, tuy nhiên chênh lệch sẽ không đáng kể.
Nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ có nhà đầu tư hỗ trợ để tiếp tục phát triển dự án này. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang dừng lại ở công đoạn nuôi tạo tế bào vi sinh vật. Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu công đoạn tạo sợi và dệt, sản xuất đồ bảo hộ. Khi hoàn thiện, sản phẩm vừa bảo vệ được sức khỏe con người, vừa an toàn, thân thiện với môi trường mang giá trị kinh tế, xã hội và môi trường cao.
Lê Thị Mát chia sẻ, vì còn là sinh viên nên nguồn vốn đầu tư vào dự án ban đầu không nhiều, nên chưa có đủ kinh phí phát triển dự án cao hơn.
“Chúng em mong muốn sẽ có nhà đầu tư hỗ trợ và tin tưởng để chúng em có thể tiếp tục phát triển dự án này. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số công đoạn nghiên cứu bị gián đoạn. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu công đoạn tạo sợi và dệt, sản xuất đồ bảo hộ. Nếu có doanh nghiệp tài trợ, nhóm sẽ có điều kiện triển khai nghiên cứu nhanh hơn để phục vụ nhu cầu thị trường”, Mát nói.