Sinh viên chế tạo xe lăn điện giá rẻ cho người khuyết tật

GD&TĐ - Với mong muốn giúp người khuyết tật dễ dàng di chuyển mà không mất nhiều chi phí, nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đã tích hợp, cải tiến thành công xe lăn bằng thiết bị AutoMov.

Mô hình chiếc xe lăn điện được nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng tích hợp, cải tiến thành công.
Mô hình chiếc xe lăn điện được nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng tích hợp, cải tiến thành công.

Ý tưởng đến từ cuộc sống

Từ ý tưởng tạo sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật, nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đã gắn thêm bộ kit gồm 2 động cơ điện, ắc - quy và bộ điều khiển, cải tiến thành công mọi loại xe lăn thông thường trở thành xe lăn điện.

Sản phẩm - có tên “Thiết bị hỗ trợ xe lăn AutoMov" do các sinh viên Đinh Tuấn Anh, Vũ Hoàng Đức, Đặng Ngọc Tài, Khoa điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng thực hiện - vừa đạt giải Nhất cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) năm 2021" do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ĐHQG TPHCM tổ chức.

Chia sẻ về ý tưởng để thực hiện dự án, Đinh Tuấn Anh- Trưởng nhóm cho biết theo khảo sát trên thị trường, một chiếc xe lăn điện có giá trên 10 triệu đồng, thậm chí tới cả trăm triệu đồng. Mặt khác, nhiều người bị tai nạn và buộc phải sử dụng xe lăn trong khoảng thời gian nhất định, nên khi khỏi bệnh  không còn nhu cầu sử dụng, xe bị bỏ gây nên sự lãng phí rất lớn.

"Từ thực tế này, nhóm em mới nghĩ đến việc tích hợp bộ kit vào mọi loại xe lăn để ai cũng có thể sử dụng xe lăn điện giá rẻ và xây dựng mô hình cho thuê xe lăn để tận dụng nguồn lực, không gây lãng phí", Tuấn Anh cho biết.

Dự án nghiên cứu, cải tiến xe lăn thường thành xe lăn điện của nhóm đạt giải Nhất cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) năm 2021"
Dự án nghiên cứu, cải tiến xe lăn thường thành xe lăn điện của nhóm đạt giải Nhất cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) năm 2021"

Mong hỗ trợ được nhiều người hơn

Theo Tuấn Anh, thiết bị tích hợp do nhóm sản xuất là bộ kit có dạng hình hộp chữ nhật, làm bằng sắt, trọng lượng khoảng 10 kg được lắp phía dưới phần ghế ngồi. Bên trong bộ kit có 2 động cơ điện công suất 350 W truyền vào hai bánh xe.

Bình ắc - quy cung cấp nguồn điện cho động cơ có dung lượng 30 Ah và có thể nâng cấp cao hơn tùy vào mục đích sử dụng.  Tốc độ chạy của xe lăn được nhóm thiết kế ở vận tốc vừa phải từ  7 - 12 km, có thể di chuyển quãng đường trên 20 km cho một lần sạc.

"Bộ kit được kết nối với cần điều khiển gắn trên tay vịn của người sử dụng bằng công nghệ Joystick. Người sử dụng ngồi lên xe chỉ cần thao tác đơn giản bằng ngón tay là có thể cho xe tiến lùi, rẽ trái - phải. Hiện sản phẩm của tụi em đã được Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công nhận về khả năng hỗ trợ người khuyết tật", Tuấn Anh nói. 

Chia sẻ những định hướng sắp tới, Tuấn Anh cho biết sau khi tốt nghiệp sẽ phát triển sản phẩm này thành dự án khởi nghiệp xã hội. Nhóm cũng sẽ cùng với các đối tác phát triển thêm các tiện ích khác cho xe lăn như: Hệ thống định vị GPS, bản đồ tìm đường, điều khiển xe bằng cử chỉ đầu, gắn pin mặt trời...

"Hồi tháng 6, dự án của tụi em đã bán được 14 bộ thiết bị trong vòng một tuần khi đăng lên các trang thương mại điện tử. Để giúp cho người khuyết tật khó khăn có thể sở hữu sản phẩm vừa túi tiền cho mình, nhóm em dự kiến sẽ liên hệ với các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp và các trung tâm bảo trợ xã hội để sản phẩm đến với nhiều người khuyết tật hơn", Tuấn Anh chia sẻ. 

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) năm 2021 do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – ĐHQG TPHCM tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm, ươm tạo, hỗ trợ kết nối đầu tư những ý tưởng khởi nghiệp đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...