Sinh viên mắc bẫy vay trả góp

“Từ bàn tay trắng đã làm nên… đống nợ”. Nhiều sinh viên ta thán như thế khi lâm vào tình cảnh vay nặng lãi dưới hình thức mua hàng trả góp.

Những quảng cáo cho vay nóng với hình thức vay nóng kiểu trả góp xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn
Những quảng cáo cho vay nóng với hình thức vay nóng kiểu trả góp xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn

Cần 4 triệu đồng nhưng nợ tiếp hơn chục triệu

Vì cần gấp 4 triệu đồng để trả nợ, T.L - Sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM đã lên mạng tìm kiếm những nơi cho vay nóng. 

“Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, mình được vay, có đủ tiền trả được 4 triệu đồng nợ cũ. Nhưng phải nợ tiếp hơn chục triệu đồng” - L. kể và thở dài.

L. giải thích, khi liên hệ với “nhân viên tư vấn tài chính” của trang vaytiennongtphcm…, L. đã được hướng dẫn đi đăng ký mua máy tính xách tay trả góp giá 9.990.000 đồng.

Khi hồ sơ được duyệt, nhân viên này đã “ứng” cho L. 3 triệu đồng để trả trước (cho nơi bán máy). Sau khi L. nhận máy, người này đưa ra hàng loạt lý do như máy đời cũ, hiện nay ít người chuộng mặt hàng này… và chỉ đồng ý mua lại với 70% giá trị. 

L. không đồng ý vì cho rằng quá rẻ. Tuy nhiên, L. bị dằn mặt: “Vậy trả lại tao 3 triệu đã ứng ngay lập tức”. Không biết xoay xở thế nào, chẳng còn cách nào khác, L. phải bán lại laptop vừa mua với giá chỉ 6.930.000 đồng.

Trừ đi 3 triệu đồng, L. nhận số tiền chưa đến 4 triệu để trả nợ. Và với việc đăng ký mua trả góp trong vòng 9 tháng, mỗi tháng L. phải đóng lãi 1.141.000 đồng, tổng cộng phải gánh số nợ lên đến hơn 10 triệu đồng.

Rất nhiều SV đã rơi vào tình cảnh tương tự: bỗng chốc nợ cả chục triệu đồng chỉ vì vay nóng… kiểu trả góp.

Trục lợi trên khó khăn của người khác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lợi dụng tâm lý của những SV cần tiền gấp để giải quyết khó khăn nên nhiều người đã bày ra trò cho vay kiểu lạ này để trục lợi.

Nói là vay nhưng hình thức cho vay thực chất là giao dịch mua bán sản phẩm trả góp. Tuy nhiên, trong hình thức vay nóng kiểu này, người vay bị ràng buộc. 

Vì không có tiền trả trước khi đăng ký mua trả góp, SV đã mượn trước của những người cho vay và sau đó bị làm khó, rơi vào thế bắt buộc phải bán sản phẩm cho họ.

Hiện trên các diễn đàn nhan nhản những quảng cáo chiêu dụ vay hình thức ấy như: “cho vay không cần thế chấp”, “cho SV vay nóng”, “vay tiền nóng nhanh nhất”…

Chúng tôi thử liên hệ với người tên Tuấn đăng tin cho vay trên trang chovaytien…, Tuấn yêu cầu để được vay phải đi đăng ký mua hàng trả góp. Đáng chú ý là sản phẩm mua trả góp phải do Tuấn lựa chọn chứ không được mua tùy ý. 

“Phải mua điện thoại iPhone 5S 32GB Gold giá gần 16 triệu đồng thì mới vay được nhiều tiền. Chứ mua mấy cái loại vớ va vớ vẩn thì chẳng vay được đâu” - Tuấn dọa.

Suốt hai ngày liền, Tuấn thường xuyên gọi điện thoại thúc giục hãy đem chứng minh nhân dân và bằng lái xe ra các hệ thống bán điện thoại di động làm hồ sơ mua trả góp để được vay tiền ngay.

Chúng tôi bảo “không có tiền để trả trước 30%”. Tuấn nói: “Yên tâm, nếu hồ sơ được duyệt là đem tiền đến ngay”. Khi nhận được tin hồ sơ đã được duyệt, Tuấn vội vàng chạy xe đến và đưa 5 triệu đồng.

“Cầm tiền vào trả 30% trước rồi nhận máy. Lát nữa ra sẽ đưa đủ”. “Đủ là bao nhiêu?” - Chúng tôi thắc mắc. Tuấn bảo sẽ thu lại 70% giá trị của sản phẩm. “Ở đâu cũng vậy, ngày hôm nay đi thu gần chục cái laptop, iPhone, đều ở mức giá này” - Tuấn nói.

Chúng tôi không đồng ý, Tuấn kỳ kèo lên các mức 75%, 80%. Chúng tôi bảo không vay nữa, Tuấn tỏ vẻ cay cú rồi chửi thề.

Chúng tôi không ngạc nhiên trước sự bực tức ấy, bởi nếu như chúng tôi đồng ý mượn tiền Tuấn trả trước cho công ty bán trả góp, đồng thời bán lại sản phẩm với 70% giá trị, thì chỉ trong tích tắc, Tuấn đã thu lợi gần 5 triệu đồng.

Cẩn thận, không chừng sẽ phạm tội

Trao đổi về hình thức cho vay kiểu mua hàng trả góp này, một luật sư ở TPHCM cho rằng với những người thu mua sản phẩm trả góp, họ đã có lợi qua việc mua được hàng hóa giá giảm so với giá trị thật. 

Lợi ích này bắt đầu từ sự thỏa thuận của hai bên và người mua trả góp đã đồng ý từ ban đầu, thế nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.

Luật sư giải thích: “Ngay từ ban đầu, những người này biết rõ SV cần tiền nhưng cố tình đưa tiền ứng trước và buộc người vay phải bán lại sản phẩm với giá rẻ hơn 20 - 30%, khiến họ bị rơi vào hoàn cảnh bị buộc phải bán, nên có thể vi phạm điều 135 Bộ luật Hình sự, tội “cưỡng đoạt tài sản”. 

Vị luật sư cũng khuyến cáo cần cẩn thận với trường hợp mua trả góp và bán lại giá rẻ tương tự bởi khi rơi vào trường hợp mất khả năng chi trả, không đóng tiền trả góp hằng tháng hoặc bỏ trốn là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ